Nên quy hoạch Thanh Đa thành ốc đảo du lịch sinh thái

16/11/2023 - 06:27

PNO - Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Khiêm - đại diện Viện Kiến trúc sư Mỹ tại Việt Nam - liên quan đến việc quy hoạch bán đảo Thanh Đa.

Phóng viên: Sắp tới, chính quyền TPHCM sẽ chọn nhà đầu tư mới và thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc bán đảo Thanh Đa. Theo ông, bản quy hoạch này nên theo hướng nào?

Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Khiêm: Thanh Đa là một bán đảo nằm ở ven sông Sài Gòn. Hiện nay, đây là khu vực hiếm hoi gần trung tâm thành phố mà vẫn giữ được nét hoang sơ gồm những ruộng lúa, ao, đầm, đối lập với những cao ốc, căn hộ, khu biệt thự phía bên kia sông Sài Gòn. Do đó, Thanh Đa nên được quy hoạch thành một khu đô thị tầng thấp, đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng. Cần giữ lại những khu dân cư hiện hữu ở Thanh Đa bên cạnh việc quy hoạch những khu vực mới phục vụ du lịch sinh thái. Tức là khi quy hoạch, cần ưu tiên cho người dân tái định cư tại chỗ, xen lẫn những mảng công viên cây xanh tự nhiên, nhà vườn, các khu biệt thự nghỉ dưỡng ven sông.

Thanh Đa là “quê trong phố” nên sẽ phù hợp để phát triển thành đô thị sinh thái - Ảnh: Thu Lê
Thanh Đa là “quê trong phố” nên sẽ phù hợp để phát triển thành đô thị sinh thái - Ảnh: Thu Lê

Khi quy hoạch Thanh Đa, cần tôn trọng các yếu tố tự nhiên như kênh, rạch, sông ngòi và các mảng cây xanh hiện hữu, cũng như nét văn hóa đặc trưng của cư dân ở đây để có định hướng quy hoạch phát triển phù hợp với văn hóa bản địa. Không nên xây dựng một đô thị mới hoàn toàn, xa lạ với người dân nơi đây.

* Bản quy hoạch Thanh Đa đã có từ cách đây khoảng 30 năm. Theo ông, cần những giải pháp gì để xóa quy hoạch “treo” ở đây?

- Cần tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến tình trạng “treo”. Tôi nghĩ, giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân chính. Tôi tin rằng, người dân ở Thanh Đa rất muốn khu vực này thay da đổi thịt, nhưng họ cũng đã ngán ngẩm khi phải sống trong cảnh quy hoạch “treo” suốt 30 năm. Do đó, việc tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân là hết sức quan trọng. Để người dân đồng thuận, bản quy hoạch mới cần phù hợp với bối cảnh xã hội và đặc thù văn hóa của vùng đất này, tức là nên giữ các khu dân cư hiện hữu để người dân sinh sống, bên cạnh các khu quy hoạch mới.

Một việc cần giải quyết nữa là thu hút tư nhân đầu tư vào dự án. Muốn vậy, chính quyền thành phố cần có cơ chế, chính sách phù hợp. UBND TPHCM có thể tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM để giải quyết các vướng mắc, trở lực trong quy hoạch và phát triển Thanh Đa.

* Khi quy hoạch Thanh Đa, cần lưu ý điều gì, thưa ông?

Theo tôi, thứ nhất, bán đảo Thanh Đa là vùng đất yếu, dễ ngập khi có triều cường. Thanh Đa như là cù lao nên địa chất vùng này khá yếu, không phù hợp để phát triển các công trình cao tầng bởi chi phí đầu tư cho phần móng cọc khá lớn. Đây cũng là điểm lo ngại cho các nhà đầu tư trước đây. Hiện nay, vùng này thường xuyên bị ngập do đô thị hóa khiến các mảng xanh và kênh rạch thoát nước bị thu hẹp.

Thứ hai, bán đảo Thanh Đa là một mảng xanh lớn hiếm hoi còn sót lại và nằm gần trung tâm thành phố nên rất phù hợp để phát triển các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hơn là bê tông hóa. Thanh Đa có 4 mặt giáp sông Sài Gòn nên rất phù hợp để phát triển thành một khu đô thị sông nước, thích nghi với biến đổi khí hậu. Cần biến Thanh Đa thành nơi đáng sống, góp phần thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới giống như các thành phố Amsterdam (Hà Lan), Venice (Ý)…

Thứ ba, cần chú ý đến vấn đề giao thông kết nối cho Thanh Đa. Hiện nay, chỉ có 1 cây cầu duy nhất kết nối Thanh Đa với bên ngoài. Phương tiện giao thông qua lại mỗi ngày không nhiều nên Thanh Đa có vẻ đẹp yên bình, không xô bồ nhưng về lâu dài, để khu vực này phát triển, cần kết nối giao thông. Nên nghĩ đến việc kết nối Thanh Đa với tuyến metro ở nút giao Văn Thánh bởi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khá hẹp, kẹt xe thường xuyên.

Ngoài ra, chúng ta có thể học cách quy hoạch của Singapore. Chiến lược quy hoạch Singapore vào năm 1972 là “biến vùng lõi đảo quốc thành một rừng nhiệt đới rậm rạp và nhiều hồ chứa nước để làm cho mọi khu đô thị đều rất gần thiên nhiên”. Nhờ vậy, mặc dù là một đô thị hiện đại nhưng Singapore vẫn giữ lại được rất nhiều mảng xanh và cảnh quan mặt nước rất đa dạng. Thanh Đa là cơ hội duy nhất còn sót lại để chính quyền TPHCM quy hoạch nên một đô thị sinh thái và sông nước, gợi nhớ lại cảnh “trên bến dưới thuyền” của người dân tứ xứ hội tụ về Sài Gòn giao thương. Đây sẽ là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước trong tương lai.
* Xin cảm ơn ông. 

Sơn Vinh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI