Nếu Facebook, Zalo biến mất trong đời

24/03/2024 - 15:39

PNO - Hãy để Facebook, Zalo như chiếc xe chở ta đi chứ không phải thứ điều khiển ta đi theo nó.

Đêm 5/3, Facebook - mạng xã hội lớn nhất hành tinh - sập nguồn. Đó thực sự là một đêm náo loạn. Zalo sau đó cũng nghẽn mạng liên tục do tăng đột biến lưu lượng truy cập mà phần lớn là từ sự hoảng hốt của mọi người… Tôi tự hỏi: Nếu Facebook và Zalo biến mất trong cuộc sống hiện đại hôm nay, điều gì sẽ xảy ra?

Sẽ thực sự là thảm họa

Cứ nhìn sự hoảng hốt của mọi người đêm đó là biết. Nếu Facebook biến mất sẽ là một thảm họa. Mọi người nghĩ rằng thảm họa này chỉ là của những người kinh doanh dựa trên nền tảng Facebook. Đúng! Nhưng họ hoàn toàn có thể chuyển sang các nền tảng khác hoặc trở về thời chưa có kinh doanh online. Còn tờ rơi, còn rất nhiều cách khác để người kinh doanh tiếp tục kinh doanh. Bởi kinh doanh là chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ còn Facebook chỉ là một phương tiện, một cái chợ, không hơn.

Những người hoảng hốt là những người đã từng trải qua sự suy tàn của Yahoo! 360o ngày nào cách đây 15-16 năm, năm 2008-2009. Là bởi giống như Yahoo! 360o ngày đó, Facebook cũng là một nhật ký số của họ - nơi họ lưu lại những năm tháng đã trải qua, để có thể vào xem ngày này năm xưa, một quãng đời họ đã sống.

Nhiều người trong số chúng ta coi Facebook thực sự như một cuốn nhật ký, một nhà kho cảm xúc. Là những cảm xúc lúc đó, giờ đó, giây phút đó. Dung lượng chiếc điện thoại hay máy tính không thể lưu trữ hết những thứ nhỏ bé diễn ra mỗi ngày, như một bữa cà phê bên người bạn. Có những khoảnh khắc họ cần và có nhu cầu giữ lại bằng Facebook. Như tôi và bữa ngồi cùng cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập ngày nào.

Nếu không có Facebook giữ lại, có thể chúng ta sẽ dần lãng quên nhau lúc nào không hay. Hoặc rất nhiều khoảnh khắc khác, ngày con gái út của tôi ra đời. Trí nhớ của con người thực sự có những hạn chế nhất định. Đặc biệt với người “não cá vàng” như tôi, nếu không có Facebook lưu lại giùm, có thể năm tháng cũ sẽ dần mờ nhạt, bị chép đè bởi sự chộn rộn của hôm nay.

Những người hoảng hốt còn là những người, ngoài Facebook ra, họ chẳng còn niềm vui nào khác. Tôi đã thấy rất nhiều người già vui hơn từ khi chơi Facebook. Như cha tôi, mỗi ngày ông đều đăng từ 10-20 bức ảnh giống nhau, nhòe nét. Không thể phủ nhận rằng ngoài những nội dung rác, “vô tri” (như cách nói của bọn trẻ) hay lừa đảo, vẫn còn rất nhiều nội dung chất lượng giúp nhiều người thay đổi bản thân, trở nên tích cực hơn.

Và Facebook, nói một cách công bằng, giống như cách chúng ta thực hành câu: Học suốt đời. Không còn Facebook, kiến thức vẫn có thể thu lượm từ sách, từ nhiều nguồn khác nhau nhưng sẽ vất vả hơn, khó tiếp cận hơn.

Hoảng hốt nữa là những người thông qua Facebook để giữ kết nối với mọi người. Đúng, chúng ta vẫn cần gặp nhau nhiều hơn ngoài đời nhưng 1 ngày chỉ có 24 giờ, dù muốn thế nào, chúng ta cũng không thể giữ được kết nối với cả chục người, thậm chí trăm người như khi lướt Facebook.

Nhờ Facebook mà có những người tôi chưa từng gặp mặt ngoài đời, chỉ thấy nhau hằng ngày trên mạng, khi gặp họ lần đầu tiên, chúng tôi nói chuyện với nhau vô cùng rôm rả, thân thiết. Bởi chúng tôi đã “hiểu nhau” quá rõ suốt nhiều năm tháng thấy nhau trên Facebook. Chẳng phải vô lý mà nhiều nhà tuyển dụng đã sử dụng kênh Facebook để đánh giá nhân sự họ tuyển dụng sau khi đã phỏng vấn. Bởi Facebook cũng là một bộ mặt của nhiều người, tạo ra một hồ sơ gần với con người thật.

Còn rất nhiều lý do dẫn đến sự hoảng hốt của mọi người ngày Facebook sập nguồn, để chúng ta nhận ra rằng nó đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thời đại 4.0 này.

Nhưng cũng là...

Đêm đó, sau những nỗ lực bất thành trong việc đăng nhập Facebook, tôi và vợ quẳng điện thoại sang một bên, gác chân lên nhau trò chuyện rồi cả hai chìm sâu vào giấc ngủ ngon. Sở dĩ tôi nói vậy không phải vì vợ chồng tôi đêm nào cũng mỗi người ôm một chiếc điện thoại.

Vì công việc thôi! Vợ tôi làm kinh doanh nên điện thoại chíu chít, Zalo ngập ngụa. Tôi cũng quản lý dăm ba cái page, group Facebook nên hay kiểm tra trước khi đi ngủ. Nhiều khi thông tin tiêu cực hoặc những vấn đề nảy sinh khiến chúng tôi bước vào giấc ngủ khó khăn hơn. Sau hôm Facebook sập nguồn có giấc ngủ ngon hơn, vợ tôi bảo: “Từ nay chúng ta bỏ điện thoại ngoài phòng khách nhé!”.

Tôi nghĩ việc Facebook sập nguồn chính là lời nhắc nhở. Những giấc ngủ sâu cũng là cách để chúng ta giữ sức khỏe. Những chiếc giường ngủ không có điện thoại cũng là cách để chúng ta chăm bẵm lại hôn nhân của mình.

Tôi đã đọc được rất nhiều chia sẻ vào sáng hôm sau ngày Facebook sập nguồn. Là những sự nhận ra của rất nhiều người về việc chúng ta quá phụ thuộc vào Facebook. Chúng ta quên dần cuộc sống thật ngoài kia khi ỷ y vào Facebook. Là bởi chỉ cần có Facebook, ta có thể thấy nhau tường tận, mà quên rằng phần lớn mọi người chỉ chia sẻ những niềm vui bề mặt mà giấu kín nỗi buồn trong tim.

Như một người chị của tôi, mỗi ngày tôi thấy chị toàn chia sẻ ảnh đi chơi khắp nơi mà không hề hay biết khối u trong cơ thể đã khiến chị kiệt quệ thế nào. Cả mái tóc thướt tha của chị cũng là tóc giả. Những bức ảnh đăng trên Facebook chị là những bức ảnh của nhiều năm về trước hoặc hiện tại nhưng đã dùng app chỉnh sửa. Tôi vẫn hồn nhiên bình luận thay vì chạy đến gặp chị. Ngày chị qua đời, cũng qua Facebook, tôi mới biết. Lời hẹn cà phê với chị “gặp nhau đi, chị có rất nhiều chuyện muốn nói với Tú đấy” giờ thành khoảng trống sâu thẳm trong trái tim tôi.

Facebook sập khiến tôi nghĩ mãi về cả những người già như cha mẹ mình. Phải, chúng tôi cũng đang dốc lòng lo cho 3 đứa con của mình nên cứ thấy cha mẹ lên “phây” cười đùa vui vẻ là yên lòng mà quên rằng ông bà cũng nhớ cháu, thèm trò chuyện với con cái khi quây quần bên nhau chứ không phải quây quần trong màn hình điện thoại.

Nhờ tiện ích của smart banking, thay vì hằng tháng qua nhà ông bà biếu tiền tiện thăm hỏi, vợ chồng tôi chỉ gặp cha mẹ lúc giỗ chạp; chưa kể còn hay trách ông bà toàn gọi video call Zalo phiền phức vô cùng mà không nhận ra nỗi nhớ con của cha mẹ mình, chỉ mong thấy mặt con cho vơi nỗi nhớ.

Nếu không còn Facebook, tôi tin rằng nhiều người có thể chữa lành bản thân bằng thiên nhiên, bằng kết nối thật ngoài đời bởi nhiều số liệu cho thấy mạng xã hội góp phần làm gia tăng mức độ trầm cảm. Những người thực sự cần được trị liệu tâm lý do hằng ngày chỉ tiếp xúc với thông tin độc hại là rất nhiều. Những vụ tự tử có khả năng lây lan rất nhanh, thêm sự lan tỏa mạnh của Facebook khiến nó càng nguy hiểm vô cùng. Rồi những thông tin cá nhân bị lạm dụng.

Rất nhiều nguy cơ chúng ta nói mãi, cảnh báo trên hàng trăm bài viết mà số nạn nhân vẫn chưa dừng. Chỉ ít giờ Facebook sập, nhiều người đã nhận ra mình bị phụ thuộc thế nào. Vậy nên sáng hôm sau, những bài viết chia sẻ khiến nhiều người thức tỉnh, bắt đầu thanh lọc tâm trí, tạm rời xa Facebook, chữa lành bản thân.

Hãy trả nó về đúng chỗ

Tôi nghĩ vậy. Hãy trả Facebook về đúng chỗ của nó - là một phương tiện liên lạc trong thời đại số 4.0, 5.0 này. Nó có thể tiếp tục lưu trữ những khoảnh khắc đẹp chúng ta đã trải qua. Nó có thể kết nối chúng ta với thế giới. Nó cũng có thể tạo ra những niềm vui. Nhưng nhất định, nó không thể sống thay ta, nó không thể trở thành ta, làm thay ta.

Buông máy xuống, yêu nhau đi - tôi vẫn luôn nhắc bản thân và bạn bè mình như vậy. Hãy để Facebook, Zalo như chiếc xe chở ta đi chứ không phải thứ điều khiển ta đi theo nó.

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI