Nepal tăng phí cấp phép leo núi Everest

23/01/2025 - 11:12

PNO - Lần đầu tiên sau gần 1 thập niên, Nepal sẽ tăng phí cấp phép leo núi Everest lên hơn 35%.

Phí cấp phép và các khoản chi tiêu khác của người leo núi nước ngoài là nguồn thu quan trọng và tạo công ăn việc làm cho Nepal - quốc gia đang gặp khó khăn tài chính.

Nepal là quê hương của 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm đỉnh Everest cao 8.849m.

Giấy phép leo đỉnh Everest sẽ có giá 15.000 USD, theo ông Narayan Prasad Regmi - Tổng giám đốc Cục Du lịch. Ông cho biết, mức tăng 36% so với mức phí 11.000 USD đã áp dụng gần 1 thập kỷ qua
Giấy phép leo đỉnh Everest sẽ có giá 15.000 USD, tăng 36% so với mức phí 11.000 USD áp dụng gần 1 thập niên qua - Ảnh: Pixabay

Ông Narayan Prasad Regmi - Tổng giám đốc Cục Du lịch - cho biết, giấy phép leo đỉnh Everest sẽ có giá 15.000 USD, tăng 36% so với mức phí 11.000 USD đã áp dụng gần 1 thập niên qua. Ông nói thêm rằng phí cấp phép đã không được xem xét trong thời gian dài.

Tuy nhiên, ông Regmi không tiết lộ số tiền thu thêm sẽ được sử dụng vào mục đích gì.

Mức phí mới sẽ có hiệu lực từ tháng Chín, áp dụng cho mùa leo núi phổ biến vào tháng 4-5 trên tuyến đường Đông Nam hoặc South Col, do Sir Edmund Hillary (người New Zealand) và Sherpa Tenzing Norgay tiên phong vào năm 1953.

Phí cấp phép cho mùa leo núi ít phổ biến hơn vào tháng 9-11 và mùa gần như không có người leo vào tháng 12-2 cũng sẽ tăng 36%, lên lần lượt 7.500 USD và 3.750 USD.

Một số nhà tổ chức đoàn thám hiểm cho biết mức tăng này, đã được thảo luận từ năm ngoái, có khả năng sẽ không làm nản lòng các nhà leo núi. Mỗi năm, Nepal cấp khoảng 300 giấy phép leo núi Everest.

“Chúng tôi đã dự đoán được việc tăng phí này” - ông Lukas Furtenbach, thuộc công ty tổ chức thám hiểm Furtenbach Adventures ở Áo - cho biết. Ông nói thêm rằng đây là một bước đi “có thể hiểu được” từ chính phủ Nepal. “Tôi tin rằng các khoản thu thêm sẽ được sử dụng để bảo vệ môi trường và cải thiện an toàn trên Everest” - ông Furtenbach khẳng định.

Mỗi năm có hàng trăm nhà leo núi cố gắng chinh phục đỉnh Everest và nhiều ngọn núi khác thuộc dãy Himalaya. Nepal thường bị các chuyên gia leo núi chỉ trích vì cho phép quá nhiều người leo núi Everest, trong khi không làm gì nhiều để giữ vệ sinh môi trường hoặc đảm bảo an toàn cho người leo núi.

Ông Regmi cho biết đã tổ chức các chiến dịch thu gom rác thải, cố định dây thừng và thực hiện các biện pháp an toàn khác thường xuyên.

Những người leo núi trở về từ Everest cho biết đỉnh núi ngày càng trở nên khô cằn và nhiều đá hơn, với lượng tuyết và mưa giảm. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể do biến đổi khí hậu hoặc các thay đổi môi trường khác.

Bạch Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI