Tôi và anh đến với nhau vì một chữ "yêu". Cũng tìm hiểu dền dứ sáu năm trời trước khi cả hai tình nguyện chuyển sang giai đoạn mới, gắn bó dưới một mái nhà và những đứa con.
|
Ảnh minh họa |
Thế nhưng khi về dưới một mái nhà, chúng tôi thật sự vỡ mộng về nhau. Những tranh cãi xoay quanh quan niệm sống, nuôi dạy con nhỏ gần như đối lập nhau khiến chúng tôi trở nên hung dữ. Học cách kiềm chế và làm chủ ngôn ngữ để tránh ném về đối phương những lời sắc nhọn, gây tổn thương cho họ là bài học mà mãi sau này, tôi mới thấm thía.
Chồng nói tôi không phải là cô gái dịu hiền mà anh từng thương nhớ mỗi tối bịn rịn chia tay nhau như vài năm trước. Chạm tự ái, cộng với hàng núi việc nhà không tên chưa được giải quyết, tôi sẵn sàng sống mái lại với chồng cho hạ hỏa. Anh nói tôi "hàm chó vó ngựa", tôi không dằn được, bình sữa, tã giấy của con bay tứ tung trong nhà khi cuộc đấu khẩu của "hai con ngựa chiến" chưa đến hồi kết.
Cứ thế, chúng tôi dần lạnh nhạt và rời xa nhau trong tâm trí. Anh vẫn về mỗi tối, đỡ đần phụ giúp việc nhà cho vợ, nhưng sự đối thoại cởi mở giữa chúng tôi gần như không còn. Thậm chí cả hai coi sự tồn tại của nhau trong nhà chỉ như sự điểm danh hay có mặt vô thức. Việc anh, anh làm, việc tôi, tôi diễn. Tôi nghĩ mình chỉ có chừng đấy tâm sức nên dành cho con sự ưu tiên hàng đầu, sau đó là bản thân mình. Nếu lo lắng cho anh nữa, chắc tôi bị vắt kiệt sức mà chết. Không biết tự bao giờ, tôi trở thành người đàn bà phòng thủ, cao ngạo, thi gan với chồng ngay trong ngôi nhà lẽ ra phải là "tổ ấm".
Có lần yêu thương trỗi dậy, tôi cũng dành một buổi tối hâm nóng cùng anh với căn phòng được trang trí lãng mạn có hoa và nến thơm. Nhưng tôi như đứa trẻ chuẩn bị quà cáp kỳ công, những mong nhận được sự ghi nhận từ cha mẹ, rốt cuộc hẫng hụt bởi sự thờ ơ như không có. Chồng tôi chỉ ừ hữ, nói em làm đẹp lắm, nhưng hôm nay anh mệt, rồi bỏ ra phòng khách trong sự chưng hửng lẫn căm hận của tôi. Sau lần ấy, tôi tự đề ra nguyên tắc cho mình, nếu anh không chủ động thì tôi cũng không tốn công làm gì.
Nhiều đêm, khi con nhỏ say giấc, tôi cũng giật mình vì đã hơn nửa năm, vợ chồng không ân ái. Con số ấy nói lên tình trạng báo động của mối quan hệ vợ chồng. Nhưng để là người khơi lên ngọn lửa tình yêu, tôi lại tự ái. Tôi cũng không còn đủ tâm sức và kiên nhẫn. Sức lực của tôi có lẽ đã trôi đi cùng những cơn cãi vã với chồng. Đổi lại chỉ còn là người đàn bà mệt mỏi, thờ ơ và người đàn ông lạnh lùng, tạt qua nhà như cái bóng.
|
Ảnh minh họa |
Không muốn bị tổn thương thêm, tôi đề ra giải pháp ly hôn. Dường như đã sẵn sàng, anh nhanh chóng đồng ý. Chúng tôi ra khỏi đời nhau nhẹ bẫng, không tranh chấp con cái, cũng dễ dàng đạt được thỏa thuận chung về tài sản.
Nhưng những hệ lụy sau ly hôn chưa bao giờ đơn giản, cho dù khi khăn gói rời khỏi nhà anh, tôi tự tin nghĩ mình còn trẻ đẹp, chỉ cần hoạch định lại đời mình cho đúng, tôi sẽ sớm lấy lại cân bằng.
Hằng đêm nhìn đứa con đang tuổi bắt đầu nhận thức thảng thốt gọi ba, tôi giật mình và tim đau nhói. Những câu nói ngây thơ của đứa trẻ lên ba khiến không người làm cha làm mẹ nào không nhói lòng: "Sao ba mẹ không ăn cơm với nhau, không ngủ chung giường như trước?". Tôi đành dối con, ba đi công tác lâu lâu mới về. Vậy là câu nói hoãn binh của tôi vô tình gieo nên hạt giống chờ đợi trong tâm hồn ngây thơ của con. Lâu lâu con lại hỏi: "Ba sắp đi công tác về chưa hả mẹ? Con nhớ ba quá".
Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, tôi giật mình hối tiếc vì cả hai chưa vượt qua giai đoạn 5 năm lần thứ nhất của hôn nhân đã vội vã buông tay. Tôi tự đối thoại với mình, rằng bản thân đã cố gắng chưa, thì là chưa. Tôi vẫn giữ cái tôi hiếu thắng của thời tuổi trẻ và đem vào hôn nhân, nơi cần sự nhẫn nại và dịu dàng của người vợ để giữ lửa.
|
Chúng tôi vội vã buông tay khi còn chưa nghiêm túc ngồi lại với nhau và đối thoại. Ảnh minh họa. |
Khi anh có dấu hiệu mệt mỏi, lẽ ra tôi cần khéo léo và dùng tình yêu thương chân thành để khơi ngọn lửa lòng trong anh. Nhưng vì hiếu thắng và ngang ngạnh, tôi lại buông tay anh nhanh hơn nữa. Rốt cuộc chúng tôi đánh mất nhau khi cả hai vẫn còn yêu, vẫn còn có thể đối thoại để tìm ra giải pháp.
Ly hôn không phải là giải pháp duy nhất, dù người trong cuộc mệt mỏi chỉ nhanh chóng muốn thoát ra. Nếu đã cố hết sức mà không đạt được ý nguyện thì lúc đó, chúng ta buông tay vẫn chưa quá muộn. Nếu được quay lại, tôi sẽ làm khác đi, hoặc nỗ lực hơn.
Thanh Hoài (Cần Thơ)