Nếu được thông qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ tăng cường tính phân cấp cho địa phương

16/11/2023 - 16:02

PNO - Đồng thời, luật sẽ góp phần hợp nhất, giải quyết các vấn đề tồn tại, tháo gỡ những vướng mắc ở cấp độ quy hoạch, đối tượng quy hoạch.

Ngày 16/11, tại TPHCM, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về nội dung dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.

Ảnh minh họa từ interner
Ảnh minh họa từ internet

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam diễn ra càng nhanh thì công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng càng đóng vai trò quan trọng, công tác quy hoạch luôn phải đi trước một bước để hoạch định chiến lược phát triển không gian kinh tế của mỗi địa phương, mỗi vùng, mỗi đô thị, đảm bảo sự phát triển thống nhất, hợp lý, hiệu quả trong cả nước và giữa các vùng, ngành kinh tế.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM bên lề hội thảo, bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) - cho biết, tên dự thảo luật là “quy hoạch đô thị và nông thôn” nhưng đối tượng, bản chất và nội hàm quy hoạch xây dựng không thay đổi. “Chúng ta tích hợp vào một khung luật để trong quá trình áp dụng pháp luật thuận lợi hơn, không có độ vênh. Thứ hai, bất cứ một không gian nào để đầu tư xây dựng đều phải lập quy hoạch không gian, do đó dự thảo luật phù hợp với các yêu cầu quản lý và phát triển”, bà nói.

Như vậy theo bà Trần Thu Hằng, với dự thảo luật này, các luật hiện hành liên quan quy hoạch và xây dựng sẽ được thay thế, làm gọn lại. “Trước đây, với 72 Điều của Luật Quy hoạch đô thị hay 17 Điều của Luật Xây dựng sẽ tích hợp gọn lại còn 61 Điều và xuyên suốt các mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn, khu chức năng sẽ được lồng ghép trong nội dung luật một cách đồng bộ và thống nhất cũng như phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch 2017”, bà cho hay.

Quan điểm của Bộ Xây dựng cho rằng, hiện pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn những nội dung chưa quy định đầy đủ, bao quát và cụ thể, đảm bảo tính đồng bộ hệ thống pháp luật về quy hoạch. Việc quy định, điều chỉnh hoạt động quy hoạch tại khu vực đô thị và nông thôn hiện nay theo hai hệ thống văn bản pháp luật với tính chất về trình tự, thủ tục tương đồng cũng tạo lúng túng trong triển khai, thực hiện.

Dự kiến dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ được trình Quốc hội vào tháng 4/2024 và nếu không có gì trở ngại, hy vọng sẽ được thông qua vào tháng 10/2024.

“Có 3 đối tượng được hưởng lợi từ luật mới nếu được thông qua. Cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương sẽ có một bộ luật đồng nhất giữa công tác quy hoạch đô thị. Người dân cũng như các tổ chức, đơn vị khi thực hiện các vấn đề liên quan cũng rõ ràng hơn.

Đồng thời, luật sẽ góp phần hợp nhất, giải quyết các vấn đề tồn tại trong thời gian qua, tháo gỡ những vướng mắc ở cấp độ quy hoạch, đối tượng quy hoạch. Luật mới cũng tăng cường tính phân cấp cho địa phương, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin quy hoạch và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong việc quản lý và lập quy hoạch”, bà Trần Thu Hằng nói với Báo Phụ nữ TPHCM.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI