Theo thống kê của Digital Marketing 2019, Việt Nam có 64 triệu người dùng internet trên tổng số 97 triệu dân. Trong đó, người Việt dành 2 giờ 32 phút cho mạng xã hội, 2 giờ 31 phút để xem video trực tuyến và 1 giờ 11 phút để nghe nhạc.
Tỷ lệ vàng này đã thu hút các nền tảng giải trí trực tuyến quốc tế đổ bộ vào Việt Nam, với xu thế hoàn toàn phù hợp với dòng dịch chuyển của chuyển đổi số tại các quốc gia trên thế giới.
Cuộc đua trên nền tảng mở
Theo nghiên cứu của Media Partners Asia (MPA), YouTube, Netflix và Amazon Prime Video hiện chiếm 54% thị phần và kiểm soát hơn một nửa thị trường video trực tuyến khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) với trị giá 11 tỷ USD. Các thị trường lớn trong khu vực APAC gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… và các nước Đông Nam Á.
|
HBO Go có mặt ở Việt Nam vào tháng 7/2019 |
Tháng 7/2019, dịch vụ truyền hình trực tuyến HBO Go cũng đã cập bến Việt Nam trên ứng dụng FPT Play. Thư viện này có hàng ngàn giờ phim với các nội dung độc quyền do HBO sản xuất tại Mỹ và châu Á, bom tấn Hollywood, phim ăn khách châu Á, các chương trình trẻ em yêu thích.
Đây chỉ là bước khởi động của HBO tại thị trường Việt Nam. Trên thế giới, để cạnh tranh với các nền tảng trực tuyến khác và những nền tảng mới như Disney Plus, HBO đã xây dựng HBO Max và tiến hành đồng bộ hóa để tăng tính trải nghiệm tại các quốc gia mà HBO có mặt. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Không chỉ thu hút sự chú ý của các nền tảng giải trí trực tuyến quốc tế, ngay tại Việt Nam, sự gia tăng lượng người dùng internet còn thu hút các nhà đầu tư. Film+, Danet chọn hướng tiếp cận từ phim ảnh, thi thoảng tham gia sản xuất một số dự án phát sóng trên nền tảng số, nhưng sự yếu thế về vốn và chưa đa dạng nội dung khiến hai nền tảng này không được đón nhận.
Bằng bài học thực tiễn trong suốt 11 năm là đối tác của YouTube tại Việt Nam, tháng 11 qua, POPS Worldwide chính thức giới thiệu ứng dụng giải trí POPS, cung cấp miễn phí kho nội dung bản quyền chất lượng cao với sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất, ê-kíp làm phim cùng các nghệ sĩ Việt.
|
Giao diện của ứng dụng giải trí POPS |
Người dùng hưởng lợi
Trong môi trường cạnh tranh, phải liên tục thích ứng với nhu cầu người xem, bài toán đặt ra cho các nền tảng giải trí trực tuyến là: nhanh nhất, thuận tiện nhất, hấp dẫn nhất. Bởi chỉ có nội dung mới lạ, hấp dẫn mới có thể thu hút người xem, đồng nghĩa gia tăng chi phí quảng cáo rót.
Đó chính là lý do, một mặt các nền tảng này không ngừng “vung” tiền đầu tư nội dung, lôi kéo nhà sản xuất, nhà làm phim, các ngôi sao về phía họ; mặt khác, mở rộng băng thông, tăng cường đầu tư trải nghiệm video tại nhà. Sự đa dạng này mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn với giá cả dịch vụ vô cùng cạnh tranh.
Tăng cường hợp tác với các nhà làm phim địa phương, tạo nội dung bản địa là một trong những cách tiếp cận thông minh mà các nền tảng giải trí trực tuyến như HBO, Netflix thực hiện tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù so với các nước Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan, tỷ lệ hợp tác này còn ở mức khá thấp. Ngoại trừ một số phim ngắn giới thiệu ẩm thực, thì lĩnh vực phim truyện trên HBO mới chỉ có Chàng dâng cá, nàng ăn hoa (đạo diễn Phan Đăng Di).
|
Chàng dâng cá, nàng ăn hoa trên HBO Go phải cắt một số cảnh nóng trước kkhi phát sóng |
Nguyên nhân của việc hợp tác ít ỏi này, một mặt đến từ sự hợp ý của hai bên, mặt còn lại xuất phát từ hệ thống kiểm duyệt ngặt nghèo của Việt Nam trên hệ thống trực tuyến (HBO Go không phát sóng Chàng dâng cá, nàng ăn hoa theo lịch và cũng không thông báo cho khán giả. Sau đó mới tiến hành cắt phim). Bù lại, người dùng Việt Nam sẽ được xem các phim do HBO hay Netflix sản xuất trên hệ thống trả tiền toàn cầu cùng ngày khởi chiếu với Mỹ bằng tiếng Việt.
Khác với các nền tảng giải trí trực tuyến tại Việt Nam, kho nội dung của POPS đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu giải trí mọi lứa tuổi… được xây dựng dựa trên bốn nhóm giá trị cốt lõi: giải trí, sáng tạo, phát triển cộng đồng và thuần Việt. Một số chương trình đáng chú ý sẽ lên sóng thời gian tới là series Phượng Khấu, Bánh bèo hữu dụng, Amazing Việt Nam, Dọc đường ẩm thực, Hỏi xiên đáp xẹo… Bên cạnh đó, POPS cũng chú ý tăng tính tương tác và kết nối khán giả qua các chương trình tuổi teen.
Thách thức ở khâu quản lý Thách thức lớn nhất các nền tảng giải trí trực tuyến là cái bóng của các nhà quản lý ở nước sở tại. Chính phủ luôn cố gắng đề ra quy định về OTT (Over the Top, thuật ngữ dùng để chỉ các giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng internet) nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa truyền hình truyền thống và truyền hình tính phí. Vivek Couto - CEO của MPA - cho rằng, việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể ức chế sự cạnh tranh công bằng. “Đồng thời, khi áp đặt tiêu chuẩn nội dung truyền hình cho các dịch vụ trực tuyến có thể phản tác dụng. Quy tắc về nội dung nước ngoài được phép có trong thư viện dịch vụ cũng sẽ hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng”. |
Lê Phan