Chợ nhỏ mà thứ gì cũng có
Chợ này do Hội quán Các bà mẹ thành lập, chỉ họp mỗi tuần 1 phiên vào sáng Chủ nhật nhưng ai nấy háo hức xách túi, mặc đồ lịch sự đến dập dìu.
Chợ có 1 sạp rau trải dài, với đủ loại rau cỏ nhà quê. Cạnh đó là quầy thực phẩm nhà làm gồm chả cá, thịt xay, bánh bò, bánh rau mơ, bánh nậm, bánh lọc, bánh ram, bánh ít, bánh ướt, đủ kiểu Bắc, Trung, Nam. Chợ còn có 1 quầy bán cà phê, 1 quầy bán các loại chè, đậu hũ, sương sáo, sương sâm…
Quầy bán thức ăn mặn thì thay đổi hằng tuần, khi mì Quảng, khi bún bò, bánh canh cá lóc, lúc kiểu Huế, lúc rặt miền Tây. Chợ cũng bán áo dài, guốc mộc, sách vở, nong, nia, rổ, rá đan bằng tre, trúc, bàng, cói… Chợ có góc cho trẻ con vẽ tranh, tô tượng, học làm bánh, nắn tò he, tết lá dừa.
Vừa lựa nắm vòi voi, mía lau, mã đề bỏ vô cái rổ, chị Thủy Anh - nhân viên văn phòng - nói: “Mua mớ này về nấu nước mát cho cả nhà. Tôi làm ở đường Hàm Nghi, quận 1. Nghe nói về chợ này mấy năm rồi nhưng tuần trước mới đi thử. Chợ nhỏ mà cái gì cũng có. Bữa tôi mua cặp bưởi lão về thắp hương ông bà, hôm qua xẻ ra ngọt thanh, má tôi khen quá chừng. Con gái tôi đang mê lớp dạy tết lá dừa đằng kia”.
|
Nhiều ông bố, bà mẹ đưa con đến chợ quê để con được học, chơi các trò chơi dân gian |
Chị Thanh Hà - nhà ở quận 7 - cười bẽn lẽn: “Nay thèm ăn bánh rau mơ nước cốt dừa nên phải chạy qua đây mua về ăn để đỡ nhớ quê Bình Đại”. Chị kể, tuần nào cũng đi chợ này vì vui, mua bó rau thì được tặng kèm hành ngò hoặc trái thị, vài nhánh lá sung, đinh lăng về pha uống.
Chợ quê này được lập hơn 10 năm trước. Ban đầu, chợ chỉ là cái ô nhỏ để “giải cứu” nông sản cho bà con ở thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, là quê nhà của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ. Nhưng càng làm, chị Thúy và các chị em trong hội quán đều thấy nếu chỉ vậy thì tiếc quá.
Bà Hồ Đắc Thiếu Anh - nhà thơ, nghệ nhân ẩm thực - nói: “Một số chị em muốn có rau sạch, còn cô Thúy thì mong có cái chợ bán đủ sản vật Bắc, Trung, Nam để ai nhớ quê, nhớ quà quê, vị quê thì tìm đến. Vậy là chợ quê giữa phố ra đời, cơ ngơi được mở rộng hơn. Ở đây, mỗi tuần, các chị em không chỉ họp chợ, bán buôn mà còn chuyển tải những giá trị văn hóa tinh thần của người Việt qua từng tấm bánh, trò chơi, quyển sách. Mà món nào cũng đúng kiểu, đúng vị món đó”.
Điều thú vị là khách đến chợ giữa Sài Gòn hoa lệ mà ngỡ như được về quê, ngồi trên ghế tre, sạp tầm vông mà nhâm nhi những món ăn dân dã mang hương vị vùng miền như bánh chuối chiên, bánh tiêu kẹp xôi lá cẩm, cà ri gà khoai mì, bánh bò đường thốt nốt, bánh xèo mắm nêm, gỏi cuốn… hay mua được các rau sạch từ Phú Yên, Bến Tre, trái bồ quân từ Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), ổi sẻ Hoài Ân (tỉnh Bình Định). Tất cả hàng hóa bày bán trên lá chuối để giữ hương vị và đảm bảo vệ sinh.
|
Góc chợ quê giữa phố |
Chợ không chỉ là nơi bán hàng
Mới tới chợ lần đầu tiên vào tháng 9/2024, chị Thi Thơ - chủ thương hiệu Tâm Trà Hoa - tỏ ra thích thú: “Chợ không chỉ là nơi bán hàng mà còn là nơi giới thiệu sản phẩm cho các trang trại, hỗ trợ đầu ra cho những làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - người khai sinh chợ quê này - tâm sự: “Tôi yêu cái dân dã, bình dị, ồn ã mà tự nhiên, thân thiện của những khu chợ ở quê. Lúc làm luận văn tốt nghiệp đại học, tôi đã chọn đề tài “Xu hướng mua sắm ở siêu thị của giới trẻ”. Năm 2010, khi cùng chị Lê Quế Phương gầy dựng Hội quán Các bà mẹ, tụi tôi từng bước định hình và tổ chức chợ quê để neo giữ ký ức, đầu tiên là cho con em các thành viên hội quán, sau đó đến nhiều người dân.
Ở mỗi phiên chợ, chị em trong hội quán vừa phải chia mua rau củ, thịt cá, nguyên vật liệu, đặt nghệ nhân hoặc tự làm các món dân dã, bỏ công sức, thời gian phục vụ.
Chị Thanh Thúy cười: “Không lời nhiều đâu, nhưng đủ để tụi mình phụ giúp mấy chục bạn nhỏ mồ côi hoặc gia cảnh khó khăn, tạo việc làm bán thời gian cho hơn 10 sinh viên và một số người lao động xa quê. Giữ những cây trái bản địa theo mùa và học hỏi nhau trong buổi họp chợ là mục đích ban đầu của hội quán khi thành lập chợ”.
Một sáng Chủ nhật, tôi ngồi nơi góc chợ, dưới bóng cây đa cổ thụ um tùm xòe lá, nghe nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh, dược sĩ Đinh Thị Kim Chi, chị Nguyễn Y Linh, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc… cùng hòa giọng, hát tình ca theo tiếng đàn guitar bổng trầm, dìu dặt của nhạc sĩ Trần Văn Quang, chợt thấy thương góc nhỏ nơi thành phố này đến lạ.
Thương và thầm cảm ơn những người đàn bà níu giữ hồn quê, chất quê giữa lòng phố thị. Thương rồi cầu mong chợ nhỏ còn mãi nơi này, để ấp iu, chia sẻ và đỡ nâng cho nông sản Việt. Ít nhất cũng giữ một nơi mà tà áo dài Việt thân thương dìu dặt tung bay trong gió mỗi sáng cuối tuần.
Nguyễn Thụy Diễm Chi
| Chợ quê giữa phố là chốn quen thuộc của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh, nghệ sĩ Cao Minh Hiền… |
“Chợ quê giữa phố” đã trở thành một điểm hẹn cuối tuần của chị em những ai yêu áo dài, nhớ món ăn ký ức. Đến đây, bạn sẽ được thoải mái chọn lựa, mặc thử áo dài đủ màu, đủ kiểu dáng may sẵn, nếu thử áo không vừa thì hội quán đã có sẵn gian phòng trưng bày sản phẩm, tha hồ để chọn lựa và đặt may. Điều làm tôi tâm đắc nhất là mỗi sáng cuối tuần, khi rao họp chợ trên Facebook, ngoài giới thiệu các món hàng mới, ban quản lý chợ luôn đính kèm lời dặn dò thân tình: “Khách đến chợ quê giữa phố vui lòng mang theo giỏ, túi đựng thực phẩm để góp phần hạn chế dùng túi ni lông, hộp nhựa”. Nhà thơ, nghệ nhân ẩm thực HỒ ĐẮC THIẾU ANH |
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. | |
Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html. |