Nhân đọc bài: “Đề xuất môn bơi trở thành môn bắt buộc” trên báo Phụ nữ TPHCM ngày 9/5/2022, tôi kể lại chuyện học bơi của con tôi.
Thời khóa biểu của các con tôi khi ấy, môn thể dục mỗi tuần có 2 tiết, gần như mang tính hình thức. Nếu ở tiểu học tập trung mấy động tác, chạy ra, chạy vô, xếp hàng, nghi thức đội, bài tập thể dục giữa giờ… thì lên trung học cơ sở có các bài chạy, nhảy xa, nhảy cao… Và chương trình phổ thông trung học thêm mấy môn tự chọn nữa như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, nhịp điệu... Nói chung chỉ là học cho biết (cho có), không thể gọi là một môn rèn luyện thể lực được. Học xong bài nào quên ngay bài đó, rất thiếu điều kiện luyện tập, đa phần các em không hào hứng tập luyện.
Với nhiều em học sinh và cả phụ huynh, môn thể dục là một môn rất chán, mất thời gian và dễ bị khống chế điểm. Có nhiều em học khá, nhưng bị xếp loại trung bình cuối năm chỉ vì môn thể dục như chạy, nhảy xa, nhảy cao… không đạt, nhất là những em thể lực yếu!
Năm con tôi học lớp 6, không biết có phải chương trình cải cách hay không, mà tôi thấy thời khoá biểu của cháu có đến hai buổi sáng học thể dục (4 tiết), cũng quanh quẩn với các môn chạy, nhảy… Nói chung không hiệu quả.
Năm con tôi lên lớp 10, trường triển khai việc học bơi. Chương trình học kéo dài khoảng hai tháng, tức 8 tiết bơi vào giờ thể dục. Trường cho học sinh tự chọn, không phải là môn bắt buộc. Em nào đăng ký học thì viết đơn xin, có sự đồng ý của gia đình và đóng học phí để trường tổ chức lớp bơi tại Câu lạc bộ bơi lội, do giáo viên của câu lạc bộ đảm trách. Có hai kỳ kiểm tra giữa khóa và cuối khóa.
Lớp con tôi có 15 em đăng ký học bơi. Trong 15 em đó, có 12 em đã biết bơi (thuộc hạng giỏi), thậm chí có em từng là vận động viên bơi lội, đạt nhiều giải cao trong các kỳ Hội khỏe Phù Đổng.
Lý do các em đã biết bơi rồi mà còn đăng ký học là để kiếm điểm môn thể dục vốn là một môn khá… khổ sở ở cấp học phổ thông và cũng là một môn rất khó đạt điểm cao, đôi khi còn khống chế các danh hiệu. Số còn lại trong lớp không đăng ký học bơi, ngoài lý do như nhà xa, cha mẹ không có điều kiện đưa đón đến hồ bơi… Nguyên nhân nữa là do các em không tự tin, sợ cuối khóa không biết bơi, vừa tốn tiền lại thêm bị điểm thấp (đôi khi còn bị bố mẹ la nữa). Thậm chí, vì lý do đó mà nhiều em không hề thông báo cho cha mẹ biết nhà trường có tổ chức học bơi.
Như vậy, giờ thể dục được chia làm hai nhóm, em nào học bơi thì đến Câu lạc bộ, những em khác thì đến trường học môn thể dục theo chương trình.
Bởi đã biết bơi rồi, nên đa phần các em xuống nước chơi là chính. Thầy giáo không phân biệt em nào biết bơi, em nào chưa, tất cả đều bắt đầu bài tập đầu tiên. Với những em đã biết bơi thì những bài tập này… xoàng quá! Những em không biết bơi, có em ra sức tập, có em cũng hùa chơi với các bạn khác. Với trẻ con, chỉ cần một vũng nước là đủ các kiểu chơi đùa, huống chí cả một hồ bơi rộng lớn, chỉ cần thầy lơ là một chút là các em quậy tung toé!
Kết quả môn thể dục năm ấy, lớp con tôi 12 em biết bơi đều đạt điểm 9, 10. 3 em không biết bơi cuối cùng cũng đạt điểm 7. Con tôi kể, có hai bạn biết bơi sơ sơ, một bạn chưa bơi được, bạn ấy quyết tâm xin mẹ cho đi học thêm một khóa bơi bên ngoài để biết bơi.
Như vậy, có thể thấy, việc học bơi trong trường phổ thông của con tôi tuy có tổ chức nhưng chưa triệt để là môn học bắt buộc. Và, các em cũng rất… khôn khi đã biết bơi rồi vẫn chọn môn bơi để đạt điểm cao.
Tôi thấy, với môn bơi, cha mẹ tự thân vận động là chính vì sự an toàn cho con cái. Một mùa hè kết hợp kỳ nghỉ phép của cha mẹ cùng với quyết tâm thật cao là các em có thể biết bơi, hơn hẳn việc học bơi do trường tổ chức. Tức là, dù trường có tổ chức học bơi, điều kiện nếu muốn học thêm hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Tôi xin kể thêm về chuyện tôi cho con trai học bơi từ mùa hè năm lên lớp 5. Hồi đó, cháu nhát nước nên cháu học không hiệu quả, không biết bơi. Mùa hè năm sau, tôi cho cháu học lại khóa bơi, đồng thời tôi xin nghỉ phép 15 ngày chỉ để đến hồ bơi, đóng tiền suất bơi một tháng cho mình mục đích là bơi cùng con. Bởi xuống nước với cháu nên mỗi khi thấy cháu lơ là tập luyện là tôi buộc cháu phải bơi. Do mẹ kèm cặp gắt quá, nên chỉ một tuần cháu bơi được. Bây giờ thì bơi giỏi và đẹp nữa. Mỗi khi nhắc lại chuyện học bơi, cậu chàng nhìn mẹ với ánh mắt biết ơn.
Bạn tôi định cư ở Úc cho biết, bơi lội là môn bắt buộc ở cấp học tiểu học. Đây là môn rèn luyện kỹ năng và nếu học sinh nào không đạt môn này sẽ phải học mãi cho đến khi biết bơi. Nếu học sinh nào không học phải có giấy cam đoan của cha mẹ, hay nếu em nào bị bệnh không thể học bơi được phải có giấy xác nhận của bác sĩ… Học xong tiểu học đa phần các em đều biết bơi và bơi giỏi.
Việc học bơi không chỉ là trách nhiệm của nhà trường với vài buổi học trên lớp mà bơi được, phụ thuộc rất nhiều vào việc hỗ trợ của cha mẹ. Vì vậy, cần có quy định tất cả trẻ em Việt Nam phải biết bơi từ khi còn ngồi ở ghế tiểu học, để tăng thêm trách nhiệm của phụ huynh trong việc hỗ trợ trẻ học bơi.
Kim Duy