Video: Lực lượng chức năng tại Đồng Nai phun thuốc tiêu độc khử trùng một xe chở heo để phòng chống lây nhiễm dịch tả heo châu Phi (Video: Đan Thư)
Đối diện 'khủng hoảng'
Bộ NN-PTNT vừa đề xuất Chính Phủ giao cho hàng loạt Bộ, ngành vào cuộc. Bộ Công Thương phải chủ trì, tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ heo và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt heo cung ứng cho thị trường.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang – PGĐ Sở Công Thương TP.HCM cho biết: Sở đã làm việc với các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị kế hoạch cung ứng nguồn hàng nếu xảy ra tình huống xấu. Thịt heo là một trong những mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường (BOTT) của TP.HCM. Hiện, giá heo hơi tại TP.HCM đang ở mức 38.500 đồng/kg (loại I) và 35.000 đồng/kg (loại II). Các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường hiện cung ứng hơn 4.000 tấn/tháng thịt heo ra thị trường.
“Sở đã làm việc với các đơn vị đảm bảo cung ứng 106,5 tấn thịt heo/ngày. Trong trường hợp sản lượng thịt heo cung ứng vẫn không đủ thì cũng đã có phương án thay thế thịt heo bằng thịt gà. Các đơn vị chuyên doanh thịt gà đã sẵn sàng sản lượng, cam kết đảm bảo đủ nguồn thịt gà thay thế cho thịt heo khi có dịch bệnh xảy ra. Vì vậy, người tiêu dùng yên tâm, thị trường sẽ không thiếu nguồn thịt gia súc, gia cầm”, bà Trang khẳng định.
Thu mua, giết mổ, phân phối trực tiếp thịt heo thông qua các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán BOTT, Ông Nguyễn Ngọc An – TGĐ Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) cho biết, hiện Vissan cung ứng cho thị trường 65 tấn thịt heo/ngày. Nếu xảy ra dịch bệnh, công ty thu mua để dự trữ 3.600 tấn trong 45 ngày và nếu có biến động lớn sẽ tăng cường nhập khẩu thêm thịt heo từ các nước.
Riêng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagrifood), đơn vị này không phân phối trực tiếp nhưng cung cấp heo giống và heo nái. Với quy mô 4 trang trại nuôi heo và gia công giết mổ heo tại Vissan, đại diện Sagrifood khẳng định đủ khả năng cung ứng thịt heo cho thị trường với sản lượng khoảng 7 tấn/ngày.
|
Người tiêu dùng lo ngại dịch tả heo Châu Phi, chọn mua thịt heo an toàn ở siêu thị để yên tâm. |
“Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra, chúng tôi sẽ đưa ra thị trường thịt heo dưới tuổi xuất chuồng (từ 80 – 90kg/con). Đồng thời, tập trung phát triển nguồn heo giống để cung cấp cho thị trường, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn lại”, đại diện Sagrifood đưa phương án.
Công ty Cổ Phần CP Việt Nam cũng cam kết ổn định lượng hàng cung ứng cho thị trường bình quân 7,5 tấn thịt heo/ngày.
Bà Trang cho hay, Sở Công Thương TP.HCM đã dự trù và sẵn sàng phương án ứng phó với tình hình dịch AFS ngày càng lây lan rộng, chủ động nguồn cung ổn định thị trường.
Theo đó, giai đoạn 1 giá thịt heo xuống thấp, sẽ đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, vận động các nhà phân phối lớn gia tăng sản lượng tiêu thụ và thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá thịt heo. Đồng thời, các DN bình ổn thị trường, DN sản xuất thực phẩm chế biến tăng cường thu mua trong nước, trữ đông và chuẩn bị phương án nhập khẩu thịt đông lạnh.
Giai đoạn 2 nguồn cung thịt heo giảm, giá tăng mạnh thì TP sẽ đẩy mạnh sử dụng nguồn thịt heo đông lạnh đã dự trữ từ giai đoạn. Song song đó, các DN BOTT tiến hành nhập khẩu thịt heo đông lạnh, thời gian nhập khẩu khoảng 45 ngày, cộng với lượng hàng dự trữ từ giai đoạn 1 sẽ đủ khả năng cung ứng thịt heo ra thị trường với sản lượng ổn định.
Trong cả hai giai đoạn này, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác như thịt gia cầm, rau củ quả,… đều sẵn sàng sản lượng cung ứng. Bà Phạm Thị Huân – GĐ điều hành Công ty Cổ phần Ba Huân, khẳng định đủ nguồn hàng thịt gia cầm thay thế cho thịt gia súc khi có dịch bệnh xảy ra, cung ứng cho thị trường 20 tấn thịt gà công nghiệp/ngày. Đồng thời, thu mua nguồn hàng dự trữ khoảng 100 – 200 tấn thịt gà để ổn định thị trường.
Tương tự, bà Phạm Thị Ngọc Hà - GĐ Công ty TNHH San Hà cũng cam kết cung ứng cho thị trường 200 tấn thịt gà/ngày và 25 tấn thịt heo/ngày và cho biết công ty hiện có một kho lạnh có sức chứa 500 tấn thịt gà (dự trữ 1 tuần) và chủ động thuê thêm 2 kho lạnh với sức chứa trên 1000 tấn (dự trữ trên 1 năm) để dự trữ hàng nhập khẩu đáp ứng đủ đáp ứng sức mua của thị trường.
Cấp đông heo nhưng tránh… kẹt hàng!
Tuy nhiên, theo các DN, việc dự trữ cấp đông nguồn thịt heo để cung ứng cho thị trường trong tình huống xảy ra dịch cũng có nhiều vướng mắc. DN cần sự hỗ trợ từ nhà nước. Vì nếu phải giết mổ heo hàng loạt ở các hộ, trại sẽ dẫn đến dư thừa làm lệch cung cầu. Chưa kể, nếu giết sớm thì tuổi heo, trọng lượng heo giảm; còn nếu cấp đông thì Chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ vì chi phí cấp đông rất lớn.
Hơn nữa, khi giết mổ hàng loạt thì chỉ cấp đông được thịt, còn các phế phẩm không cấp đông được vì giá thành không cao trong khi chi phí cấp đông nhiều. Chưa kể, người tiêu dùng (NTD) vẫn có thói quen dùng thịt heo nóng, không thích dùng thịt cấp đông; nếu chưa đánh giá được thị trường thì rất khó tiêu thụ hết nguồn thịt dự trữ, vì nếu chuyển qua chế biến chỉ tiêu thụ một phần.
Bày tỏ quan ngại trên, ông An phân tích: công ty giết mổ 1.200 con heo/ngày, cung cấp chủ yếu cho TP.HCM và một số tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long khoảng 65 tấn thịt tươi sống và 60 tấn thịt chế biến. Việc cấp đông còn phụ thuộc nhiều vấn đề như nhân lực, tiêu thụ… Khi giết mổ thịt cấp đông tăng chỉ giải quyết được ngắn hạn.
Khó khăn cho DN là hiện mức độ tiêu thụ thịt heo tươi sống đang cân bằng, nếu cấp đông các phần đầu lòng sẽ tăng nên phải giảm giá để bán. Trong khi chi phí cấp đông và trữ tăng thêm khoảng 3.000 – 3.400 đồng/ tấn, cộng chi phí 12.000 – 14.000 đồng/tấn trữ đông đẩy tổng chi phí tăng cao.
Chưa kể chi phí về hao hụt vì thịt tươi sau khi giết mổ rồi cấp đông, rồi rã đông sẽ hao hụt, khoảng 5%. Chi phí vận chuyển cũng sẽ làm giá thành sản phẩm cấp đông tăng. Hơn nữa, cảm quan sẽ rất xấu khi rã đông thịt cấp đông đem bán. Hiện đã có thịt mát nhưng khác hoàn toàn thịt cấp đông, chất lượng và cảm quan khác nhau. NTD có chấp nhận hay thịt cấp đông không là việc lớn cần cân nhắc. Nếu thịt cấp đông không tiêu thụ được, chúng tôi có lợi thế chế biến nhưng phần chế biến chỉ chiếm số ít.
Theo ông An, về kiến nghị hỗ trợ cho DN thì rất khó nói, khi NTD chấp nhận thịt cấp đông thì không cần hỗ trợ nhưng nếu NTD không chấp nhận thì rất khó, nên việc hỗ trợ cần con số cụ thể.
Bên cạnh đó, chương trình BOTT cũng cần phải có sự linh động. Vì DN phải cấp đông cả mảnh rồi pha lóc lại để bán, phụ phẩm sau rã đông giá rất thấp sẽ vướng giá bình ổn nên cần linh động giá từng loại sản phẩm thịt heo miễn giá cả mảnh heo vẫn cân bằng theo giá BOTT.
Đặc biệt, DN kiến nghị cần cam kết đồng bộ các đơn vị phân phối bán lẻ hợp tác tiêu thụ thịt heo cấp đông, vì nếu các đơn vị bán lẻ không chấp nhận sản phẩm rã đông (do NTD không mua) thì DN sẽ gặp khó vì kẹt hàng.
Trước tình hình dịch ASF, xét tiêu thụ thịt heo tổng thể thì không giảm nhưng ở tiểu tiết thì có tăng, giảm. Một số NTD chyển sang mua thịt heo ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi thay vì mua ở chợ truyền thống; một số cũng chuyển từ thịt heo qua thịt khác. Một số trường học, bếp ăn cũng đang đề nghị chuyển sang loại thức ăn khác thay thịt heo.
Lượng heo về chợ đầu mối Bình Điền gần đây khoảng 2.900 – 3.100 con/đêm, tương đương 230 tấn. Trong đó, 60% đến từ miền Tây; 40% từ Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng hiện lượng heo vào chợ giảm chỉ còn 2.700 con/đêm; giá 48.000 đồng/kg heo tơ, heo hơi mua ở trang trại 38.5000 đồng/con. Chợ đang tăng cường kiểm soát và tuyên truyền, tiêu tiêu độc khử trùng.
Tổng cty thương mại Sài gòn – Satra
|
Nguyễn Cẩm