Nét đẹp của bản năng duy trì, nối tiếp sự sống

04/06/2023 - 18:52

PNO - Qua những thước phim trong trẻo, lẳng lặng trôi như mặt nước, đạo diễn Trần Anh Hùng kể lại một câu chuyện về cuộc sống đan xen giữa các thế hệ tiếp nối, trong âm nhạc réo rắt cảm xúc của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết.

Những ngày vừa qua, làng phim trong nước rất quan tâm đến Liên hoan phim (LHP) Cannes - sự kiện đỉnh cao của làng điện ảnh thế giới. Sự chú ý này còn là bởi bộ phim La passion de Dodin Bouffant (tạm dịch: Niềm đam mê của Dodin Bouffant)  của Trần Anh Hùng vừa thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở Cannes.

Phần hình ảnh là điểm nổi trội của bộ phim
Phần hình ảnh là điểm nổi trội của bộ phim

Đã 30 năm qua, vị đạo diễn người Pháp gốc Việt luôn được các thế hệ làm phim và khán giả trong nước yêu mến. Phong cách của anh đã được định hình rõ trong làng phim thế giới và ảnh hưởng lớn đến không ít đạo diễn Việt Nam.

Trần Anh Hùng là một tài hoa phát tiết từ sớm, khi bộ phim đầu tay của anh là Mùi đu đủ xanh (1993) sớm được đánh giá cao. Tác phẩm đã thắng giải Camera Vàng ở LHP Cannes và giải César cho phim đầu tay hay nhất, sau đó được đề cử Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Bất cứ khán giả nào cũng dễ dàng yêu mến bộ phim qua những cảnh phim ngập tràn ánh sáng tươi đẹp, đẩy bật tính duy mỹ trong thức cảm về sự sống.

Không khó để người xem nhận ra chủ đề chính của Mùi đu đủ xanh. Ngay từ phim đầu tay, Trần Anh Hùng đã nói về những thế hệ phụ nữ, cùng với đó là những người đàn ông trong cuộc đời họ. Chủ đề này tiếp tục được anh khám phá qua Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) và Vĩnh cửu (2016). Cuộc đời của những người phụ nữ giao thoa ở một điểm nào đó nhưng liệu qua mỗi thế hệ, chúng ta học được gì từ người đi trước để sống tốt hơn?

Bộ phim lấy bối cảnh Việt Nam những năm 1950 - thời điểm chuyển giao giữa các giá trị truyền thống với cách tân Tây học. Căn biệt phủ nhà chủ đầu tiên của Mùi và biệt thự của cậu Khuyến như tích tụ toàn bộ nét đẹp của Đông Dương thời kỳ này. 

Bộ phim xoáy sâu vào cuộc sống của những người phụ nữ Việt Nam
Bộ phim xoáy sâu vào cuộc sống của những người phụ nữ Việt Nam

Bộ phim như một bức tranh chân dung xinh đẹp, tươi sáng, xoay quanh cuộc sống của Mùi do Lư Mẫn San và Trần Nữ Yên Khê thủ vai ở 2 độ tuổi khác nhau. Mở đầu phim, cô bé 10 tuổi hiện ra trên con phố nhỏ khi màn đêm đã buông xuống. Cô bé nông dân đã đi bộ 1 ngày để làm người ở cho một gia đình giàu có. 

Trong một giờ đầu phim, những người đàn ông duy nhất có lao động cũng chính là người dân lao động. Ở nhà của bà chủ hiền từ, chăm chỉ và thương người, chỉ có bà và 2 người làm nữ tất bật, vừa chăm lo bữa ăn, đời sống gia đình, vừa giúp nhau buôn bán vải lụa, gấm hoa và đồ may mặc. Một tay quán xuyến, bà chủ vừa nuôi 3 người con trai Tây học, chăm sóc người mẹ chồng giam mình tụng kinh ở nhà trên; vừa chăm chút cho người chồng chỉ đam mê đàn ca, rượu chè. Qua chính những nhạc cụ truyền thống xuất hiện trong phim, âm nhạc lúc đơn sắc hòa lẫn tiếng dế kêu, lúc hòa nhịp rung bật, kéo tâm trạng của người xem khi thì bình an nên thơ, khi thì căng thẳng dõi theo từng diễn biến.

Những mâu thuẫn, sức ép trong ngôi nhà rộng lớn như dòng nước ngầm chảy xiết dưới bề mặt yên ả. Hòa nhập và chảy trôi theo dòng nước đó, đôi mắt trong suốt, tò mò và thích thú của Mùi như 2 tấm gương sáng, dõi theo và phản chiếu mọi điều xảy ra quanh em. Qua đôi mắt trẻ thơ và niềm yêu thích quan sát cuộc sống dịu dàng của Mùi, người xem cùng lúc vừa dõi theo những nỗi niềm đan xen của nhiều nhân vật, vừa nhẹ nhàng nhìn ngắm những cảnh phim đầy chất thơ, thả mình theo dòng thời gian của phim. 

Một cảnh quay giàu chất thơ của phim
Một cảnh quay giàu chất thơ của phim

Đó là sự tuyệt vọng và mong mỏi của bà chủ, mãi đi tìm niềm cảm thông từ người chồng hờ hững, từ cậu con trai cả nối gót bố và cả từ bóng hình con gái đã mất ở Mùi. Đối diện với người mẹ chồng đã khước từ đi bước nữa, từ bỏ hạnh phúc cá nhân vì truyền thống gia đình, bà chủ nhà cũng không thoát khỏi số phận sống thiếu vắng tình yêu. 

Đó là sức ép của đứa con trai thứ, luôn muốn được người bố công nhận như anh trai mình, rồi vỡ mộng và nhận ra ông là khởi nguồn mọi nỗi niềm đau khổ của mẹ. Cậu bé vốn có thói quen hành hạ các con vật nhỏ để giải phóng sự giận dữ trong mình, vô tình ảnh hưởng lên đứa em út. Đứa trẻ tinh quái không hiểu chuyện, nuôi dưỡng sự ghét bỏ với Mùi, liên tục quậy phá, bắt nạt cô.

Trailer phim Mùi đu dủ xanh:

 

Đối diện với những tính cách nam quyết liệt, Mùi nhẹ nhàng, bền bỉ, hòa mình một cách tự nhiên vào dòng chảy chung của gia đình. Chỉ dẫn, bảo ban cô bé là người giúp việc nữ luống tuổi do cố nghệ sĩ Ánh Hoa đảm nhiệm. Trong suốt đầu phim, giữa diễn xuất tinh giản của các diễn viên trong vai các thành viên gia đình nhà chủ, diễn xuất đầy sắc màu và chất giọng đầy nhạc tính của nghệ sĩ Ánh Hoa bên cạnh cô bé Lư Mẫn San trong như giọt sương sớm, thanh mát như mùi giọt nhựa đu đủ xanh nhỏ trên lá, tạo thành một cặp đôi tâm đầu ý hợp.

Sau những đoạn phim đầy chất thơ, câu chuyện phim thay đổi khi Mùi, lúc này đã 20 tuổi, chuyển sang nhà cậu Khuyến, là nghệ sĩ dương cầm và bạn học của cậu cả. Quyến luyến chia tay bà chủ trong nước mắt vì từ lâu đã như 2 mẹ con, Mùi rời mái nhà thơ ấu để đến giúp việc ở căn nhà của người cô thầm thương trộm nhớ từ năm cô 10 tuổi. Ở nơi mới, Mùi vẫn tiếp tục giữ những nếp cũ: âm thầm và nhanh chóng hòa mình vào nếp sinh hoạt của người chủ mới, quan sát cuộc sống bằng tất cả sự tò mò trong sáng, nuôi dưỡng cây cối và những con vật bé nhỏ.

Nhân vật Mùi khi còn bé
Nhân vật Mùi khi còn bé

Đối ngược hình ảnh Mùi với nét đẹp truyền thống, dung dưỡng, thể hiện tình yêu thầm lặng qua sự chăm sóc tỉ mẩn là vị hôn thê phóng khoáng, thích đùa cợt của cậu Khuyến. Trong 1/3 cuối phim, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết đã thoải mái sử dụng âm nhạc nói lên tình cảm của cả Mùi và Khuyến. Trong nhiều đoạn, âm nhạc đẩy lên cao theo những cảm xúc dữ dội, rồi nhanh chóng hạ thấp đầy nhiệt thành pha lẫn bình yên.

Ở đây, người xem còn nhận ra những tố chất ngày càng nổi trội ở Mùi: sự nuôi dưỡng sự sống. Như đĩa nộm đu đủ xanh đơn điệu từ ngày cô thơ bé đến lúc cô tự tay nêm nếm, trang trí những miếng thịt khô bắt mắt, Mùi đã hoàn toàn trưởng thành. Nét đẹp của Mùi qua những bộ áo yếm và quần lụa trắng, áo dài cùng làn môi đỏ thắm, là một sự pha trộn kỳ lạ giữa sự trong lành, thanh tao và duyên dáng, lẫn sức sống ấm áp của sự chăm sóc và bồi dưỡng, cho cây cối, muông vật tươi tốt, sinh sôi nảy nở. Nét đẹp của người phụ nữ, qua con mắt của Trần Anh Hùng, có lẽ cũng chính là bản năng duy trì, nối tiếp sự sống dù là của những chú dế nhỏ, là người chồng mình yêu hay là của một sinh linh mới trong cơ thể mình.

Với ý thức mạnh mẽ về hạnh phúc cá nhân, kết cục phim như gửi gắm thông điệp: hãy giữ sự bền bỉ trước sóng gió và cái nhìn đầy hy vọng về cuộc sống, để mọi thế hệ đều có thể tiến đến hạnh phúc. Như chính nhân vật Mùi trong lời cuối phim đã nói: “Những cây anh đào chìm trong bóng râm. Tỏa ra, thu lại, uốn lượn, cong queo theo nhịp nước. Nhưng điều lý thú nhất là dù đổi thay thế nào, cây vẫn nguyên vẹn là cây anh đào”. 

Phan Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI