Nền nông nghiệp Malaysia ngày càng tụt hậu

15/12/2019 - 10:00

PNO - Nền nông nghiệp Malaysia đang tụt lại phía sau Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và các quốc gia khác ở châu Á về đổi mới công nghệ, phát triển chuỗi giá trị.

Việc bỏ bê lâu dài mảng nông nghiệp, tập trung vào nhóm cây trồng hẹp thay vì khuyến khích sự đa dạng cây trồng đã khiến Malaysia gặp phải những thách thức nghiêm trọng. Dù lĩnh vực này đóng góp 7,3% vào GDP quốc gia, nó đòi hỏi sử dụng 1,5 triệu công nhân, chiếm 10% lực lượng lao động.

Nen nong nghiep Malaysia ngay cang tut hau
Thiếu chính sách đầu tư hợp lý và cơn sốt dầu cọ trong nhiều thập niên khiến nền nông nghiệp Malaysia tụt hậu và dần kiệt quệ

Sự thống trị của nông nghiệp trong nền kinh tế tại Malaysia chấm dứt năm 1981 khi Thủ tướng đương nhiệm Mahathir Mohamad quyết định đẩy mạnh công nghiệp hóa. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp Malaysia thậm chí không đủ ngân sách để vận hành hệ thống điều hòa không khí trong giờ làm việc, còn khu vực đồn điền rơi vào tay các công ty liên kết với chính phủ (GLC) và các công ty bất động sản niêm yết giá công khai. 

Dầu cọ ế ẩm, đồn điền bỏ hoang

Sử dụng khoảng 5 triệu héc-ta đất canh tác, sản xuất dầu cọ đóng góp 40,2 tỷ RM (đơn vị tiền tệ của Malaysia) vào năm 2018. Lợi nhuận cao của dầu cọ trong những năm qua góp phần ngăn cản sự phát triển của các loại cây trồng thay thế. Tuy nhiên, sản lượng dầu cọ năm 2018 đã giảm khoảng 2,5% so với năm trước. Tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu giáng một đòn mạnh vào ngành này, kết luận rằng việc trồng dầu cọ gây ra nạn phá rừng và quyết định loại bỏ thành phần dầu cọ trong dầu diesel sinh học châu Âu vào năm 2030. Ngoài ra, có những lo ngại về các vấn đề sức khỏe khi tiêu thụ dầu cọ khiến thị trường thế giới trở nên e dè. Malaysia, Thái Lan và Indonesia đang cố gắng tiêu thụ nội địa nhiều hơn dưới dạng dầu diesel sinh học. Tuy nhiên, chi phí dầu cọ tương đối cao so với dầu diesel thông thường tại Malaysia.

Malaysia vẫn là nhà sản xuất cao su lớn thứ năm thế giới, đứng sau Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc. Sản xuất cao su gần như hoàn toàn nằm trong tay của 600.000 hộ sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, với giá cả giảm mạnh do nhu cầu từ Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng, các báo cáo cho rằng, hơn một nửa số đồn điền cao su của Malaysia đã bị bỏ hoang. Ngay cả khi Hiệp hội Cao su Malaysia quyết định cung cấp các khoản trợ giá, sản lượng cao su vẫn giảm gần 20% trong năm 2018.

Sản xuất manh mún

Trong lịch sử, sản xuất gạo tại Malaysia chỉ đáp ứng 60-70% nhu cầu tiêu thụ của cả nước. Khoảng 200.000 nông dân trồng lúa trên các mảnh đất có diện tích từ 1-5ha. Loại hình này thiếu tiêu chuẩn hóa, không có giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP). Thuốc trừ sâu thường không được đăng ký sử dụng, và nguy cơ để lại dư lượng hóa chất cao. Vì vậy, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc là vấn đề rất nan giải. 

Năng suất lúa của Malaysia ngang bằng với Thái Lan, nhưng họ lại đứng sau sản lượng của Philippines, Indonesia và Việt Nam. Nông dân gần như không sở hữu thiết bị cơ khí và phải thuê một loạt nhân công suốt quá trình sản xuất. Do luật Shariah về thừa kế, các mảnh đất tiếp tục bị chia nhỏ khiến việc trồng lúa trở nên khó khăn hơn. Tương lai duy nhất để canh tác lúa có lợi cho nông dân là phát triển hợp tác xã, chuyên quản lý các khu vực kinh tế có hiệu quả được tạo thành từ một nhóm các nông dân.

Nông dân Malaysia bị ám ảnh bởi suy nghĩ rằng nền tảng nông nghiệp địa phương và đất đai mà họ nắm giữ có cơ hội mùa màng hạn chế. Họ thường bị những kẻ lừa đảo dẫn dắt trồng chuối, sả, ớt, trầm hương… để rồi thất bại về mặt kỹ thuật hoặc không có người mua khi vụ mùa đã sẵn sàng. Những người trẻ cũng không muốn tiếp quản trang trại gia đình vì họ muốn tìm cơ hội tốt hơn. 

Tấn Vĩ (theo Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI