Nếu bất chợt mình không còn nữa, con mình sẽ sống ra sao?

26/04/2017 - 10:17

PNO - Chị không ngủ, chỉ là chị cần yên tĩnh để sắp xếp những điều cần nói với con vào ngày mai. Chúng nó sẽ tập dần, sẽ hiểu và thay đổi.​

Néu bát chọt mình khong còn nũa, con minh sẽ sóng ra sao?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Con gái mười lăm tuổi nhìn nồi canh nhăn nhó: “Đây là canh ạ?”. Thằng con trai tám tuổi hậm hực: “Bình thường ăn bốn món, sao giờ có hai?​ Ăn vầy sao ăn?”.  Chị múc canh ra tô, canh chỉ là ít tôm khô nấu bầu, thức ăn mặn là hai lát cá thu chiên mắm tỏi.

Chị xới cơm, ngồi vào bàn ăn, thản nhiên: “Từ giờ, nhà mình chỉ ăn hai món thế này thôi. Các con có quyền không ăn và đừng mong mẹ mua cho gì khác. ​Dù hai món nhưng vẫn đủ dinh dưỡng”.​

Mặc hai đứa ngúng nguẩy, chị lặng lẽ ăn cơm. Sau ít phút nhìn nhau, hai đứa cũng kéo ghế ngồi xuống. Bữa cơm diễn ra trong lặng lẽ và đến cuối bữa, chỉ còn trơ lại hai đoạn xương cá, không như mọi ngày, gì cũng thừa mỗi thứ một ít, lắm khi phải năn nỉ nhau ăn.

​Ăn xong, hai đứa chui vào phòng đóng kín cửa; lúc đóng cửa, chúng cố ý mạnh tay khiến cánh cửa gầm lên giận dữ. Chúng tỏ ý bực mình đây mà. Chị mặc kệ, mang bát đi rửa, định bụng đây là lần cuối chị rửa bát.​ ​Ngày mai phải khác đi.

Từ ngày chị sinh con gái, anh nói phải thuê người giúp việc cho đỡ vất vả. ​Quả thật khi ấy, vợ chồng son, thêm đứa con thành bốn, bấn bíu cả lên. ​Ông bà nội ngoại lại ở xa nên không nhờ được. ​Khi ấy, chị sắp quay lại đi làm. Có người giúp việc, công nhận nhàn hẳn.

Đi làm về, cơm nóng bày sẵn, con cái sạch sẽ, đêm ngủ thẳng giấc; Chủ nhật được ngủ nướng đến tận trưa rồi thong thả đi cà phê với bạn, đi siêu thị, khỏi cần quan tâm sáng mai tất tả chợ sớm; áo quần dồn một nùi, cuối tuần mới ủi. 

Những tưởng mọi chuyện cứ mãi êm đềm thế, cho đến khi cô giúp việc xin phép về quê chăm mẹ ốm. Chị nhờ con gái lấy chai nước mắm, con gái không biết là chai nào trong đám chai lọ đựng gia vị. Rồi chị phát hiện ra, con gái không hề biết rửa bát, lau bàn, quét nhà hay gấp quần áo, đừng nói gì đến lau nhà hay nấu cơm. 

​​Con trai cũng thế, thay quần áo xong là vứt xòe xuống sàn, ​chả buồn ​nhặt bỏ vào máy giặt; ăn xong là tếch vào phòng đeo tai nghe xem phim, nghe nhạc. Chị nhận ra, bấy lâu mình đã quá chiều con, bao bọc con mà không dạy con những điều tối thiểu; chúng quen được dọn sẵn mời ăn​, quen hưởng ​thụ ​nên ích kỷ, chỉ biết mình.

​Có lần chị ốm, phải đi viện, ngoài ngày hai lần cô giúp việc đưa cơm vào, hai đứa con không một lần bén mảng. Lý do chúng đưa ra là bận học thêm, bận đi sinh nhật bạn, mỗi ngày chúng gọi điện cho mẹ một lần coi như xong nhiệm vụ. ​​Chị chợt nghĩ, nếu bất chợt mình không còn nữa, hai đứa trẻ sẽ sống sao? Rồi mai này lớn lên, chúng nó sẽ làm gì? Cũng còn may, chúng chưa đến nỗi mang tính tiểu thư, công tử nhà giàu đi coi khinh người khác.

Bằng tuổi con trai, ngày xưa chị đã phải đồng áng, rau bèo cám bã, nấu cơm cho cả nhà, áo quần tự giặt, bố mẹ không phải nhắc nhở. Chị biết mỗi thời mỗi khác, trẻ con thời nay sinh ra trong đủ đầy, nhưng hai đứa trẻ cũng nên biết làm những việc nhẹ, ít nhất có thể tự lo cho mình.

Chị nói với chồng, anh nói chúng nó còn nhỏ, lớn thêm tí tự khắc sẽ hiểu. Chị lắc đầu, làm gì có tự khắc nếu không được dạy dỗ, hướng dẫn. Bé không dạy, lớn không biết, vô tư vô tâm. Đến khi có thể hiểu, e chừng đã muộn.

​Chị lên giường nằm, không nói với hai đứa câu nào. Chúng cũng biết ý đi lại nhẹ nhàng, nói chuyện khe khẽ. ​Có lẽ chúng cũng ngạc nhiên vì thái độ của mẹ, có bao giờ mẹ nghiêm khắc với chúng vậy đâu, mẹ luôn cưng chiều chúng. Chúng chưa hiểu rằng, càng thương yêu thì càng phải dạy dỗ, chỉ bảo.

​Chị không ngủ, chỉ là chị cần yên tĩnh để sắp xếp những điều cần nói với con vào ngày mai. Chúng nó sẽ tập dần, sẽ hiểu và thay đổi.​

Chị tin mình sẽ làm được, dù không dễ dàng.

Thái Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI