"Người bao đồng" 7 năm hiến máu cứu người
Giữa năm 2018, con trai đầu lòng của chị Phạm Thị Bích Thủy (32 tuổi, ở Củ Chi) chào đời với nước da tái nhợt.
Lúc đầu chị nghĩ con thiếu canxi nên nếu cho bé tắm nắng sẽ hết. Nhưng hơn 1 tuần sau, bé càng xanh xao. Chị bắt đầu lo sợ khi rùng mình nhận ra, con trai không quấy khóc như những em bé sơ sinh khác.
|
Chị Thủy xúc động nhớ lại khoảnh khắc con trai mình được cứu sống |
Ẵm con đến bệnh viện, bác sĩ trực cấp cứu hốt hoảng: "Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ huyết sắc tố trong máu của bé quá thấp.
Có thể bé mắc bệnh thalassemia (bệnh thiếu máu tán huyết di truyền hay thiếu máu tán huyết bẩm sinh - PV). Phải chuyển gấp bé đến Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM nhanh lên".
"Lúc đó, bác sĩ của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM nói con tôi bị bệnh thalassemia, phải truyền máu ngay mới có thể sống.
Tôi không hiểu đó là bệnh gì nhưng khi bác sĩ tìm hơn 50 bịch máu vẫn không có máu phù hợp với con (bé thuộc nhóm máu phenotype - dạng kiểu hình hay tính chất trên nhóm máu cụ thể của từng bệnh nhân - PV), tim tôi như run lên từng hồi", chị Thủy nhớ lại.
Biết câu chuyện của mẹ con chị Thủy, chị Nguyễn Yến Bình nhờ đồng nghiệp làm thay việc ở cơ quan, rồi vội vã chạy đến bệnh viện. Chị được đẩy vội vào phòng lấy máu để cứu con trai chị Thủy. Những dòng máu nóng từ cơ thể chị Bình truyền qua đã kịp giúp bé hồi sinh.
|
Nhiều gia đình bệnh nhi rất biết ơn những người đã hiến máu cứu con của họ thuộc nhóm máu phenotype |
Khi con trai chị Thủy hồng hào trở lại, chị Bình âm thầm lặng lẽ lấy xe ra về mà không được phép gặp mặt gia đình bệnh nhi vì một số điều tế nhị do bệnh viện quy định.
18 tháng qua, đều đặn mỗi tháng chị Thủy phải đưa con đến bệnh viện truyền máu một lần, trong thời gian đó, bé trai không ít lần được chị Bình tiếp thêm sự sống.
Trao bó hoa tươi thắm cho chị Nguyễn Yến Bình trong hội nghị "Người hiến máu phenotype năm 2019" do Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM tổ chức ngày 10/11, chị Thủy xúc động: “Nếu không có chị, con trai em sẽ không được sống tiếp”.
Hiến máu vì muốn gia đình các bé mãi hạnh phúc
Nghe chị Thủy chia sẻ về mình, chị Bình cười hiền: “Không có gì quý giá hơn sự sống. Điều đáng mừng là máu của tôi có thể giữ các bé lại với cuộc đời, được sống bên cha mẹ.
Tôi đi hiến máu, chắc cũng vì cái duyên. Trước đây, tôi tham gia hiến máu tình nguyện do cơ quan tổ chức.
Về nhà, tôi lên mạng tìm hiểu, thấy nhiều người được cứu sống vì truyền máu kịp thời nên quyết định thường xuyên đi hiến máu. Đồng thời, tôi mong các con mãi sống bên mẹ cha vốn đã khó khăn đưa các con đến với cuộc đời này”.
|
Nhận được máu của chị Bình (trái) kịp thời, con trai chị Thủy qua cơn nguy kịch |
Biết chị Bình đi hiến máu, ban đầu người thân, đồng nghiệp can ngăn vì lo chị không đủ sức khỏe. Nhưng từng chứng kiến nhiều mảnh đời được hồi sinh từ chính những giọt máu của mình nên chị vẫn âm thầm đến bệnh viện cứu người.
Nhiều lúc, có người hiểu lầm chị đi bán máu, chị Bình chỉ lắc đầu không giải thích vì "cứu người trước hết lòng phải thanh thản".
Thế rồi, mặc ai nói gì, suốt 7 năm nay, hàng trăm lần chị Bình hiến máu cho bệnh nhân. Có lần, biết bệnh viện thiếu máu dự trữ, chị lại vận động bạn bè, người thân đến hiến máu.
Cảm mến tấm lòng vì người khác ấy, mỗi lần thấy điện thoại chị Bình reo, đồng nghiệp biết ngay có ca nguy kịch đang cần chị. Họ ủng hộ bằng cách vui vẻ làm thay trong lúc “chị đi có tí việc, sẽ về liền”.
Hơn 3 năm nay, khi Câu lạc bộ hiến máu Phenotype của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM ra đời, chị Bình là một trong những thành viên đầu tiên đăng ký tham gia. Cũng từ đó, điện thoại chị lại reo nhiều hơn, song song đó càng nhiều bệnh nhân mắc bệnh thalassemia được chị tiếp thêm sức mạnh qua từng giọt máu quý giá.
|
Mỗi lần bệnh viện gọi vì cần máu, chị Bình liền chạy đi cứu người |
1 người bệnh cần đến 3 người hiến máu
GS.BS Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM - cho hay, hiện bệnh viện điều trị cho khoảng 80 bệnh nhân đang mắc thalassemia. Đây là căn bệnh tan máu bẩm sinh, người bệnh phải truyền máu nhiều lần, nhóm máu càng gần hệ phenotype càng tốt.
Tuy nhiên, hiện tại số lượng người tham gia truyền máu penotype chỉ có 667 người, lại không phải lúc nào mọi người cũng có mặt kịp thời để hiến. Bên cạnh đó, chu kỳ mỗi đợt hiến máu của một người là 3 tháng, trong khi người mắc thalassemia phải truyền máu trung bình mỗi tháng 1 lần. Như vậy 1 người mắc bệnh cần đến 3 người tiếp sức mới có thể duy trì sự sống.
Với số lượng bệnh nhân nói trên, để đủ máu cho người bệnh, thì số lượng người hiến tặng phải vào khoảng 10.000 người. Điều này cho thấy sự sống của người bệnh quá mong manh. Dù bệnh nhân có cả gia đình tình nguyện hiến máu, nhưng với tần suất quá dày, người nhà vẫn không thể theo kịp.
|
Thalassemia không phải là bệnh lây nhiễm như các bệnh lao, viêm gan..., mà là bệnh di truyền do người bệnh nhận cả hai gen bệnh của bố và mẹ. |
Theo bác sĩ Dũng, để giải quyết vấn đề trước mắt, bệnh viện buộc phải truyền những đơn vị máu có nhóm máu gần nhất cho bệnh nhân. Nhưng về lâu dài, cơ thể bệnh nhân càng sản sinh ra kháng thể gây ra các biến chứng như ứ sắt, lách to… rất đau đớn.
Nếu được truyền nhóm máu phenotype, người bệnh thalassemia sẽ giảm phản ứng không phù hợp nhóm máu, hạn chế tối đa tình trạng tán huyết sau khi được truyền máu, kéo dài thêm thời gian truyền cho lần tiếp theo, giảm được nhiều chi phí và cải thiện chất lượng sống.
Phạm An