Nếu giảm thuế VAT 2% là hữu ích, nên kéo dài hết năm 2025

17/06/2024 - 18:18

PNO - ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu chính sách giảm thuế GTGT hữu ích, nên áp dụng trong thời gian dài hơn, thay vì 6 tháng như đề xuất.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu chính sách giảm thuế GTGT hữu ích, nên áp dụng kéo dài tới hết năm 2025
ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu chính sách giảm thuế GTGT hữu ích, nên áp dụng kéo dài tới hết năm 2025

Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận tổ, trong đó có nội dung liên quan tới về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo dự thảo Nghị quyết, một số hàng hóa, dịch vụ đang áp thuế suất 10% tiếp tục được giảm 2%, về mức còn 8%. Chính sách giảm thuế này được đề nghị kéo dài thêm 6 tháng, tức tới hết năm 2024.

Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm 2% thuế GTGT bao gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc giảm thuế GTGT tuy tác động trực tiếp đến làm giảm thu ngân sách, nhưng theo Chính phủ, chính sách này sẽ giúp hạ chi phí sản xuất, giá bán nên kích thích sản xuất, kinh doanh và tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Bàn về nội dung này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho biết, sau khi chịu tác động từ dịch COVID-19, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua chính sách giảm 2% thuế GTGT cho một số mặt hàng đang áp thuế suất 10% để làm đòn bẩy, phục hồi nền kinh tế.

Sau đó, kỳ họp thứ 6, việc giảm thuế GTGT đã có thấy mang lại nhiều lợi ích nhưng kinh tế phục hồi chưa vững chắc. Do đó, Chính phủ đề nghị tiếp tục giảm thuế GTGT, áp dụng 1/1/2024 – 30/6/2024. Tới kỳ họp thứ 7, kinh tế tiếp tục còn khó khăn nên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục kích cầu và đề xuất kéo dài chính sách này tới hết năm 2024.

ĐBQH đánh giá, việc giảm thuế GTGT góp phần tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng, làm tăng doanh số bán ra, hỗ trợ thúc đầy kinh tế. Chính sách này giúp giảm giá cả hàng hóa, khống chế được lạm phát, giữ được lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

“Thời gian qua, theo báo cáo của Chính phủ, chính sách giảm thuế sẽ làm giảm khoảng 4.000 tỉ đồng/tháng tiền thu vào ngân sách Nhà nước. Nếu áp dụng 6 tháng, dự kiến giảm 24.000 tỉ đồng. Nhưng thực tế, việc giảm thuế lại khuyến khích tăng tiêu dùng nên thu thuế lại không giảm. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước tăng gần 15% so với cùng kỳ”, ĐBQH ủng hộ việc tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế 2%.

Tuy nhiên, ĐBQH cho rằng, nếu thấy chính sách này là hữu ích, không vi phạm điều ước quốc tế thì nên áp dụng luôn trong một thời gian dài, thay vì 6 tháng như hiện nay. Theo ông, nên áp dụng tới hết năm 2025 hoặc tới khi Luật thuế GTGT (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực.

Ngoài ra, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị cân nhắc thêm các nhóm đối tượng được giảm thuế 2%: “Trong quá trình triển khai, một số nơi bị vướng vì Nghị quyết loại trừ một số trường hợp miễn giảm thuế. Chúng ta có thể xem xét áp dụng đại trà, giảm tất cả các mặt hàng chịu thuế 10% xuống 8%”.

Trong khi đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) chia sẻ băn khoăn. Ông cho rằng, giảm thuế GTGT là giảm thu ngân sách, hy sinh ngân sách để kích cầu. Dù vậy, quyết định này phải đảm bảo được sự cân bằng. “Chúng ta cần xác định, “hy sinh” bao nhiêu, cho ai cho khu vực nào của nền kinh tế? “Hy sinh” như vậy thì chuyển biến được bao nhiêu?", ĐBQH đề nghị cân nhắc kỹ, lãm rõ khu vực nào được hưởng lợi, và đó có phải là khu vực cần hướng tới hay không.

ĐBQH Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) đồng quan điểm với ĐBQH Trần Hoàng Ngân, cho rằng nếu chính sách hữu ích, nên áp dụng trong thời gian dài. Bà chỉ ra, chính sách hiện hành kéo dài áp dụng miễn thuế tới hết tháng 6/2024, tức chỉ còn vài ngày trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết mới. Điều này khiến các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thể chủ động.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI