Nepal và Trung Quốc lần đầu tiên thống nhất về độ cao đỉnh Everest

09/12/2020 - 08:58

PNO - Nepal và Trung Quốc hôm 8/12 đã đi đến thống nhất rằng đỉnh Everest có độ cao 8.848,86 mét. Điều này chấm dứt sự chênh lệch độ cao được hai quốc gia công nhận đối với đỉnh núi cao nhất thế giới.

Nepal trước đây công nhận ngọn núi cao 8.848 mét - thấp hơn so với con số hiện nay 86 cm, trong khi chiều cao đỉnh Everest do Trung Quốc đưa ra là 8.848,13 mét (thấp hơn hiện tại 73 cm).

Nepal, Trung Quốc nhất trí độ cao của đỉnh Everest là 8.848,86 mét - Ảnh: Kyodo News/Getty Images
Nepal và Trung Quốc thống nhất độ cao của đỉnh Everest là 8.848,86 mét - Ảnh: Kyodo News/Getty Images

Ngoại trưởng Nepal Pradeep Kumar Gyawali và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra tuyên bố chung về vấn đề này thông qua hội nghị truyền hình từ Kathmandu và Bắc Kinh.

"Đây là một khoảnh khắc đặc biệt", ông Gyawali nói và cho biết quan hệ Nepal - Trung Quốc đã được tăng cường trong thời gian gần đây.

Phó tổng giám đốc Cục Khảo sát Nepal - ông Susheel Dangol - cho biết nước này cho đến nay chính thức công nhận độ cao ngọn núi là 8.848 mét. Ông giải thích: “Độ cao mới là độ cao băng tuyết của ngọn núi chứ không phải độ cao của đá núi”.

Độ cao mới dựa trên các phép đo do các nhà khảo sát người Nepal thực hiện khi họ lên đến đỉnh Everest năm 2019, còn kết quả của Trung Quốc do một nhóm các chuyên gia thực hiện trong năm nay.

Theo đồn đoán của cộng đồng leo núi toàn cầu, nguyên nhân độ cao đỉnh Everest tăng lên có thể là do trận động đất kép kinh hoàng xảy ra ở Nepal vào năm 2015. Đó là lý do để hãng tin Anh BBC giật tít: “Đỉnh Everest cao lên gần một mét!”.

Năm 2011, Nepal quyết định đo chiều cao của đỉnh núi như một dự án mang tính tự hào quốc gia, nhưng công việc thực tế được đẩy nhanh sau khi động đất xảy ra.

Trong chuyến thăm Nepal của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10/2019, hai bên đã nhất trí đưa ra tuyên bố chung về độ cao đỉnh Everest. Đến thời điểm đó, Nepal đã hoàn thành các cuộc khảo sát và đang tiến hành tính toán.

Đây là lần đầu tiên Nepal chính thức đo chiều cao ngọn núi. Trước nay, thế giới công nhận chiều cao chính thức của ngọn núi - 8.848 mét - là dựa trên một cuộc khảo sát của Ấn Độ vào năm 1954.

Janak Raj Joshi, phát ngôn viên Bộ Quản lý Đất đai Nepal, nói với Kyodo News: "Đây là độ cao chính thức của ngọn núi hiện nay, nó không cần sự chấp thuận của bất kỳ cơ quan quốc tế nào".

Ang Tshering Sherpa, thành viên danh dự của Liên đoàn Leo núi Quốc tế (ICMF), cho biết sự chênh lệch độ cao đỉnh Everest giữa Trung Quốc và Nepal đã gây ra vấn đề cho những người leo núi. Sherpa nói với Kyodo News rằng cho đến năm 2015, Trung Quốc cấp giấy chứng nhận cho những người leo núi thành công khi công nhận họ đã chinh phục được đỉnh Everest cao 8.844 mét. Con số này dựa trên một cuộc khảo sát năm 2005 của Trung Quốc.

Lo ngại rằng những người leo núi bị thu hút nhiều hơn ở phía nam vì Nepal cấp chứng chỉ leo núi thành công 8.848 mét, Trung Quốc đã quay trở lại độ cao 8.848,13 mét, dựa trên cuộc khảo sát năm 1975.

Sherpa cho biết, việc hai nước thống nhất về độ cao đỉnh Everest sẽ khuyến khích những người leo núi thích khó khăn thử sức ở phía nam trên đất Nepal, trong khi đó những người thích leo núi dễ dàng hơn sẽ thử vận ​​may ở phía bắc trên đất Tây Tạng (Trung Quốc).

Đỉnh Everest lần đầu tiên được nhà leo núi New Zealand - Edmund Hillary - và người dẫn đường Nepal Tenzing Norgay chinh phục năm 1953.

Mỗi năm, vào mùa xuân, khi thời tiết thuận lợi cho các chuyến thám hiểm, hàng trăm người nước ngoài tham gia chinh phục ngọn núi. Nhưng năm nay hoạt động này bị tạm dừng vì đại dịch COVID-19.

8/14 đỉnh núi cao nhất thế giới nằm ở Nepal.

Cẩm Hà (theo Kyodo News, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI