Chỉ mất vài giây, má đáp lời chị, như thể câu trả lời má đã nghĩ từ lâu lắm rồi: “Không! Cuộc sống là của con. Cứ quyết định điều tốt nhất cho con. Đừng quan tâm đến cảm xúc của má!”.
Má luôn đón nhận sự việc bằng thái độ bình thản. Như cách đây ba năm, đùng một cái, chị về quê thú nhận với ba má về cái bầu ba tháng mà khuôn mặt chàng rể tương lai ba má chưa hề biết.
Chị không ngờ, cuộc nói chuyện diễn ra trong không khí hết sức nhẹ nhàng. Đối với ba má, đó là điều hiển nhiên, bởi chị đâu còn trẻ trung để ba má phải kè kè bảo ban. Má hỏi chị định thế nào, tác giả cái bào thai của chị tính sao… Xong đâu đấy, má sắp xếp công việc, theo chị vào Sài Gòn gặp mặt chàng rể.
|
Ảnh minh họa |
Trong không gian yên tĩnh của quán cà phê, má dứt khoát từng câu một: “Nếu thương nhau và quyết gắn bó với nhau, thì làm đám cưới. Còn nếu cháu thấy không đảm đương nổi trách nhiệm thì mạnh dạn chia tay, tôi sẽ nuôi cháu mình”. Người đàn ông của chị chỉ biết khúm núm dạ vâng.
Một đám cưới đúng nghĩa diễn ra trong nụ cười tươi của má. Dù hơn ai hết, má thấy bất an với cuộc hôn nhân này khi nhận ra chàng rể chưa trưởng thành về tuổi tác lẫn suy nghĩ. Nhưng không để chị bận lòng, má dẹp bỏ hết những lo toan của người mẹ trên nét mặt.
Chị không lường trước được những khó khăn nảy sinh trong cuộc sống hôn nhân với người chồng trẻ hơn mình nhiều tuổi. Bao năm xa nhà cùng trải nghiệm trong công việc, chị đủ bản lĩnh và độ chín chắn cho cuộc sống gia đình. Trong khi người chồng trẻ còn “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa có điều kiện va chạm nhiều, tìm đâu ra tiếng nói chung?
Phụ nữ dù giỏi giang, mạnh mẽ đến đâu cũng cần một điểm tựa, còn chị lại trở thành điểm tựa cho chồng. Khi đứa con đầu lòng ra đời, áp lực chồng chất. Đến năm thứ hai của hôn nhân, chị bắt đầu kiệt sức và muốn buông tay.
“Chồng còn rất nhiều tình cảm với con. Xong việc là về nhà, chẳng nhậu nhẹt, đàn đúm. Chỉ có điều, suốt ngày cắm mặt vào game. Chăm sóc, dạy dỗ con cái thì không quan tâm. Nhiều lúc con cảm giác con mình không cha”, chị nói về lý do muốn chấm dứt hôn nhân.
“Nếu chỉ vì mê game, chồng con đáng tội chưa? Có một lúc nào đó trong cuộc sống, con nghĩ lại và thấy day dứt về quyết định của mình không? Nếu câu trả lời là “không” thì cứ mạnh dạn chia tay. Và con quyết định thế nào, má cũng ủng hộ. Nhưng con nên nhớ, đến với nhau từ tình yêu thì hãy chia tay trong văn minh. Đừng bao giờ đổ lỗi, bởi lỗi trước hết là ở bản thân con”, má kết thúc câu chuyện với chị như vậy.
|
Ảnh minh hoạ |
Chị thấm thía từng lời của má. Bởi cái hôm sau khi gặp mặt chàng rể nói chuyện cưới xin, má khá ngạc nhiên trước lựa chọn của chị. “Điều gì khiến con yêu cậu ấy?”. “Bạn ấy có một gia đình khiếm khuyết nhưng vẫn nỗ lực vươn lên, phải buông bỏ việc học để đi làm, bươn chải từ sớm. Tự nhiên con muốn nâng đỡ người ấy”.
Ba năm trước, chị quyết định gắn bó đời mình với một người vì khát khao “nâng đỡ”. Chị dành cho anh sự chăm sóc như một người mẹ bởi nghĩ rằng anh thiếu hụt. Chị cáng đáng giúp anh công việc của một người trưởng thành, thay vì dạy anh phải trưởng thành để tiếp nhận những vai trò mới.
Sau ba năm mệt mỏi vì kiểu “nâng đỡ” đó, chị đòi ly hôn. Vì vậy, má nói lỗi trước tiên là ở chị quả không sai. Đó cũng là lý do má muốn chị khẳng định: anh đã đáng tội chưa?
Câu hỏi của má khiến chị suy nghĩ rất nhiều bởi bản thân chị không trả lời ngay được. Cũng chính nó đã đặt chị vào những “khoảng lặng” vô cùng cần thiết trong hôn nhân. Má nói, kinh nghiệm ấy má đúc kết trong cuộc hôn nhân của mình. Có lẽ, nhờ dành không ít khoảng lặng, má đã đấu tranh, nghĩ suy, và quyết giữ lại cho con cái một gia đình trọn vẹn, mà bản thân má cũng không phải khổ sở chịu đựng cuộc sống chung với một người chồng ích kỷ.
Lấy chồng, ai cũng nghĩ má có phúc, vì ba vừa là người học thức, vừa hết lòng yêu vợ. Khi má về ngoại ở cữ trong thời gian sinh chị, bận mấy ba cũng đến thăm nom má mỗi ngày, mang theo bao món ngon cho má tẩm bổ. Đàn bà xung quanh nhìn má bằng ánh mắt ngưỡng mộ pha lẫn ghen tỵ.
Trở về nhà cùng đứa con vừa tròn hai tháng tuổi, má tá hỏa phát hiện mấy chỉ vàng nhiều năm dành dụm mở tiệm may không cánh mà bay. Ba tỉnh bơ: “Anh lấy mua đồ ăn cho em hết rồi!”.
Cùng câu nói đó, ba đưa ra một quyển sổ được ghi chép cẩn thận những thứ ba đã mua cho má suốt hai tháng nằm ổ, gồm món gì, bao nhiêu tiền, một hột vịt lộn cũng không thiếu. Với ba, bạn bè quan trọng hơn gia đình, khi ba dành tất cả đồng lương công chức cho những cuộc tụ tập, bạn bè. Còn với gia đình, ba khẳng định vẫn yêu thương má, chăm lo các con “theo cách của ba”.
Có những ngày ba đi nhậu về, nằm vật ngoài sân. Bò được vào nhà thì ói khắp sàn, má lật đật làm ly nước chanh, mớm cho ông từng muỗng, trong khi công việc đầu tắt mặt tối chỉ mỗi một mình.
Đợi ba tỉnh dậy sau cơn say, má dùng sự tất bật cùng lời lẽ bình thản nhưng cứng rắn để ba thấy hình ảnh người chồng vô trách nhiệm. Nhìn đứa con nhỏ vắt vẻo ôm chặt cổ mẹ trong khi đôi mắt của má không rời đường kim mũi chỉ bên máy may, ba “cứng họng”. Những cuộc gọi nhậu thưa dần rồi vắng hẳn.
“Má xoay chuyển ông ấy bằng thái độ vừa mềm mỏng, vừa dứt khoát. Bất cứ quyết định gì, má đều hỏi ý kiến ba. Nếu ba đồng ý thì mừng. Ngược lại, má sẽ thuyết phục, phân tích, để người quyết định cuối cùng phải là má”, má cười đắc thắng khi nói về khoảng thời gian đó.
Nhờ vậy, khi đã cùng nhau bước qua bên kia con dốc cuộc đời, ba luôn chủ động nắm tay má mà đi. Má nói, đó là do má đã dành cho cuộc hôn nhân của mình rất nhiều “khoảng lặng”.
Nguyệt Minh