Netflix tăng đột biến người dùng ở châu Á, mộng bước chân vào Trung Quốc

06/02/2021 - 13:51

PNO - Sau năm 2020, Netflix càng khẳng định thị trường châu Á là “miếng bánh” màu mỡ với hàng loạt con số vô cùng khả quan về doanh thu, tốc độ tăng trưởng.

Châu Á - thị trường sống còn

Kết thúc năm 2020, Netflix đã đạt khoảng 200 triệu người đăng ký, củng cố vị trí ông hoàng trong lĩnh vực phát hành phim trực tuyến. Theo CNN, giờ đây, Netflix đang tìm cách khuếch trương tầm ảnh hưởng tại thị trường châu Á – khu vực được đơn vị đánh giá là có mức tăng nhanh về lượng người dùng ứng dụng.

Cụ thể, gã khổng lồ làng giải trí trực tuyến đã tăng thêm 9,3 triệu người đăng ký sử dụng dịch vụ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2020, tăng 65% so với năm 2019. So với mức tăng 40 % ở châu Âu, khu vực Trung Đông và châu Phi, doanh thu của Netflix ở châu Á tăng gần 62%.

Con số này càng giúp Netflix củng cố định hướng phát triển, tập trung nhiều hơn vào thị trường châu Á. Và không chần chừ thêm, hiện Netflix tăng gần gấp đôi ngân sách cho việc tìm kiếm, phát triển nội dung gốc trong năm 2021 để thu hút khách hàng ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác. Tuy nhiên, Trung Quốc là đất nước Netflix chưa tiếp cận được.

Hình ảnh trong phim Kingdom, bộ phim được chú ý trong năm 2020 trên Netflix.
Hình ảnh trong phim Kingdom, bộ phim được chú ý trong năm 2020 trên Netflix.

Ông Greg Peters, giám đốc điều hành kiêm sản xuất của Netflix nói với CNN: “Chúng tôi rất vui mừng, vô cùng hào hứng về thị trường tiềm năng ở châu Á. Thực sự có hàng trăm, hàng triệu khách hàng mà chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm kiếm, kết nối, cung cấp cho họ một hình thức giải trí”.

Cách đây 5 năm, Netflix đánh dấu việc gia nhập thị trường châu Á – Thái Bình Dương bằng việc ra mắt tại Nhật Bản. Thời điểm đó, Netflix chỉ có trụ sở tại California, Mỹ. Còn tại các lãnh thổ khác, Netflix không có nhân viên và văn phòng đại diện.

Vài năm vừa qua, Netflix nhanh chóng thay đổi. Trong lần trả lời cách đây 3 năm, giám đốc điều hành Reed Hastings dự đoán “100 triệu người dùng tiếp theo sẽ đến từ Ấn Độ”. Và kể từ thời điểm đó, Netflix tập trung quan sát sự tăng trưởng thị trường và đổ vốn vào khai thác nội dung phục vụ khán giả châu Á.

Trong giai đoạn năm 2018 – 2020, Netflix chi 2 tỷ USD để sản xuất nội dung ở châu Á và hiện đã thực hiện hơn 200 sản phẩm. Netflix cũng đã tuyển 600 nhân viên trên khắp khu vực và đặt trụ sở chính tại Singapore.

Nhiều phi được sản xuất để phục vụ khán giả Ấn Độ.
Nhiều phi được sản xuất để phục vụ khán giả Ấn Độ.

Chiều theo thị hiếu khán giả châu Á, hoặc... chết!

CNN cho biết công thức giúp Netflix thu hút được khán giả là vì khai thác các nội dung phù hợp với thị hiếu người xem địa phương. Ngoài ra, nhiều bộ phim đình đám của hãng được thực hiện lại với các phiên bản do diễn viên Nhật Bản, Hàn Quốc đảm vai nhằm tăng sự mới mẻ. Nói cách khác, Netflix biết cách “nịnh” khán giả ở thị trường mà đơn vị muốn bành trướng sức ảnh hưởng.

Năm 2016, Netflix tuyển giám đốc điều hành nội dung người Hàn nhằm đưa ra định hướng phát triển của nền tảng tại châu Á, cụ thể là Hàn Quốc, Úc, New Zealand, khu vực Đông Nam Á. Netflix khẳng định muốn có nhiều khán giả châu Á, thì điều quan trọng là phải phát triển nội dung địa phương, không thể chọn kịch bản đình đám từ Mỹ, châu Âu và làm lại.

Nhưng điểm đặc biệt là nội dung vốn được làm ra để phục vụ riêng khán giả châu Á lại không gói gọn trong khu vực mà vương tới nhiều người xem trên toàn cầu. Alice in Borderland của Nhật, Kingdom của Hàn, Indian Matchmaking được quay giữa Mỹ và Ấn Độ... đều thành công trên toàn cầu. 

Năm 2020, phim truyền hình Hàn Quốc (hay còn gọi là K-drama) đã thống trị danh sách xếp hạng các phim Netflix sản xuất được xem nhiều nhất ở Đông Nam Á. Lượng người xem phim Hàn tại khu vực tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Trong khi đó, lượng người xem phim hoạt hình của Nhật tại khu vực cũng tăng gấp đôi.

Phim Hàn Quốc trên Netflix lọt top phim được yêu thích nhất ở Đông Nam Á.
Phim Hàn Quốc trên Netflix lọt top phim được yêu thích nhất ở Đông Nam Á.

Xây dựng hệ thống khán giả ở châu Á cũng đồng nghĩa với việc Netflix phải tăng số lượng ngôn ngữ, bên cạnh 35 ngôn ngữ hiện tại. Ngoài ra, Netflix tiết lộ đã lên kế hoạch thực hiện phiên bản chỉ dành riêng cho điện thoại để phục vụ riêng khán giả châu Á vì đo được thời gian sử dụng điện thoại của người dùng tại đây. Trong tháng 1/2021, Netflix đã tung ra gói đăng ký chỉ xem trên di động dành riêng cho khán giả ở Ấn Độ.

Cuộc chạy đua giữa Netflix và các nền tảng phát phim trực tuyến khác như HBO Max, Disney... đang ngày càng khốc liệt. Netflix cho biết trong năm 2021, nền tảng đã chuẩn bị hơn 500 tựa phim gồm phim truyền hình, phim lẻ, phim tài liệu... để phục vụ hơn 200 triệu thuê bao. Tốc độ sản xuất phim hiện đang được đẩy mạnh sau khi Disney vừa thông báo đã ký hợp đồng với công ty Hoststar của Ấn Độ để sản xuất loạt chương trình thể thao – đây là lĩnh vực Netflix chưa khai thác.

Neil Macker – nhà phân tích thị trường, cho biết Netflix cần hợp tác với nhiều đối tác địa phương hơn nữa để tìm kiếm được nhiều khán giả hơn. Tuy nhiên, Neil Macker cũng cho biết Netflix đang đối mặt với nhiều vấn đề tại châu Á, nguyên do là vì Netflix sản xuất một số nội dung nhạy cảm liên quan đến chính trị, tôn giáo, giới tính... Do đó, việc kiểm duyệt nội dung từ Netflix được các nước châu Á đẩy mạnh và đây là điều buộc Netflix phải lưu tâm nếu không muốn bị tẩy chay.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI