Nên thận trọng khi răn đe học trò “nổi loạn”

03/02/2024 - 10:55

PNO - Dù ở góc nhìn nào thì việc dạy dỗ trẻ con muốn có kết quả tốt cần sự chung tay nhịp nhàng của phụ huynh, nhà trường và cộng đồng xã hội.

Xử lý học trò “không ngoan”, “chưa ngoan” luôn là vấn đề “tâm tư” của nhiều giáo viên và cha mẹ.

Sáng qua, bạn tôi kể, con anh ấy đang học lớp Tám tại một trường thuộc quận nội thành TPHCM. Cháu cãi nhau với bạn trong giờ học, đòi đánh bạn thì bị cô giáo bắt quả tang. Thay vì lắng nghe, giải thích cho học sinh mình hiểu đúng - sai và mời phụ huynh của cháu lên để cùng phối hợp uốn nắn là vừa đủ, cô giáo chọn thêm cách: bắt học trò mình phải viết bản kiểm điểm, rồi gọi cho phụ huynh yêu cầu ký tên vào. 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM) bán nước giải khát trong giờ ra chơi - ẢNH: T.T.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM) bán nước giải khát trong giờ ra chơi - ẢNH: T.T.

Hết sức bất ngờ về cách xử lý của cô giáo, phụ huynh bày tỏ quan điểm không đồng tình, để rồi sau đó có một đêm trăn trở, thức trắng. Còn cậu học trò “quậy” thì bị sang chấn tâm lý, gia đình phải đưa đi khám bác sĩ và nhờ chuyên gia tư vấn hỗ trợ.

Nghe câu chuyện, tôi có nhiều suy nghĩ. Trước hết là rất chia sẻ với thầy cô về áp lực của nghề giáo, đặc biệt là những giáo viên cấp II, trước những học trò đang lứa tuổi dậy thì. Nhưng với một học sinh tâm sinh lý đang phát triển, tính cách có dấu hiệu “nổi loạn” và thuộc dạng cá biệt thì việc bắt cháu viết bản kiểm điểm liệu có đạt được mục đích dạy dỗ không hay chỉ tăng thêm thành kiến cho cả giáo viên, học trò và phụ huynh? 

Ở góc nhìn lý trí, việc bắt học sinh viết bản kiểm điểm rồi buộc phụ huynh cùng ký tên đồng nghĩa với việc quy kết học sinh đó phải chịu hoàn toàn lỗi do mình gây ra và ngầm ý chối bỏ trách nhiệm của nhà trường, giáo viên. Phương pháp có vẻ quá tay này chắc gì đã đúng quy trình trách phạt?

Điều 22 Luật Giáo dục 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong trường học, gồm: xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; xuyên tạc nội dung giáo dục; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật. 

Theo khoản 2, điều 38 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020, có 3 hình thức kỷ luật dành cho học sinh, gồm: nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm. Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Mặc dù thông tư nói trên đã nêu 3 hình thức xử lý học sinh vi phạm (không có chế tài viết bản kiểm điểm) nhưng tôi cho rằng chế tài hiệu quả nhất đối với học sinh “nổi loạn” là: lắng nghe và cần thấu hiểu, răn đe nhưng có vỗ về, giải thích kèm khích lệ, công bằng với lời phê… 

Dù ở góc nhìn nào thì việc dạy dỗ trẻ con muốn có kết quả tốt cần sự chung tay nhịp nhàng của phụ huynh, nhà trường và cộng đồng xã hội.

Luật sư Trần Hoài Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI