'Nếu đập bỏ Đài Bạch Mai, chúng ta sẽ mất cả một đoạn lịch sử'

11/12/2019 - 20:34

PNO - Xung quanh câu chuyện Đài Bạch Mai sắp bị phá bỏ để nhường chỗ cho quy hoạch, Ths. KTS Đặng Thanh Hưng, Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ góc nhìn 'Xem xét bảo tồn di sản trong hai mối quan hệ'.

Đó là quan hệ giữa di sản - nhà quản lý - người sử dụng và di sản - kinh tế - giáo dục cho sự phát triển lâu dài và bền vững.

Phải thừa nhận một điều, chúng ta đang rất yếu kém trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật nói chung và kiến trúc nói riêng ở Việt Nam. Có những lỗ hổng không nhỏ về mặt kiến thức, nghiên cứu, kỹ thuật, cách đánh giá, quản lý cũng như thái độ đối với di sản ở cấp độ quản lý và cả người sử dụng.

Chúng ta còn rất nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử có giá trị đang bị bỏ sót, chưa thống kê cũng như không được phân loại và đánh giá. Vì thế, chúng có thể đang được dùng sai mục đích, không bảo quản tốt, hay quản lý có phần tuỳ tiện dẫn đến sự xuống cấp hay sự xâm hại. Trường hợp của Đài phát sóng vô tuyến điện Bạch Mai (Đài Bạch Mai) cũng không ngoại lệ.

'Neu dap bo Dai Bach Mai, chung ta se mat ca mot doan lich su'
Đài phát sóng vô tuyến điện Bạch Mai sắp bị phá bỏ để xây dựng dự án đường vành đai 2

Trong khi đó, công tác bảo tồn thường rất tốn kém, đòi hỏi kiến thức và lắm công phu. Song, điều tiên quyết là phải làm và câu hỏi đặt ra là sẽ làm thế nào? Bảo tồn không phải là cất giữ một thứ giá trị vào tủ kính rồi khoá lại, mà phải gắn với giới thiệu, quảng bá, đem giá trị của di sản được bảo tồn đến gần hơn với công chúng, thu hút sự quan tâm của họ. Khi di sản có được sự quan tâm của người dân thì chúng sẽ giáo dục mọi người về sự trân trọng các giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của quốc gia.

Một khi chúng ta yêu và đánh giá đúng vai trò của di sản trong cuộc sống, xã hội, văn hóa, và sự phát triển của một quốc gia thì chúng ta sẽ thay đổi cách ứng xử với chúng. Vì vậy, ở cấp quản lý, công tác bảo tồn phải có sự cân bằng giữa các yếu tố: bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá & nghệ thuật; kinh tế; giáo dục.

Tuy nhiên, ở hiện tại chúng ta lại đang triển khai ba điểm này không tốt và rời rạc: bảo tồn sai cách làm tổn hại giá trị nguyên bản, thậm chí tệ hơn là xóa bỏ; hay khai thác kém hiệu quả để đi đến kết luận người dân không mặn mà với di sản; hay không có kinh phí để trùng tu và mời chuyên gia giỏi; không hiểu được giá trị cốt lõi để bảo tồn và “kinh doanh” trên di sản sẵn có.

Hãy dùng di sản như một “công cụ” để giáo dục con người về các giá trị nghệ thuật, để họ hiểu rằng, việc lưu giữ những giá trị đó không hề dễ dàng và cần kinh phí lớn, việc khai thác di sản như du lịch và môi trường giáo dục là chuyện hết sức bình thường ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta đem giá trị gì của di sản đó ra công chúng, như thế nào, bao nhiêu, và bằng cách nào để khi một người chấp nhận bỏ số tiền ra đến với di sản thì họ thấy nó xứng đáng, họ có sự trân trọng và niềm tự hào trong đó.

Trên thế giới, có thể kể ra một số ví dụ có thể loại và qui mô tương tự Đài Bạch Mai như Rietveld Shredor House được xây năm 1924 ở Utrecht, Hà Lan; Robie House được thiết kế bởi Frank Lloyd Wright ở Chicago, năm 1910; hay Renaat Bream House tại Antwerp, Bỉ được xây vào năm 1958.

'Neu dap bo Dai Bach Mai, chung ta se mat ca mot doan lich su'
Robie House, ngôi nhà được thiết kế bởi Frank Lloyd Wright vào 1909 -1910, nằm trong khuôn viên của trường Đại học Chicago, được UNESCO công nhận di sản.

Cả 3 công trình đang được khai thác như một bảo tàng thu nhỏ về một nội dung nào đó: kiến trúc ngôi nhà, kiến trúc sư thiết kế, hay nhân vật từng ở trong ngôi nhà. Chúng đang được bảo tồn và quản lý rất nghiêm túc bởi một tổ chức về di sản hoặc một bảo tàng của thành phố. Một số trong những ngôi nhà này còn được UNESCO công nhận di sản.

Việc tổ chức tham quan cho khách được thực hiện ở dạng tour mỗi tiếng với số lượng tham gia từ 12-15 người. Điều ngạc nhiên là khách tham quan đủ mọi tầng lớp và ngành nghề trong xã hội: kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế, và các lĩnh vực khác. Họ đến để học.

Để có một suất tham quan, bạn phải mua vé online hoặc tại chỗ với một giá khá cao (15-25 USD). Có thể bạn cho là mắc nhưng khi bước vào bạn sẽ thấy nó hoàn toàn xứng đáng, bạn ngầm hiểu tại sao phải mắc như vậy và chấp nhận vì tiền vé của bạn đang góp phần giữ gìn công trình đó lâu hơn và tốt hơn cho các thế hệ tiếp theo.

Bên cạnh kinh doanh tour, các ấn phẩm, quà lưu niệm, sách liên quan đến công trình, tác giả, hay câu chuyện của công trình đều được khai thác tối đa. Không chỉ vậy, còn có các sự kiện xoay quanh được tổ chức theo tháng hay mùa; để có mặt ở sự kiện đó, bạn cũng cần phải trả một chi phí không nhỏ. Toàn bộ tiền thu được đều dành cho công tác trùng tu, quản lý và cho các dự án di sản khác.

Tất nhiên, nếu so sánh Đài Bạch Mai hay các nhà cổ ở Việt Nam với các công trình trên thì khá khập khiễng vì mỗi nơi đều có giá trị riêng. Điều quan trọng với người đến xem là họ được xem hay nghe cái gì. Những công trình trên nổi tiếng đến mức chúng ta có thể xem qua internet hay sách, sao người ta vẫn đến xem tận mắt? Câu chuyện đằng sau mỗi di sản sẽ rất quan trọng và có ý nghĩa cốt lõi với người xem và người quản lý. 

Với những gì đang diễn ra ở Đài Bạch Mai, điều cần làm là bình tĩnh và sáng suốt để xem lại tất cả các vấn đề và ý nghĩa của công trình, không chỉ phần xác và phần hồn, sau đó xây dựng lại câu chuyện giá trị lịch sử, nghệ thuật cho nó. Bản thân di tích này đã có sẵn câu chuyện lịch sử gắn liền với thời cuộc của đất nước; ngoài ra, ngôi biệt thự Pháp cũng mang dấu ấn kiến trúc Đông Dương đặc sắc rồi nên không hề khó nếu muốn làm điều đó.

Đi đôi với đó, các cấp quản lý cần có kế hoạch dài hạn cho sự phát triển di sản, không chỉ đối với Đài Bạch Mai mà cả những di sản khác. Cần có sự kết hợp chặt chẽ với các tổ chức hay ban ngành khác như giao thông, kiến trúc, qui hoạch, văn hóa, nghệ thuật, du lịch. Tiếp theo là thực hiện mang giá trị sáng tạo hơn và nghệ thuật hơn. Và cuối cùng là công tác truyền thông và kết nối.Cá nhân tôi cho rằng, một công trình hay một di sản mang trong mình một câu chuyện độc nhất tại nơi nó được sinh ra. Cấp quản lý cần xác định rõ giá trị của Đài Bạch Mai, sau đó, xem xét lại bản quy hoạch giao thông.

Đài Bạch Mai đã xuất hiện từ trước, giao thông là do chúng ta qui hoạch mà có nên chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh hoặc có phương án thay thế như đường trên cao hay dưới mặt đất. Các ví dụ cho điều này cũng không ít ở Nhật Bản hay Châu Âu.

Điều quan trọng vẫn là chúng ta đang xem xét giá trị nào dễ bị xâm hại hơn, đối tượng nào dễ điều chỉnh hơn, giữa cái được và mất, nếu mất một di sản thì tuyệt nhiên sẽ không có lại. Nếu đập bỏ Đài Bạch Mai hoặc di dời công trình gặp thiếu sót thì không phải chỉ là mất một ký ức mà nó còn mất cả một đoạn lịch sử trong lịch sử hình thành nên nước Việt Nam.

Ths. KTS Đặng Thanh Hưng
Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI