Nên tiếp sức cho giáo dục “mở”

18/09/2023 - 06:26

PNO - Chương trình mới luôn đặt ra những thách thức mới. Nhưng, thay vì ngồi băn khoăn liệu có cần 1 bộ SGK của Nhà nước hay không, chi bằng những người trong cuộc hãy nỗ lực khắc phục những điều còn hạn chế khi thực hiện.

Theo sát con từ năm con học lớp Một - năm đầu tiên thay sách giáo khoa (SGK) với sự cố có nhiều “sạn” - đến nay, khi con đã lên lớp Bốn, chị Phi Loan (quận Phú Nhuận, TPHCM) hài lòng vì con được học những nội dung mới và hình ảnh đẹp từ bộ SGK xã hội hóa. Chị đánh giá, phương pháp dạy tiếng Việt mới sẽ giúp bọn trẻ không còn bị sai lỗi chính tả như cách dạy trước đây.

Ở nghị trường Quốc hội, trước khi vào năm học mới - năm thứ tư thay SGK - lại có ý kiến rằng Bộ GD-ĐT cần phải biên soạn 1 bộ SGK bởi lo rằng nội dung SGK xã hội hóa có thể chưa chuẩn, giá sách “leo thang” hằng năm.

Tiếp cận với giáo dục thế giới, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có sự chuyển biến mạnh mẽ từ giáo dục “đóng” (1 bộ SGK do cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát) sang giáo dục “mở” (một chương trình, nhiều bộ SGK). Việc có nhiều bộ SGK cho phép các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực, trí tuệ tham gia biên soạn và học sinh các vùng miền được tiếp cận đa dạng tri thức, phương pháp.

Với chương trình cũ, giáo viên là người truyền thụ, kiểm tra, đánh giá kiến thức. Với chương trình mới, giáo viên là người tổ chức, định hướng, hỗ trợ học sinh. Vai trò thay đổi đòi hỏi giáo viên phải thay đổi, sáng tạo hơn, khơi gợi cảm hứng, khả năng tư duy của người học. 

Cho đến nay, chương trình mới và SGK vẫn còn gây những khó khăn cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Chẳng hạn như một số trường chọn sách thuộc 3 bộ khác nhau, nhiều cuốn khó kiếm do nhà sách không trữ hàng; chương trình mới đòi hỏi tiếp cận năng lực người học, nhưng lớp còn đông, giáo viên bị quá tải; nhiều môn được xem như linh hồn của đổi mới như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật lại thiếu giáo viên; việc dạy học tích hợp còn nhiều vướng mắc… 

Nhưng cần khẳng định rằng, việc có nhiều bộ SGK là phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục. Điều cốt lõi là năng lực quản lý, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để triển khai thành công chương trình. Do đó, cần tiếp tục khắc phục những cái chưa được để tạo niềm tin cho xã hội. 
Đội ngũ giáo viên phải có khả năng lựa chọn và sử dụng nhiều nguồn học liệu trong giảng dạy. Nhà trường phải đáp ứng trang thiết bị và có số lượng giáo viên phù hợp với chương trình mới. Giáo viên phải được tập huấn đầy đủ để đổi mới trong dạy học. Khi đưa ra danh mục sách mà học sinh cần dùng trong năm học, nhà trường cần nói rõ đâu là sách bắt buộc, đâu là sách tham khảo. Những sách bổ trợ, tham khảo có thể tải lên mạng để tránh lãng phí, đỡ tiền mua SGK cho học sinh.

Chương trình mới luôn đặt ra những thách thức mới. Nhưng, thay vì ngồi băn khoăn liệu có cần 1 bộ SGK của Nhà nước hay không, chi bằng những người trong cuộc hãy nỗ lực khắc phục những điều còn hạn chế khi thực hiện. 

Theo đó, thầy cô tích cực đổi mới, nhà trường minh bạch và vì học sinh trong việc chọn SGK, cơ quan quản lý giáo dục tăng cường kiểm soát chất lượng, chính quyền địa phương tạo điều kiện về trường lớp, trang thiết bị, phụ huynh và học sinh cùng cố gắng… Sự hợp lực của những người liên quan chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển biến thực sự khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI