|
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Q.5, TP.HCM tổ chức lễ khai giảng năm học 2018 - 2019, đón nhận 6 lớp Một với tổng số 224 học sinh. |
|
Học sinh lớp Một được phụ huynh đưa vào trường dự lễ khai giảng. |
|
Các cô giáo hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi cho những cô cậu học trò đầu cấp tiểu học. |
|
Sau lễ chào mừng năm học mới, học trò lớp Một được làm quen với những con chữ tiếng Việt đầu tiên. |
|
Trong ảnh, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân, chủ nhiệm lớp 1/5 hướng dẫn các bé tập viết. |
|
Các bé lớp 1/5 tập đánh vần |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai giảng tại Kon Tum
Sáng 5/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã đến thăm và dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
|
Phát biểu tại lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả mà thầy trò nhà trường đã đạt được trong những năm qua. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần khắc phục hậu quả của trận lũ vừa qua, nhanh chóng ổn định để bước vào năm học mới của thầy và trò nhà trường. Trong ảnh, Thủ tướng đánh trống khai trường. |
Trường có gần 500 học sinh đa số người đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Trước ngày khai giảng, huyện Tu Mơ Rông trải qua trận lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề. Sau trận lũ, hiện vẫn còn gần 200 học sinh các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của trường PTDTNT Tu Mơ Rông; điểm trường thôn Tu cấp xã Tê Xăng và điểm trường xã Đăk Rơ Ông, chưa thể bước vào năm học mới do cơ sở trường lớp đang được trưng dụng để người dân vùng sạt lở do mưa lũ ở tạm.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng 500 bộ sách giáo khoa cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở huyện Tu Mơ Rông; tặng trường dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông hệ thống máy lọc nước uống sạch trị giá 150 triệu đồng; tặng quà cho các học sinh nghèo vượt khó. Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Xuân Chiến và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng ngành giáo dục và đào tạo huyện Tu Mơ Rông mỗi đơn vị 50 triệu đồng để góp phần giảm bớt khó khăn đời sống cho học sinh và giáo viên vùng đặc biệt khó khăn của huyện.
|
Gần 300 học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu vào năm học mới
Gần 300 em học sinh khiếm thị, đa tật trở lại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM để mừng ngày khai giảng. Tiếng cười, tiếng ú ớ gọi bạn, tiếng hát đầy hào hứng khiến sân trường vỡ òa sau bao ngày trầm lắng.
|
Vừa thấy bạn mình, những em nhìn kém chạy đến, dẫn bạn đi chơi vòng quanh sân trường |
Phát biểu trong buổi khai giảng, cô Hà Thanh Vân – Hiệu trưởng nhà trường nhắn nhủ: "Các con ở đây tuy khiếm khuyết, nhưng các con may mắn hơn những bạn có nhiều khiếm khuyết hơn mình có thể vẫn chưa được đến trường. Các con được cô chú, anh chị ân nhân chia sẻ về tinh thần lẫn vật chất để vượt qua khiếm khuyết tiếp tục đến trường".
Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu là trường công lập duy nhất trong cả nước thực hiện hoạt động giáo dục và chăm sóc trẻ khiếm thị đa tật (trẻ mù – điếc, mù – bại não, mù – động kinh, mù – có tật vận động, mù – có tật về trí tuệ, mù – chậm phát triển trí tuệ,…). Ngoài dạy văn hóa, nhà trường còn dạy các môn đặc biệt như kỹ năng sống, định hướng di chuyển, thủ công, mỹ thuật, âm nhạc, tin học,…
|
Em Minh Khang (8 tuổi, nhìn kém) say sưa đọc bài |
Năm học vừa qua, trường có 5 học sinh lớp 12 học hòa nhập cùng học sinh sáng mắt, trong đó 4 em được tuyển thẳng vào trường đại học tại TP.HCM.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong dự lễ khai giảng tại Bình Định
Tại điểm trường THPT số 3 Tuy Phước, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, Bí thư thứ nhất Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về dự lễ khai giảng và trao 30 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của trường; mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng cùng 1 ba lô, và trao tặng công trình thanh niên trị giá 50 triệu đồng cho Đoàn trường.
|
Theo tống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, trong năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 666 trường mầm non và trường phổ thông (giảm 2 trường so với năm học trước) với 328.479 học sinh. Để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới, toàn ngành đã đầu tư sửa chữa, xây mới 1.113 phòng học, mua sắm 5.197 bộ bàn ghế học sinh, với tổng kinh phí khoảng 214 tỉ đồng. Trong ảnh, Bí thư thứ nhất Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong trao học bổng cho học sinh nghèo tại điểm trường THPT số 3 Tuy Phước |
Quảng Nam có thêm trường THPT ở vùng giáp biên giới Việt-Lào
Ngôi trường mới là THPT Võ Chí Công nằm ở xã A Xan, khu vực biên giới giáp với nước bạn Lào.
|
Năm học này, số học sinh của trường THPT Tây Giang chỉ còn hơn một nửa do học sinh khối 10, 11 của 4 xã vùng cao được chuyển về học tại trường mới là THPT Võ Chí Công nằm ở xã A Xan, giáp với Lào. Trường THPT Võ Chí Công có 204 học sinh từ lớp 10 đến lớp 11, có 9 giáo viên giảng dạy và 2 cán bộ quản lý. |
|
Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện Tây Giang đã đầu tư sửa chữa cơ sở trường lớp, mua sắm trang thiết bị, sắp xếp, bố trí giáo viên, giảng dạy. Năm học này, toàn huyện có 24 trường (7 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 6 trường THCS và 2 trường THPT), tăng 1 trường so với năm học trước; trên 5.400 học sinh và 426 giáo viên. Trong đó, 350 học sinh được hưởng chế độ nội trú và 1.115 học sinh được hưởng chế độ bán trú. |
|
Học sinh Trường THPT Tây Giang nhận học bổng khuyến học |
Giáo viên ở Nghệ An cõng gạo, thực phẩm vượt rừng ‘tiếp tế’ cho học sinh
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nập Típ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có 387 học sinh, nhưng đến nay mới chỉ có gần 150 học sinh tới trường nhập học. Theo thầy Nguyễn Công Danh, hiệu trưởng nhà trường, nhiều đoạn đường trên địa bàn hiện vẫn đang bị sạt lở nặng nên phụ huynh chưa dám cho con em tới trường.
|
Giáo viên cõng gạo, thực phẩm vượt 12 km đường lầy lội để tiếp tế cho học sinh. |
Theo thầy Danh, các giáo viên của trường phải luân phiên nhau băng rừng ra thị trấn Kỳ Sơn để mua gạo và thực phẩm về để phục vụ giáo viên và học sinh.
“Từ trường ra thị trấn phải gần 80km, trong đó có 12km đường bị sạt lở nặng, phải đi bộ chứ không thể đi xe. Các thầy cứ sáng đi, đến tối mới về tới trường. Mỗi lần như vậy, mỗi thầy chỉ cõng được 15 – 20kg gạo do đường quá trơn trượt và nguy hiểm”, thầy Danh nói.
|
Con đường độc đạo vào trường trở nên lầy lội, trơn trượt sau mưa lũ. |
Để đảm bảo nguồn thực phẩm cho học sinh cùng giáo viên của trường, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nập Típ đã cải tạo vườn để trồng rau; chăn nuôi lợn, ếch, gà, vịt… để tự túc. Tuy nhiên đợt mưa lũ vừa rồi đã khiến vườn rau của trường bị cuốn trôi, bồi lấp hoàn toàn.
7 năm, ngoại dắt cô trò nhỏ đến trường
7 năm nắm tay ngoại đến trường, 7 năm đi học là 7 mùa cố gắng của cô bé Lê Thị Tiền, 13 tuổi, học lớp 7 Trường THCS Tân Hiệp, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Từ lúc mới được sinh ra, ba em đã bỏ đi mất. Cô bé nhỏ xíu không biết mặt cha, được mẹ và ngoại nuôi dưỡng. Sau đó, mẹ em đi bước nữa, để em lại cho bà ngoại nuôi dưỡng.
|
Ngày khai giảng, Tiền lại được ngoại nắm tay đưa đến trường |
Bà Trần Thị Ba, bà ngoại của Tiền cho biết, mùa khai giảng đầu tiên của Tiền cũng là năm học vô cùng vất vả. Nhà rất nghèo nhưng không đành nhìn cháu thất học, bà Ba chạy khắp nơi xin tập vở, quần áo cũ cho cháu ngoại.
Từng năm học qua đi, Tiền học không giỏi nhưng em không nản chí, từng bước theo bạn đến trường, qua những đoạn đường sình đất. Ngày mấy lượt qua đò, em học hết cấp I rồi lại phân vân giữa việc học và nghỉ.
Hè năm lớp 6, Tiền định buông tay nhưng đến ngày khai giảng, thấy bạn bè mặc đồng phục trắng tinh, khăn quàng đỏ thắm tung tăng đến trường, Tiền bật khóc. Bà Ba thấy vậy lại tất bật xin sách giáo khoa cũ, quần áo cũ và tập vở cho em dệt tiếp ước mơ.
Năm nay, được mạnh thường quân trao tặng chiếc xe đạp, Tiền đã có thể tự đi học để ngoại chạy chợ giúp mẹ nuôi tiếp hai em cùng mẹ khác cha. Đường đến trường của Tiền vẫn còn lắm ghập ghềnh, nhưng em vẫn cố, từng ngày vun đắp tương lai.
|
Nhóm phóng viên