Nén nỗi đau mất mẹ, tình nguyện hỗ trợ bác sĩ chống dịch

21/09/2021 - 06:34

PNO - Vài giờ trước khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ bệnh viện dã chiến, anh Nguyễn Lê Hoàng - 33 tuổi, ở Q.4, TPHCM - nhận được tin mẹ đã qua đời do COVID-19.

Chứng kiến dịch COVID-19 ngày càng lan nhanh, anh Nguyễn Lê Hoàng xin phép mẹ đến một khu cách ly trong quận hỗ trợ nhân viên y tế. Nhà chỉ có hai mẹ con nên mẹ anh không đồng ý. Anh trấn an mẹ, nhờ người dì qua ở với mẹ rồi đi. 

Anh Nguyễn Lê Hoàng (thứ hai từ trái qua) cùng đoàn bác sĩ của Trạm y tế P.1, Q.4 đến từng nhà xét nghiệm COVID-19 ẢNH: PHẠM AN
Anh Nguyễn Lê Hoàng (thứ hai từ trái qua) cùng đoàn bác sĩ của Trạm Y tế P.1, Q.4 đến từng nhà xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: Phạm An

Những ngày tháng 7 nóng bức, bộ đồ bảo hộ càng rút cạn sức của mọi người. Quá bức bí, anh ra một góc, kéo khẩu trang để đỡ ngộp. Hôm sau, trước khi vào ca làm việc, cả đội được xét nghiệm. Kết quả, anh Hoàng dương tính với SARS-CoV-2, được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 11 điều trị.

Nhớ lại thời điểm đó, anh ngậm ngùi: “Đến ngày 1/8, tôi được tin mẹ mình mắc COVID-19. Mẹ lớn tuổi, có bệnh tim nên tôi rất lo, nhiều lần gọi điện thoại xin được hỗ trợ y tế nhưng chưa kịp thì bệnh của mẹ trở nặng. Sáng 3/8, mẹ tôi hôn mê. Tôi cố gắng cầu cứu rất nhiều bệnh viện. Chiều hôm đó, mẹ tôi được đưa vô Bệnh viện Nhân dân 115 thì mất. Tôi hoàn toàn sụp đổ, lúc đó tôi giận đội ngũ y, bác sĩ can thiệp muộn”. Ngay lúc này, một bác sĩ của Bệnh viện dã chiến số 11 tới báo tin, kết quả xét nghiệm của anh âm tính. Các bác sĩ lập tạm bàn thờ trong khu điều trị để anh thắp nhang cho mẹ. 

Sau khi khỏi bệnh, anh tình nguyện đăng ký vào Trạm Y tế P.1, Q.4 hỗ trợ các y, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Chứng kiến người bệnh qua cơn nguy kịch hoặc tử vong trên cáng cứu thương, anh càng thấm thía sự gai góc, đáng sợ của dịch bệnh. Theo anh, thời gian qua, nếu ngành y tế, chính quyền, đoàn thể không nỗ lực 200%, có lẽ số ca bệnh, ca tử vong còn nhiều hơn.

Chứng kiến những ca không qua khỏi, anh càng thấu hiểu sự ra đi của mẹ anh: “Không phải nhân viên y tế không tới mà là tới không kịp. Như ở Trạm Y tế P.1, mọi người phải chia nhau đi khám bệnh, đi lấy mẫu, đi phát túi thuốc, có khi mở hộp cơm ra, chưa kịp ăn đã vội vàng lên xe đi cấp cứu”.

Hôm đó, vừa chập tối, mọi người vừa đi lấy mẫu xét nghiệm về, mới vệ sinh, khử khuẩn xong, chuẩn bị ăn thì đường dây nóng nhận được tin một bà cụ trở bệnh nặng. Xe đến nơi, mọi người đã nghe tiếng khóc, tiếng trách mắng. Khi đội cấp cứu vào, bà cụ lịm dần. Bác sĩ tích cực hồi sức, điều dưỡng liên tục gọi điện tìm bệnh viện, anh Hoàng cùng đồng đội mang cáng cứu thương đến. Khi  điều dưỡng báo có bệnh viện nhận rồi, anh Hoàng và một tình nguyện viên vội chuyển bà cụ lên cáng, nhưng đi được vài bước thì bà cụ tắt thở. “Nhìn bà cụ, tôi nhớ mẹ tôi vô cùng, càng mong muốn chúng tôi phải đến thật sớm. Nhưng thực tế, chúng tôi không đủ người; các bác sĩ, điều dưỡng chia ca kíp, chạy không xuể”.

Anh hy vọng các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, nếu có điều kiện thì tiếp sức cho ngành y tế: “Càng có nhiều nhân lực, vật lực, càng cứu được nhiều người hơn. Càng nhiều người được cứu, chúng ta càng sớm chiến thắng dịch bệnh”. 

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, sở kêu gọi những người khỏi bệnh COVID-19 tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Đến nay, có hơn 1.700 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, hoàn tất thời gian cách ly đăng ký tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Sở đã phân bổ 908 người về các cơ sở cách ly, điều trị COVID-19. 

Qua thống kê, các cơ sở y tế đang điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 cần hơn 3.300 tình nguyện viên. Để đảm bảo quyền lợi khi tham gia chống dịch cho tình nguyện viên, ngày 12/9, sở đã có Công văn 6524/SYT-TCCB về việc tăng cường hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên. Theo đó, các bệnh viện dã chiến có trách nhiệm ký hợp đồng thỏa thuận với tình nguyện viên là F0 khỏi bệnh tham gia hỗ trợ phòng, chống COVID-19 và thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định.

Tình nguyện viên sẽ được trang bị vật dụng bảo hộ để đảm bảo an toàn khi tham gia chống dịch, kèm theo chế độ nghỉ ngơi, được hưởng 300.000 đồng/người/ngày hoặc 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2 của Chính phủ. 

 Phạm An

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI