Tôi không nhớ mình đã nghe ba giải thích về trầm hương lúc nào, chỉ biết là lần nào nhớ lại, nỗi xúc động cũng trào dâng đến từng sợi tóc: “Không gãy, không có những vết thương rỉ máu, cây dó bầu chỉ là cây dó bầu thôi con, vĩnh viễn không có trầm hương quý giá cho đời”.
Nhà có hai con trai, lớn nhanh như trái bầu trái bí ngoài hiên nhà ngoại ở quê. Nhiều khi ngủ một giấc đến sáng, choàng tay ôm con, ngỡ ngàng như chạm vào chính thịt da của thời gian. Mười lăm năm cho hai đứa. Khoảng thời gian không hề ngắn.
Những cơn váng vất khi nghén vẫn còn tươi rói như mới hôm qua - nghén đến kiệt sức, tưởng như hơi thở cũng đã rời khỏi mình. Rồi những đêm thức trắng, bế con trên vai, hát từ “con kiến mà leo cành đa” đến “Ngẫm hay muôn sự tại trời” nghe hoang hoải, cô đơn đến muốn khóc mà không thấy giọt nước mắt nào rơi ra.
Trời Sài Gòn mấy hôm nay ẩm ương theo mùa bão. Sáng mưa rả rích, xùm xụp áo mưa, bươn bải đến chỗ làm. Trưa có việc chạy ra ngoài, nắng táp vô mặt. Giá mà có thêm tiếng gà nhảy ổ nữa là sẽ giống đang ngồi trong chái bếp nhà quê rừng rực than hồng. Không khí đặc quánh, đầy ứ, không còn khoảng trống nào để nhích lên dẫu nửa vòng bánh xe.
Tâm trạng thật xấu. Một nỗi tủi thân mơ hồ chờn vờn trong ý nghĩ: sao mình không được ngồi trong xe hơi? Sao mình không được váy áo xúng xính ngồi trong văn phòng máy lạnh? Tôi thảng thốt nhận ra mình cũng thật phù phiếm khi luôn nhìn những thứ thuộc về người khác, những thứ mình không có ở hiện tại để dằn vặt cảm xúc của chính mình.
Những vòng bánh xe nhích lên từ từ, rồi những khoảng trống lộ ra, một chiếc xe đạp vượt lên trước. Bất giác tôi thấy chân tay mình luống cuống, như những lần mở toang cửa tủ lạnh, hơi lạnh phả vào mặt buôn buốt mà vẫn chưa nghĩ ra mình định làm gì.
Một người đàn bà ngồi ở yên sau chiếc xe đạp cũ, cầm tay lái; phía trước là một bé gái, ôm ghì lấy cổ chị, khuôn mặt ngơ ngơ của những em trời sinh khiếm khuyết. Trên chiếc rổ xe xộc xệch là tấm gỗ có dăm ba cái kẹp và vài tờ vé số. Cô bé cười ngờ nghệch, dúi mũi vào mớ tóc khô rối như râu bắp đã qua mùa thu hoạch của mẹ đầy tin cậy.
Chị xốc cô bé cho ngay ngắn, hôn lên trán con... Tôi nghe như có hàng trăm giọt nước ở đâu trong tim mình tan ra. Mát rượi. Tôi lại tự dưng nghĩ, nếu tách thời gian của người đàn bà ấy ra và xếp thành con đường, con đường của chị đâu chỉ có độ dài không biết bao xa, phải chăng còn có độ sâu của những bước chân nặng nề ôm con theo cùng như thế? Tôi chạy theo chị, mua vài tờ vé số. Cả buổi chiều vẫn không sao quên được ánh mắt ngơ ngác khi nhận được lời cảm ơn của chị lúc tôi rời đi.
Thiên nhiên, tạo vật chất chứa những bài học sâu sắc mà ta có thể nhớ cả một đời. Mới đây, lang thang với bạn, tôi lại ngỡ ngàng khi bạn nói về ly nước mủ trôm. Tôi nhớ như in chất giọng trầm và ánh mắt xa xăm của bạn như nói với chính mình: “Cậu biết không, người ta phải đâm vào thân cây; vết thương càng sâu, càng nhiều thì cho ra mủ nhiều. Không đâm, không thương tích thì không có mủ cậu à”.
Tôi bất giác nghe mình đau ở đâu đó, khẽ nắm vai bạn lắc lắc. Nét mặt bạn xô lệch, nhẹ như một nụ cười: “Tớ ổn mà!”. Bạn ổn hay không đâu phải do lời nói. Bạn ổn không khi con trai bạn đang từ tự kỷ tỏ dấu hiệu tâm thần phân liệt? Bạn ổn không khi mọi người quan niệm đó là minh chứng cho quy luật gieo nhân nào gặt quả ấy? Người ta có dịp chì chiết về việc bạn đẹp quá, giàu quá, giỏi quá... thì phải thế.
Tôi nhớ vài lần đi thăm bệnh, nhìn những khuôn mặt xanh xao đau đớn, tôi chỉ kịp nghĩ về sự may mắn của bản thân mình. Chúng ta hay ve vuốt bản thân bằng việc nhìn nỗi đau của người khác. Không ai thấy bạn tôi đã run rẩy khóc khi lần đầu tiên, với tư cách là bác sĩ, khua lách tách những dụng cụ y tế lạnh lẽo để rứt một mầm sống ra khỏi cơ thể người mẹ.
Không ai thấy bạn chạy lăng quăng chở những gói quần áo từ nhà bạn bè thân mang đến khoa nhi. Không ai biết bạn băng bó vết thương khi con đập đầu vào tường bỏ mặc vết thương thẳm sâu trong lòng mình không ai băng bó. Chồng bạn không nắm tay bạn, không nắm tay con... Tận cùng nỗi cô đơn phải chăng là câu “Tớ ổn!” là “Em không sao”!
Tôi lại muốn nghĩ đến việc không chỉ có ba chị em nữ thần Atropos trong thần thoại quay sợi, cắt sợi, giữ bí mật về sinh tử của con người; mà nên chăng có một nữ thần, trước khi ban cho loài người niềm vui, hạnh phúc, nỗi đau, hãy thử gỡ thời gian ra xếp thành một đường dài để hình dung bước chân của con người đi ra sao trên hành trình thẳm sâu đó.
Ngày con đi học, ngày con đi thi, ngày con trong phòng cấp cứu, ngày con đóng của phòng lạnh lẽo “con cần ở một mình”… tôi nghe như có cái gì đâm thẳng vào tim mình, rát buốt. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu gỡ được 15 năm ấy ra, lấy đơn vị là phút rồi xếp thành một đường dài, không biết con đường ấy bao xa và sẽ dẫn tới đâu.
Triệu Vẽ