Nếu cái gì cũng sợ thì cuộc đời buồn tẻ lắm

02/04/2014 - 13:57

PNO - PN - Được biết đến với hàng loạt bài hit như Xin hãy thứ tha, Đồng xanh, Lặng thầm một tình yêu, Tình về nơi đâu..., với tư duy âm nhạc hiện đại, con đường nghệ thuật của anh vẫn đang thênh thang, nhất là với các thể loại R&B...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trở về từ Hà Lan năm 2007, Dương Khắc Linh (ảnh) ít xuất hiện so với nhiều đồng nghiệp, dù ngoài năng lực sáng tác, anh còn sở hữu khá nhiều bằng cấp: thạc sĩ nghệ thuật tại Trường Utrecht - Hà Lan, thạc sĩ lý luận phê bình âm nhạc của Đại học Portsmouth - Anh. Là một trong những nhạc sĩ “đắt sô” nhất hiện nay với dự án album nhạc tiếng Anh do Universal đặt hàng nhưng chàng nhạc sĩ sinh năm 1980 này vẫn nung nấu ý định vươn ra thị trường nước ngoài, mà trước mắt là thị trường Hàn Quốc.

* Khi nhận lời trở thành giám khảo X-Factor, anh có đo lường trước những được và mất? Anh vốn kín đáo, giờ phải tỏ ra sinh động, hài hước, có áp lực lắm không?

- Trước khi nhận công việc đó, tôi đã được làm công tác tư tưởng rồi. Hồ Ngọc Hà nói anh phải chuẩn bị xô hứng đá mà xây biệt thự đi (cười). Nhưng tôi không cảm thấy áp lực lắm đâu. Tôi coi công việc này như một trải nghiệm, cứ thử xem mình làm như thế nào. Dù kết quả ra sao thì mình đã nỗ lực để làm, nếu cái gì cũng sợ thì cuộc đời này sẽ buồn tẻ lắm. Trước nay tôi thấy mình hiền quá, nhát quá, nên bung mình ra giữa đám đông là cách để mình tự tin và trưởng thành hơn. Tôi cũng không chuẩn bị kịch bản là mình phải nói gì cho “hot” hay phải tạo dư luận. Tôi có sao thì nói vậy thôi. Qua nhiều buổi ghi hình, tôi thấy chắc mình làm giám khảo cũng… được.

* Trong tình hình cạn thí sinh vì có quá nhiều cuộc thi ca nhạc, anh có ưu ái những thí sinh… đẹp hơn không, vì trước đây anh có nói là luôn ưu ái người đẹp?

- Ông trời kỳ lắm, có lẽ là đã phân định hết cả rồi nên thường thì người đẹp lại hát không hay (cười). Ngược lại, những người tròn tròn, to con, vui vẻ ra sân khấu cất giọng lên là người ta phải say đắm. Mà thực ra, đẹp lại là một yếu tố bất lợi, vì sẽ bị “soi” nhiều hơn. Người ta dễ có tư tưởng là “ờ, đẹp đẹp vậy thôi chứ không có tài cán gì đâu!”. Mà dù có đẹp, giọng có hay nhưng lên sân khấu cứ căng cứng thì cái đẹp cũng tự nhiên biến mất, không ai thấy đẹp nữa. Vì thế, điều quan trọng nhất không phải là đẹp hoặc hát hay, mà phải tự nhiên và tự tin để phát huy hết những thứ đó.

Néu cái gì cũng sọ  thì cuọc dòi buòn tẻ lám

* Về Việt Nam từ 2007, sau bảy năm làm nghề, cộng tác với nhiều đơn vị như Music Faces, Early Riser, Soul Academy… hiện anh đã là một producer rất được ca sĩ tin tưởng và có công ty riêng Future Art Production. Anh có hài lòng khi so sánh mình với bạn bè đồng lứa ở nước ngoài?

- Khi tôi về Việt Nam lần đầu để thực hiện luận văn thạc sĩ, tôi gặp gỡ rất nhiều nhạc sĩ trong nước và cảm thấy môi trường nhạc Việt rất thú vị, nhiều tiềm năng. Cơ duyên với anh Đức Trí đã khiến tôi xin tạm dừng công việc làm nhạc chuông nhạc chờ tại Hà Lan một năm, rồi hai-ba năm. Cứ ngỡ chỉ là một cuộc dừng chân, không ngờ lại gắn bó lâu dài với nhạc Việt. Nếu so sánh với các bạn ở Hà Lan thì tôi thấy công việc của mình thú vị hơn nhiều. Còn so sánh với các bạn ở Mỹ, Hàn, tôi thấy tôi không có mức sống cao như họ, đến giờ vẫn không nhà, không xe, không tiền. Ngạn ngữ Hà Lan có câu đại ý là: “Cỏ bên sân nhà hàng xóm luôn xanh hơn sân nhà mình” (cười). Nhưng, may mắn là tôi thấy mình còn chưa già, con đường âm nhạc của mình còn dài và tôi vẫn đang lao động miệt mài.

* Hồ Ngọc Hà, Phương Linh, Maya, Thái Trinh, Quốc Thiên, Bee T, Hà Anh Tuấn, Vy Oanh… đều hát R&B, pop ballad. Anh làm sao để không lặp lại chính mình trong những sản phẩm thực hiện cho họ?

- Khi các ca sĩ tìm đến tôi, họ đều nói “em muốn phá cách, muốn thay đổi hình ảnh”, cứ như tôi là “bác sĩ phẫu thuật âm nhạc” vậy. Khi cộng tác với ai, tôi đều luôn cố gắng nắm bắt cái “màu” của họ, rồi từ đó mới biến hóa, phát triển dựa trên chính cái “màu” đó. Ví dụ như Đồng xanh cho Vy Oanh, Tình về nơi đâu cho Thanh Bùi… đều hợp với cá tính của họ. Khi làm với Dũng Hà, tôi phải đầu tư ca từ có chiều sâu hơn, chất nhạc “Tây” hơn. Khi làm album Hải Châu sáng tác hoàn toàn bằng tiếng Anh và Universal yêu cầu ca khúc phải phát sinh lợi nhuận ở thị trường nước ngoài, tôi làm lâu gấp năm - sáu lần.

* Làm nhiều dự án, tất nhiên sẽ có thu nhập cao, nhưng anh ôm đồm quá nhiều thì sức ép thời gian sẽ lớn và chất lượng sẽ tỷ lệ nghịch?

- Một bài hát hay không phải do yếu tố thời gian quyết định, quan trọng là khi ý tưởng vụt tới, mình phải chộp bắt ngay được nó và giữ nó lại. Như ca khúc Xin hãy thứ tha cho Hồ Ngọc Hà tôi chỉ viết trong vòng ba tiếng. Nhưng, ca khúc hay cũng chỉ quyết định 10% thành công. 90% còn lại là do ca sĩ, ý tưởng, PR… nói chung là nhiều yếu tố khác.

Thu nhập của nhạc sĩ ở Việt Nam hiện nay chưa thể gọi là cao. Ví dụ một bài hát tại thị trường Hàn Quốc của SuJu (Super Junior), họ thu trong vòng hai tháng nhưng thu nhập đến khoảng vài trăm ngàn đô Mỹ. Còn ở Việt Nam, dù anh có viết hết sức mình, viết mỗi ngày một bài cũng không thể mơ tới con số đó. Tôi nghĩ người nghệ sĩ sáng tác nào cũng muốn làm ít, làm ra những tác phẩm chất lượng, đỉnh cao, vượt qua nhiều biên giới, tóm lại là “đắt xắt ra miếng”, chứ không phải làm thật nhiều như một cái máy chỉ để kiếm tiền.

* Đó là lý do anh muốn hướng ra thị trường nước ngoài?

- Tôi đang làm việc với một nhạc sĩ người Hàn, vốn cộng tác với nhiều công ty giải trí lớn. Cách đây vài tuần, anh có sang Việt Nam bàn bạc việc hợp tác làm các sản phẩm cho thị trường Hàn - Việt. Tôi đánh giá hợp tác là cách duy nhất để tham gia vào những thị trường chuyên nghiệp như Hàn, Mỹ. Công nghệ âm nhạc của họ tốt. Nếu so sánh trên thang điểm chất lượng kỹ thuật, ví dụ Mỹ 10, Hàn 8 thì Việt Nam chỉ khoảng 4 thôi. Dù mình có đầu tư cho master để có chất lượng tuyệt nhất, thì khi đưa qua online “bóp” lại, nghe cũng không phân biệt được và quan trọng là không thể thu hồi vốn. Có một nghịch lý là nhiều người chê nhạc Việt dở, chất lượng thấp, muốn được thưởng thức ở “mức” cao hơn, nhưng lại muốn hoàn toàn miễn phí. Lý do quan trọng hơn, tôi muốn vươn ra nước ngoài là tôi trót mơ giấc mơ của những người làm nhạc: một đĩa bạch kim, một giải Grammy… Dù cả đời không có được thì tôi biết, mình cũng đã nỗ lực để vươn tới.

* Xin cảm ơn anh và chúc anh may mắn, thành công.

ĐINH HÀ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI