Nên nói sự thật về cha của con hay cứ chôn chặt trong lòng?

21/01/2025 - 08:00

PNO - Nếu cần thiết phải nói, chị chỉ nên nói những điều đơn giản nhất, cung cấp thông tin đủ cho trẻ yên tâm.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi là mẹ đơn thân. Tôi yêu một người có gia đình vì tin rằng anh ta không hạnh phúc và sẽ ly hôn để lấy tôi. Nhưng khi tôi có thai, anh ta khăng khăng yêu cầu tôi bỏ thai thì mới thực hiện lời hứa.

Vì con, tôi đành từ chối thực hiện điều anh ta muốn. Tôi sinh con một mình, còn anh ta thì thật sự chối bỏ mẹ con chúng tôi.

Từ khi có con, tôi bỗng thấy thương cho những đứa con của anh ta. Thế nên tôi quyết tâm dứt khoát với anh ta, một mình sinh con, một mình nuôi con. Tôi cũng đi khỏi quê để ba má tôi không bị người đời cười chê. Ba tôi không nhìn mặt tôi nữa, chỉ có má tôi vẫn thỉnh thoảng đến thăm con, thăm cháu.

Nay con tôi 10 tuổi, bắt đầu hỏi về ba nhiều hơn. Từ trước tới giờ, khi bé hỏi, tôi thường nói rằng ba bé đi công tác xa, ở nước ngoài, không về thăm bé được.

Để con vui, thỉnh thoảng tôi tự mua quà cho con, nói rằng đó là quà ba của con gửi về. Tôi xây dựng cho con hình ảnh người cha rất tốt, chu đáo, yêu thương và luôn nhớ con. Con tôi rất yêu người cha tưởng tượng đó. Tôi nghĩ rằng làm thế tốt cho sự phát triển tâm lý của con.

Bây giờ, con ngày càng hỏi nhiều hơn và hay nhìn theo những đứa bạn có ba tới đón vào giờ tan trường. Rồi con thắc mắc sao ba không về mà cũng không gọi điện cho con. Con muốn được nói chuyện với ba...

Tôi bắt đầu thấy khó tiếp tục nói dối con nhưng làm sao có thể nói thật? Khi biết được sự thật, chắc chắn con sẽ bị sốc. Tôi nghĩ tới chuyện nói dối rằng cha con bị tai nạn qua đời hay gì đó để con không hỏi về ba nữa. Tôi không biết con có thể tiếp nhận thông tin đau lòng như vậy không vì bé vốn nhạy cảm. Con tôi đã biết đến cái chết khi con mèo của bé bị xe cán. Khi ấy, bé đã khóc rất nhiều.

Tôi cảm thấy khổ sở và có lỗi với con, không biết làm sao để giúp con có một tuổi thơ bình thường như mọi đứa trẻ khác. Tôi có nên nói sự thật cho con nghe, như thế nào và vào lúc nào?

Mỹ Hạnh

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chị Mỹ Hạnh thân mến,

Có khá nhiều chuyên gia tâm lý khuyến khích các bà mẹ thành thật trong việc giải thích lý do con không có cha với trẻ. Việc thành thật sẽ giúp trẻ có lòng tin vào mẹ, hiểu rõ hoàn cảnh của mình, không cảm thấy hoang mang, xấu hổ, không tự đổ lỗi cho bản thân. Tuy nhiên, nói như thế nào, vào lúc nào thì cần xét đến độ tuổi, sự hiểu biết của trẻ và cách thức truyền đạt với trẻ.

Không thể nói quá sớm, khi bé chưa đủ sức hiểu các vấn đề của người lớn nhưng cũng không nên giấu đến tận khi con trưởng thành vì như thế sẽ khiến trẻ cảm thấy bị lừa dối, coi thường, tổn thương nếu những sự thật đó vô cùng cay đắng.

Việc xây dựng cho con hình ảnh một người cha tốt đẹp, thương yêu con là suy nghĩ tích cực và trong một giai đoạn nhất định, đó là điều mà chị thấy cần thiết để con của mình có được những niềm vui bình thường, đơn giản như bao trẻ khác.

Thế nhưng, dù sao đi nữa, đó là một hình ảnh không có thực. Con người lớn lên, trưởng thành và sống với hiện thực chứ không phải với những câu chuyện cổ tích. Cho nên điều chị đang băn khoăn, lo nghĩ về việc nói sự thật cho con như thế nào và khi nào là hoàn toàn hợp lý.

Vì không có những quan sát và hiểu biết trực tiếp con trai chị nên rất khó để Hạnh Dung cho chị lời tư vấn chính xác: nói hay không nói với trẻ vào lúc này.

Chỉ có thể lưu ý rằng đây là giai đoạn tiền dậy thì của trẻ - một giai đoạn khá phức tạp, trẻ cần được quan tâm chăm sóc đặc biệt. Trong giai đoạn này, trẻ đang muốn tìm hiểu về bản thân, định vị được mình trong thế giới này.

Chị cần quan sát và xem xét những điều thắc mắc, tò mò của trẻ một cách hết sức cẩn trọng. Nếu cần thiết phải nói, chị chỉ nên nói những điều đơn giản nhất, cung cấp thông tin đủ cho trẻ yên tâm; tránh làm cho trẻ hoang mang, nghi ngờ về sự có mặt của mình trên đời và xem đó như một sai lầm.

Những vấn đề lớn hơn, rõ ràng hơn chỉ có thể nói khi trẻ đã có đủ nhận thức và ý thức. Khi nói, tránh hết sức việc đổ lỗi hay gieo cho trẻ những suy nghĩ tiêu cực về mối quan hệ của mẹ với cha trẻ. Cho trẻ nhận thấy rõ rằng mẹ và những người thân luôn thương yêu, quan tâm trẻ.

Để giúp cho trẻ không bị tổn thương tâm lý, hãy cố gắng quan tâm, tâm sự, lắng nghe và chăm sóc trẻ nhiều hơn. Hãy tạo cho trẻ cảm giác về một cuộc sống ổn định, an toàn, để con thấy mình được yêu thương, tôn trọng.

Có lẽ không phài bây giờ chị mới nghĩ tới việc này. Hạnh Dung hy vọng chị đủ mạnh mẽ, vững vàng, tự tin để giúp con tiếp nhận những sự thật liên quan đến sự ra đời của con một cách nhẹ nhàng, bình an.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI