Nepal ra luật, giải cứu phụ nữ khỏi bị kỳ thị trong 'ngày ấy'

27/08/2017 - 09:00

PNO - Nepal mới thông qua dự luật coi việc trục xuất phụ nữ “ngày có tháng” là có tội. Luật mới có hiệu lực từ năm 2018, nhưng các nhà phân tích dự báo thực thi luật này sẽ gặp nhiều thách thức.

Radhika Kami, 16 tuổi, sống cùng gia đình sáu người trong một ngôi nhà gạch trát bùn truyền thống ở một vùng quê ở huyện Kanchanpur.

Mỗi tháng 5 ngày, trong kỳ kinh nguyệt của mình, cô gái bị đuổi ra sống trong “lều Chhaupadi” - một căn nhà nhỏ không có cửa sổ, giống một một cái chuồng nhỏ xiêu vẹo, không có cửa sổ, kém vệ sinh và không thoáng gió – cô bị cấm đụng chạm vào người khác, gia súc, hoa quả và rau đang mọc ngoài vườn, thậm chí cả sách vở.

Gia đình Radhika tuân thủ Chhaupadi, một tập tục có tuổi đời hàng thế kỷ ở miền tây xa xôi của Nepal, theo đó phụ nữ bị coi là "ô uế" trong thời kỳ kinh nguyệt và bị “trục xuất” khỏi gia đình, họ phải sống trong các lều nhỏ trong suốt thời gian có tháng.

Nepal ra luat, giai cuu phu nu khoi bi ky thi trong 'ngay ay'
Sarswati Biswokarma, 13 tuổi, ngồi bên trong túp lều Chhaupadi ở làng Achham - Ảnh: AFP/Getty Images

"Tôi cảm thấy kinh hãi mỗi tháng khi phải ra lều ngủ riêng, nhưng không thể làm gì khác”, Radhika nói.

Cô thậm chí không được phép sử dụng nhà vệ sinh gia đình trong thời gian kinh nguyệt, thay vào đó phải đi đến một con sông gần đó.

Nhưng nay Radhika hy vọng điều này sẽ không xảy ra nữa, vì ngày 9/8 vừa qua, Nghị viện Nepal đã thông qua một dự luật hình sự hóa việc “trục xuất” phụ nữ trong thời gian kinh nguyệt.

Khi luật bắt đầu có hiệu lực vào tháng 8/2018, bất cứ ai buộc người phụ nữ có tháng ra ở lều sẽ bị kết án đến 3 tháng tù hoặc phạt tiền tương đương 30 đô la Mỹ.

Những người ủng hộ lệnh cấm cho rằng việc thực thi luật trong thực tế không hề đơn giản. Nếu các cô gái như Radhika tiếp tục thực thi Chhaupadi, hoặc nếu họ bị những người lớn tuổi trong gia đình buộc phải thực hiện tập tục này, liệu họ có báo cáo với chính quyền?

Nepal ra luat, giai cuu phu nu khoi bi ky thi trong 'ngay ay'
Nhà hoạt động Pema Lakhi vận động một nhóm phụ nữ địa phương ở huyện Achham của Nepal - Ảnh: Dirk Gilson

Pema Lakhi, chuyên gia Trung tâm Chăm sóc sinh sản, một trong các nhà hoạt động vệ sinh kinh nguyệt hàng đầu Nepal, nói rằng mặc dù chính phủ Nepal coi đây là hành vi phạm tội, nhưng không có gì đảm bảo người ta sẽ chấm dứt nó.

Nhiều năm qua, các nhà hoạt động đã gây áp lực để các nghị sĩ thông qua luật trừng phạt những kẻ buộc phụ nữ thực hiện Chhaupadi, một nghi lễ bắt nguồn từ các điều cấm kỵ trong Ấn giáo về kinh nguyệt.

Nhưng các nhà vận động cho rằng cần phải có thêm nhiều chương trình nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi và quan điểm, vì họ không tin chỉ có luật pháp mới giải quyết được vấn đề.

Bản thân chuyên gia Lakhi cũng lo ngại việc hình sự hóa sẽ làm cho mọi người không nói về vấn đề này nữa, và có thể phản tác dụng đối với công việc của cô và các nhà hoạt động khác.

Thông qua trò chuyện với phụ nữ và các cô gái thực hành truyền thống này, Lakhi và các đồng nghiệp của cô biết được nhiều người làm điều đó vì họ muốn làm. Cô nói: "Trong nhiều trường hợp, tập tục được truyền qua nhiều thế hệ và không cần thiết phải bắt buộc thực thi”.

Nepal ra luat, giai cuu phu nu khoi bi ky thi trong 'ngay ay'
Theo nghi thức Chhaupadi, phụ nữ đang có kinh nguyệt không được phép đụng vào các vật đang phát triển như trái cây và rau trong vườn - Ảnh: AFP/Getty Images

Amar Sunar, một nhà hoạt động quyền con người ở huyện Dailekh miền tây Nepal, "rất vui mừng" rằng đạo luật sẽ trừng phạt những kẻ cưỡng bức người khác tuân theo Chhaupadi.

Hồi tháng 7, Sunar cố gắng báo cảnh sát về cái chết của cô gái Tulasi Shahi, 19 tuổi, cô bị rắn cắn chết khi thực thi nghi thức Chhaupadi ở lều. Sunar đâm đơn kiện cha mẹ của cô gái, nhưng cảnh sát từ chối chấp nhận hồ sơ vì lúc đó không có luật cấm điều này.

Tuy nhiên, Sunar cũng cho biết ông không lạc quan về sự thay đổi ngay lập tức ở các làng quê.

"Người ta có thể phá hủy các căn lều, rồi sau đó bắt các cô gái phải lánh ra các góc tối vắng vẻ trong nhà suốt thời gian họ có tháng. Nhà chức trách sẽ không thể giám sát được điều này, cũng như luật pháp không thay đổi được thái độ của người dân”, Sunar nói.

Đáng chú ý, một số cư dân ở các vùng nông thôn không hài lòng với quyết định này, đặc biệt là những người tin rằng vi phạm Chhaupadi sẽ chọc giận thánh thần và có thể mang đến điều xui xẻo cho gia đình của họ.

Cẩm Hà (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI