PNO - Tiến sĩ Lý Quí Trung thấu hiểu sâu sắc giá trị truyền thống gia đình từ những ngày thơ ấu, khi mỗi bữa ăn gia đình là nơi ươm mầm cho giá trị sống trở thành kim chỉ nam suốt cuộc đời. Ông chia sẻ rằng cách dạy con tốt nhất chính là sống làm gương - không phải chỉ để con cái trở thành doanh nhân hay người có sự nghiệp thành đạt mà để góp phần xây dựng xã hội bằng lòng yêu thương.
Ở Viện Doanh nhân đương đại LQT, Viện trưởng - tiến sĩ Lý Quí Trung thường kể với sinh viên về câu nói của mẹ ông thời bao cấp, lúc đất nước còn khó khăn: “Tụi con đừng lo, trước sau rồi gia đình mình cũng sẽ khá giả thôi”. Sự mạnh mẽ trong câu nói đó đã mang lại động lực cho cả gia đình lúc kinh tế khó khăn và sau này là động lực để ông trải nghiệm kinh doanh từ khi còn nhỏ.
Tiến sĩ Lý Quí Trung
Đó là những ngày Lý Quí Trung theo mẹ làm việc tại nhà hàng Thanh Niên - nơi mẹ ông làm chủ. Các anh em ông chia nhau công việc bán kem và phụ việc. Chứng kiến mẹ sát cánh cùng tập thể nhân viên nhà hàng, ông tin quyết tâm làm giàu của mẹ sẽ thành hiện thực: “Tôi cho rằng mẹ tôi rất thú vị ở khía cạnh của một con người và ở khía cạnh của một doanh nhân. Nghị lực của bà, cách bà khéo léo gắn kết con người với nhau bền chặt có ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy kinh doanh của tôi sau này. Và tôi cũng thấy hình ảnh của bà trong rất nhiều nữ doanh nhân Việt khác.”
Nhờ làm quen với công việc bán hàng từ rất sớm, ông đã tìm ra công thức thành công trong ngành ẩm thực cho riêng mình: thu hút khách hàng bằng trải nghiệm truyền thống đi đôi với hiện đại. “Kinh doanh ẩm thực đã trở thành chiếc nôi truyền thống của gia đình tôi, từ thời tôi theo mẹ đi làm lúc tuổi ô mai. Chúng tôi đã phát triển lĩnh vực này đến nhiều thương hiệu ẩm thực, trong đó có Phở 24. Chúng tôi luôn trung thành với công thức hiện đại, cao cấp và truyền thống của Việt Nam như thương hiệu riêng của gia đình. Truyền thống có thể làm nên thành công bền vững một cách kỳ diệu mà chỉ những ai kiên trì giữ gìn mới thực sự hiểu” - ông nói.
Theo Tiến sĩ Lý Quí Trung, sự gắn bó và những tiếng cười của các thành viên trong gia đình là quan trọng nhất.
Qua tấm gương của mẹ, ông thấu hiểu rằng những giá trị truyền thống đến từ gia đình, từ những bài học nhỏ cha mẹ truyền cho con cái và là nền tảng giúp con người vượt qua mọi thử thách. “Mẹ tôi thường nhắc rằng tình cảm gia đình là trên hết, không có mâu thuẫn nào lớn hơn gia đình. Vì vậy, anh em dâu rể dù hùn hạp làm ăn nhưng tình cảm luôn được đặt trên hết" - ông kể. Cả khi lợi nhuận có thể giảm, một cơ hội kinh doanh có thể mất nhưng sự gắn bó và tiếng cười trong bữa cơm 3 thế hệ là điều không bao giờ được đánh mất. Nhờ giá trị đó, mọi thành viên trong gia đình ông đều hiểu rằng sự hòa thuận, đoàn kết mới là gia tài vô giá. “Quyết định cuối cùng luôn là của cả đại gia đình. Nếu đại gia đình không ủng hộ thì tôi sẽ không tiếp tục, dù ý tưởng có hay đến đâu. Các thành viên khác trong gia đình cũng vậy” - ông chia sẻ.
Trong gia đình ông, sự gắn kết được vun đắp một cách tự nhiên qua những bữa cơm, những lần cả nhà quây quần bên nhau. Dù bận rộn thế nào, mẹ ông luôn dành thời gian để cùng ăn với con cái. Mãi đến tận sau này, khi mẹ ông không còn khỏe như trước, 3 thế hệ trong gia đình vẫn giữ thói quen cùng nhau ăn sáng vào ngày Chủ nhật.
Tiến sĩ Lý Quí Trung bên mẹ của mình
Khi còn trẻ, Lý Quí Trung từng không hiểu cách mẹ ông thưởng cho nhân viên bằng những món quà riêng tư. Cô nhân viên từng phụ bếp ở nhà hàng Thanh Niên kể rằng cô Ba (tên gọi thân thương của mẹ ông) từng trải sẵn vài món nữ trang bằng vàng trong phòng làm việc và cho nhân viên chọn. Cách trao quà thật riêng tư nhưng là kỷ niệm đáng nhớ nên nữ nhân viên này vẫn giữ mãi món nữ trang đó trong ký ức qua bao năm tháng, dù nay đã trở thành đầu bếp được săn đón.
Lý Quí Trung từng cho rằng cách khen thưởng quá riêng tư này không mang lại sự minh bạch trong tổ chức. Theo thời gian, ông trưởng thành hơn và nhận ra rằng đối nhân xử thế cũng nên nương theo môi trường văn hóa từng nơi. Trong trường hợp trên, khen thưởng đầy tình cảm lại là cách gắn kết nhân viên với người lãnh đạo. Sự kiên trì gìn giữ một không khí thân thiện khi đối nhân xử thế của mẹ đã trở thành bài học đầu đời và ông đã áp dụng thành công khi kinh doanh tại phương xa. Tiến sĩ kể chuyện mở nhà hàng ở Úc: “Đôi khi phải thua khách hàng, đôi khi phải nhường nhân viên. Đối với những khách hàng khó tính, tôi chỉ cho nhân viên lắng nghe họ bằng tình cảm để họ trở thành những người bạn của nhà hàng. Đối với nhân viên, tôi phải linh động sắp xếp công việc và lương thưởng để họ đi làm trong tâm thế thoải mái. Đôi khi tôi cũng mời nhân viên về nhà vào cuối tuần đối đãi như người trong gia đình hoặc rủ họ đi dã ngoại cùng vợ chồng tôi. Cách quản lý như gia đình có thể đem lại những điều chưa hoàn toàn hoàn hảo nhưng vì nhân viên cảm nhận được giá trị của mình trong tổ chức nên họ sẽ gắn bó và cống hiến hết mình ngay lúc mình cần họ nhất.”
Dù bận với công việc kinh doanh, nhưng ông luôn coi trọng việc giáo dục con cái trở thành người có ích cho xã hội
Có con, ông cũng giữ thói quen này và cố gắng làm tấm gương trân trọng lao động và coi trọng tình cảm gia đình để con noi theo. Ông quyết định sang Úc vì muốn con trải nghiệm cuộc sống ở môi trường mới, đòi hỏi sự tự lập cao hơn. Đã từng có nhiều buổi sáng lạnh cóng, ông chở con gái đi làm thêm từ lúc 5g sáng, trong lòng nghĩ: "Ba có thể mua một nhà hàng cho con làm chủ nhưng ba vẫn tôn trọng quyết định của con - đi làm thêm khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hôm nay, con phải rửa chén làm thuê, bắt đầu từ vị trí thấp cổ bé miệng ngoài xã hội nhưng sau này con sẽ là một nhà quản lý tự tin nhờ kinh nghiệm có từ rất sớm". Con trai, con gái ông đều đi làm thêm bên ngoài từ cấp ba. Dù đã hội nhập với môi trường mới và có quyền tự quyết định cho bản thân nhưng các con ông vẫn phải giữ nếp nhà bởi vì gia đình ông tin rằng một người thành đạt không chỉ là người kinh doanh giỏi mà còn phải giữ được truyền thống của người Việt gắn bó với nhau. Tiến sĩ tin rằng đây là giá trị giúp doanh nhân Việt vượt trội trong bối cảnh doanh nhân toàn cầu cạnh tranh với nhau ngày càng mạnh mẽ.
Luôn có thể bắt đầu hành trình mới
Đối với tiến sĩ, nền tảng gia đình không chỉ là nơi ông bắt đầu mà còn là nơi ông hướng về mỗi khi cần tìm lại cảm hứng, tiếp tục hành trình kinh doanh. Cha ông là nhà báo bận rộn nhưng luôn tranh thủ những lúc chơi tennis, bowling để trò chuyện với con về việc học, về những suy nghĩ sâu kín. Trong những lần như thế, có câu chuyện cha kể khiến ông nhớ mãi. Đó là câu chuyện về ông cò Thơm trong xóm. Người ta gọi ông là cò vì ông làm cảnh sát trước giải phóng, sau đó bỏ việc để đi học luật và trở thành thẩm phán lúc tuổi đã cao. Cha ông thường kể về ông cò với sự nể phục. Câu chuyện đã thấm vào tiến sĩ, trở thành một đúc kết rằng không có thất bại nào tồn tại mãi vì vẫn có thời gian ở phía trước để bắt đầu hành trình mới.
Nhờ câu chuyện về ông cò mà việc thi rớt đại học chỉ như một động lực thúc đẩy Lý Quí Trung tự ôn thi để sau đó học tiếp thạc sĩ rồi trở thành tiến sĩ. Thời gian hay nghề gì cũng không quan trọng bằng mục tiêu cuối cùng. Trong thời gian đó, ông không ngần ngại làm nhân viên phục vụ bàn, trực tổng đài và lễ tân khách sạn để bồi đắp kinh nghiệm thực tế. Câu chuyện về ông cò cũng mang lại nghị lực để tiến sĩ vượt qua mọi khó khăn sau này.
Cha ông thường dặn con: “Mình phải xây dựng uy tín cho bản thân giống như việc đóng một chiếc đinh vào miếng gỗ dày”. Chàng trai gần 20 lúc đó chưa hiểu mình phải xây dựng uy tín bằng cách nào nhưng luôn nhớ lời cha. Mỗi ngày, những buổi trò chuyện rất tự nhiên đã đem lại đam mê cho ông tìm tòi khám phá kiến thức xung quanh cuộc sống và đã trở thành những nghiên cứu, tác phẩm sách báo và kiến thức để ông chia sẻ trên bục giảng cho nhiều thế hệ học trò. Ông dần hiểu ra tầm nhìn của cha. Tuy cách nói xưa - “uy tín” khác với tên gọi ngày nay - “xây dựng thương hiệu” nhưng rất nhiều năm trước, cha ông đã nhìn ra giá trị này. Mỗi ngày, dù là trả lời phỏng vấn, soạn giáo án hay phát triển giáo dục đại học, ông đều chú trọng cắm chiếc đinh uy tín nằm chắc sâu vào thân gỗ và để những giá trị mình bồi đắp lan tỏa ra xã hội.
Tiến sĩ Lý Quí Trung sinh năm 1966, là doanh nhân, diễn giả và là thành viên sáng lập Tập đoàn Nam An Group chuyên kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực cao cấp, trong đó có chuỗi cửa hàng Phở 24 với hơn 70 cửa hàng trong và ngoài nước. Các thương hiệu ẩm thực nổi bật khác bao gồm Nhà hàng Nam An, Nhà hàng Tân Nam, Nhà hàng An, Nhà hàng An Viên, chuỗi café Gloria Jean's Coffees, chuỗi tiệm bánh Breadtalk… Hiện ông là Chủ tịch Viện Doanh nhân Đương đại LQT, đồng thời là giáo sư kiêm nhiệm của Đại học Western Sydney (Australia). Ông cũng là tác giả của 9 đầu sách: Khác biệt để thành công, Bầu trời không chỉ có màu xanh, Startup trong thời kỳ bình thường mới, Chỉ có niềm đam mê …
Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình
Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.
Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.
Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.
Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).
Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.
- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.
Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.
Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).
Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.