Nepal tìm thấy máy bay chở 22 người vỡ nát trên sườn núi

30/05/2022 - 11:06

PNO - Hôm 30/5, quân đội Nepal cho biết đã xác định được vị trí rơi của chiếc máy bay chở 22 người - mất tích hôm 29/5 sau 20 phút cất cánh.

Quân đội và lực lượng cứu hộ đang tìm cách tiếp cận địa điểm máy bay rơi sau khi hình ảnh trên không cho thấy nhiều mảnh vỡ trên sườn núi
Quân đội và lực lượng cứu hộ đang tìm cách tiếp cận địa điểm máy bay rơi sau khi hình ảnh trên không cho thấy nhiều mảnh vỡ trên sườn núi

Phát ngôn viên quân đội Nepal Narayan Silwal cho biết: “Đội tìm kiếm đã xác định được vị trí của chiếc máy bay và chia sẻ một bức ảnh. Các đội khác đang đến đó để chúng tôi có thể có được thông tin chi tiết".

Một hình ảnh được ông Silwal chia sẻ trên Twitter cho thấy, các mảnh vỡ từ đống đổ nát của chuyến bay nằm rải rác trên sườn núi. Số đăng ký 9N-AET của chiếc máy bay xấu số hiện rõ trên mảnh vỡ có vẻ là một phần của bộ phận cánh.

Bốn người Ấn Độ, hai người Đức và 16 người Nepal đã có mặt trên chiếc máy bay De Havilland Canada DHC-6-300 Twin Otter do hãng Tara Air thuộc sở hữu tư nhân vận hành.

Trước khi xác máy bay được tìm thấy, vào sáng sớm ngày 30/5, phát ngôn viên Dev Raj Subedi của sân bay Pokhara nói với AFP rằng, các máy bay trực thăng cứu hộ và quân đội trên mặt đất đã chuyển công tác tìm kiếm sang địa điểm nghi máy bay rơi.

"Hoạt động tìm kiếm đã được tiếp tục ... Không có bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào về thời tiết. Hai máy bay trực thăng đã bay về phía khu vực nhưng vẫn chưa thể hạ cánh", ông nói.

Subedi nói rằng họ đã theo dõi tín hiệu GPS, điện thoại di động và vệ tinh đến vị trí.

Máy bay đã thực hiện chuyến bay kéo dài 20 phút trước khi mất liên lạc với tháp điều khiển.

Nó đã cất cánh từ thị trấn du lịch Pokhara, cách thủ đô Kathmandu 125 km về phía tây và đi đến Jomsom, cách Pokhara, một địa điểm hành hương và du lịch nổi tiếng khoảng 80 km về phía tây bắc.

Trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24 cho biết chiếc máy bay có số đăng ký 9N-AET đã rất cũ, nó đã bay chuyến đầu tiên vào tháng 4/1979.

Deo Chandra Lal Karna, người phát ngôn của Cơ quan Hàng không dân dụng Nepal (CAAN), cho biết 5 máy bay trực thăng đã sẵn sàng hỗ trợ quá trình giải cứu.

Điều hành chuyến bay Tara Air là công ty con của Yeti Airlines, một hãng hàng không nội địa thuộc sở hữu tư nhân phục vụ nhiều điểm đến xa xôi trên khắp Nepal.

Năm 2016, cũng trên tuyến đường này, một máy bay chở 23 người của hãng gặp tai nạn khi đâm vào sườn núi ở quận Myagdi.

8/14 ngọn núi cao nhất thế giới - bao gồm cả Everest - nằm ở Nepal. Nước này đã đạt kỷ lục về các vụ tai nạn hàng không. Thời tiết nơi đây có thể thay đổi đột ngột và các đường băng thường nằm ở những vùng núi khó tiếp cận.

Đầu năm 2018, một chuyến bay của US-Bangla Airlines từ Dhaka đến Kathmandu đã gặp sự cố khi hạ cánh và bốc cháy, khiến 51 trong số 71 người trên máy bay thiệt mạng.

Tấn Vĩ (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI