Nếu được chọn lại…

20/11/2022 - 12:49

PNO - Những ngày tháng Mười một, trong không ít buồn tủi, nhọc nhằn và cả đau lòng của nghề giáo, tôi tự ngẫm nếu được chọn lại, tôi sẽ chọn gì.

 

ẢNH: thanh tùng
Cô trò - Ảnh: Thanh Tùng

Tháng Mười một

Là những đêm khuya đợi thưa vắng tiếng xe tiếng người, tập trung đọc bài thi giữa học kỳ I, rồi cười cười vui vui giận giận một mình giữa tứ bề yên ắng. Nhớ hồi nào mới đi dạy, ngồi trước xấp bài của học trò, tay cứ run run. Từng dấu chấm, phẩy, hỏi, ngã… được sửa kỹ càng.

Ngót 20 năm, biết bao bài thi đã qua tay mình? Biết bao sự ngô nghê, cười ra nước mắt, kể cả thất vọng vì có những bài thi, rõ ràng kiến thức mình đã dạy đã ôn, đã nói miệt mài, bài nộp là một vùng trắng thênh thang.

Vậy mà, đến giờ, tay đã thôi run khi viết lời phê trên bài học sinh nhưng vẫn không thôi cười khi gặp những ý nghĩ, câu văn ngộ nghĩnh, vẫn không thôi nghe nhoi nhói tủi thân khi chạm phải những vùng trắng thênh thang trong bài làm.

Nếu là tình yêu, qua ngần ấy thời gian, qua ngần ấy việc cứ lặp lại mỗi lần chấm bài, mỗi kỳ thi, mỗi năm… có được gọi là tình yêu đúng nghĩa?

Tháng Mười một

Là thời khắc giao mùa. Ở đâu đó, bạn bảo sau một đêm thức dậy, thấy mùa đông đã ngồi đợi trước cửa nhà. Tinh sương, chưa đến lớp, điện thoại ting ting: Con sốt rồi cô! Con sổ mũi rồi! Con đau bụng… Uống vội tách cà phê sáng, tôi tưởng mình chạm tay vào cái tổ ong, nhốn nháo loi nhoi. Cô nhỏ hôm qua vẫn còn tung tăng chạy lên chạy xuống, lát “Cô ơi, con hỏi…”, lát lau bảng, lát lấy nước… nay sổ mũi.

Cô nhỏ hôm qua đu người lên sợi dây thừng kéo co khiến cả trường cười nghiêng ngả nay đau chân.

Chàng trai cao hơn 1,8m, mới hôm qua thu người lại khi bị cô bắt đứng lên vì mang bánh tráng trộn vào cho cả lớp ăn vụng, nay nhập viện…

Bước vào lớp, quay lưng ghi tựa bài giảng trên bảng, nghĩ đến mấy chỗ ngồi trống trơn, nghe lòng mình cũng trống trải hẳn. Cái bảng chưa được lau sạch, bàn ghế có cái còn xộc xệch, vài cô cậu nhỏ vẫn chưa mở sách mở tập bởi mải lo nói chuyện… không còn khiến tôi khó chịu như mọi khi. Trong đầu chỉ còn ý nghĩ, nếu lỡ một ngày mình đứng thế này, quay xuống, không còn khuôn mặt trẻ trung, ánh mắt trong veo nào nữa thì sao?

Tháng Mười một

Tôi ngồi nhìn học sinh đổ mồ hôi tập nhảy, tập hát để tham gia văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam; nhìn những bàn tay hồng hào chăm chút trồng mấy chậu hoa, cây cảnh ngay khung cửa sổ bàn giáo viên “để lúc nào cô cũng gần chỗ mát mẻ dễ chịu”; nhìn các em trườn cả ra sàn, vẽ vẽ tô tô trang trí tờ tập san, nắn nót từng con chữ cho bài viết về trường về lớp, về bạn cũ thầy xưa… nghe lòng mình mềm nhũn!

Những ngày này, thỉnh thoảng tôi thấy trên Facebook học trò cũ những mong mỏi: muốn về gặp thầy cô, muốn được một lần nữa mặc áo trắng tung tăng trong sân trường, muốn sáng sáng trưa trưa ngồi giữa bạn bè bày một trò đùa nào đó, muốn được ôm nhau và ôm cô ôm thầy trong những lần cả lớp đoạt giải văn nghệ, hội thao hay có thành tích về học tập…

Những ngày này, bước vào lớp, rèm cửa kéo kín, đèn tắt tối thui, bất thình lình tiếng hát đồng thanh vang lên: “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa. Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy….”, nước mắt ở đâu chảy ra. Không giống giọt nước mằn mặn hồi đầu năm khi tôi cố khuyên một cậu học trò quay trở lại lớp, cô và các bạn vẫn đang đợi… để rồi nhận lại mấy lời tổn thương.

Không giống giọt nước đắng nghét tủi thân mấy ngày trước, khi cô không micro vẫn cố giảng bài trong cơn cảm ho đau nhức từng khớp xương, mà cả lớp dường như chẳng ai màng đến… Có gì đó trào khắp bao bọc lấy tôi như cảm xúc của một người cha người mẹ với những đứa con rứt ruột của mình.

Có bao giờ chúng ta thôi mong ước được sinh ra, nuôi dưỡng, đồng hành với một đứa trẻ? Vậy nên, giữa những ngày tháng Mười một, trong không ít buồn tủi, nhọc nhằn và cả đau lòng của nghề giáo, tôi vẫn tự trả lời với mình với bạn, rằng nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn đứng trên bục giảng.

Triệu Vẽ

(giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI