Nên người nhờ cách dạy “lộn xộn” của ba

26/06/2022 - 05:45

PNO - Ba tôi chẳng nghĩ là văn minh gì đâu, chỉ là dạy con cách sống tôn trọng, không gây phiền hà, khó chịu cho người khác, đồng thời làm cho người khác tôn trọng mình.

Ba tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn nhưng cốt cách lịch thiệp toát ra từ dáng vẻ bề ngoài cho đến nói năng, hệt như người sống ở đô thị lớn. Ba đối đãi với bất cứ ai cũng bằng sự tôn trọng và dạy những đứa con của mình trên tinh thần ấy.

“Khuyết điểm” lớn nhất của ba là hiếm khi nói lời đùa giỡn với con cái. Ba tôi dạy các con đủ thứ kỹ càng, từ tiếng bước chân đi cho đến cách cầm đôi đũa ăn. Vào mâm ăn thì hãy cẩn thận, vì ba “xét nét” từng chút một.

Bữa ăn nhà tôi, dù đạm bạc cỡ nào cũng không bao giờ được đem nồi, chảo đặt lên bàn ăn mà đồ ăn phải được múc ra tô, đĩa và phần riêng đồ ăn cho người về sau chứ không chừa luôn trong tô đĩa đang ăn.

Khi nhai, chúng tôi không được làm rớt đồ ăn, muốn vậy không được vừa nhai vừa há miệng. Nhai cơm, ăn canh không được gây ra tiếng rột roạt, cầm đũa không được sát xuống chén cơm, phải ngẩng mặt lên, không được cúi mặt vào chén khi ăn…

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Rất nhiều quy định trong bữa cơm, từ đó anh em tôi có được cách ăn uống từ tốn, ăn chậm nhai kỹ. Đi đứng cũng vậy, chúng tôi không được kéo dép loẹt xoẹt mà phải nhấc chân lên và cũng không được vừa đi vừa chạy.

Hồi đó, tôi thấy rất nhiều “mâu thuẫn” trong cách dạy con của ba, khiến tôi vừa dễ thở vừa hụt hơi. Cách ăn uống, đi đứng ba tôi rất nghiêm khắc, nhưng những chuyện thuộc về riêng tư của con cái như mặc đồ thế nào, để tóc tai ra sao, chọn bạn chơi… ba để chúng tôi tự do như trao sự tin tưởng tuyệt đối. 

Ở quê tôi, đa số cha mẹ không cho con cái, nhất là con gái không được về nhà sau chín giờ tối, nhưng ba tôi thì… vô tư, mấy giờ về cũng được. Riêng việc học, chúng tôi được tự do tuyệt đối, ba chỉ nhắc nhở trước khi đi thi rằng ngủ cho đủ giấc, chuẩn bị bút thước cho đầy đủ.

Ba tôi chẳng bao giờ dò xét xem con học được bao nhiêu điểm, học kỳ này liệu có được học sinh khá giỏi không? Ba cứ phớt lờ như chẳng quan tâm việc học của con cái, vậy nhưng, khi các con học kém môn nào, ba tìm gia sư về kèm cặp. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Với anh em họ hàng hay hàng xóm, ba tôi chẳng bao giờ kình cãi với ai. Với sui gia, ba vẫn luôn nhận phần thua về mình. Đôi lúc anh em con bực mình sao ba cứ nhịn hoài, ba lập luận: “Nhún nhường một chút có sao đâu con. Cầm súng bắn nhau còn có lúc hạ súng để thương lượng làm hòa mà. Hơn thua nhau làm gì!”. 

Thế nhưng, nếu con cháu chịu thiệt về sự học, ba sẵn sàng “chiến đấu” tới cùng. Đó là khi, có một người thầy buông lời khiếm nhã với bé Út, là khi cháu ngoại ba chuyển trường về quê vào giữa học kỳ nên trường học không nhận…

Làm việc với thầy hiệu trưởng không được, ba tìm đến phòng thầy trưởng phòng giáo dục thị xã và nói: “Một đứa trẻ cần phải được tôn trọng để biết tôn trọng người khác. Tôi làm cha nhưng ở nhà không bao giờ dám xúc phạm con mình”, “Một đứa trẻ nước ta khi theo cha mẹ ra nước ngoài còn được tạo điều kiện để việc học không bị gián đoạn, huống chi chuyển trường từ tỉnh này sang tỉnh khác. Bắt cháu ở nhà đợi sang năm học sau là thiệt thòi cho cháu. Trường học phải có những quy định thuận lợi cho học sinh và phụ huynh”.

Kết quả, người thầy đó phải xin lỗi ba tôi và bé Út.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Ở nhà, ba tôi dạy gọt trái mướp, trái bầu đừng bỏ cuống quá nhiều, rất phí, nặn ống kem đánh răng phải nặn từ dưới lên để tránh bị nghẽn… như thể một người hà tiện nhất trần đời. Nhưng ông lại hào phóng hết sức, ba sẵn sàng dọn hết tất cả đồ ăn có trong nhà nếu có khách đến chơi, sẵn sàng cho chiếc dây thắt lưng đang xài nếu bạn ba cần, sẵn sàng tặng lại thửa đất dưới quê cho anh trai, dặn con đi chợ đừng trả giá, con trai mở công ty ba dặn đối đãi với nhân viên cho tốt vì họ kiếm tiền cho mình… 

Sự “lộn xộn” trong cách dạy con của ba khiến anh em tôi trở thành những đứa con vừa tự do vừa tuân thủ nguyên tắc, vừa tiết kiệm vừa phóng khoáng, vừa biết nhún nhường vừa biết đấu tranh mà không xúc phạm người khác, vừa nghiêm cẩn vừa tranh luận đến cùng, nghịch ngợm nhưng không thô lỗ.

Điều này tưởng chừng không nhất quán, nhưng những “đối lập” ấy cần có trong một con người, ít nhất là đúng với anh em tôi.

Nhờ ba, anh em tôi rất ít bỡ ngỡ khi vào TPHCM học hành và làm việc. Chúng tôi nhanh chóng hòa nhập cung cách ăn nói, đi đứng trong một sự kiện hay bữa tiệc, biết giữ lịch sự nơi công cộng...  

Những năm gần đây, người ta hay nói về cách hành xử văn minh, điều ấy ba đã dạy anh em tôi từ lâu. Hồi ấy, ba chẳng nghĩ là văn minh gì đâu, chỉ là dạy con cách sống tôn trọng, không gây phiền hà, khó chịu cho người khác đồng thời làm cho người khác tôn trọng mình. 

Giờ đây, ba tôi đã ở đâu đó tận trời mây và những người ở lại luôn nhắc về ba như một người đàn ông lịch thiệp nhất - người chưa bao giờ cư xử sỗ sàng với ai. 

An Hiên

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trịnh Yến 03-07-2022 21:27:45

    Ba của bạn có trí tuệ nên có lối sống tuyệt vời tạo nên nhân cách của một người có giá trị. Nội lực tâm hồn ông rất lớn đó bạn. Theo mình được biết tâm hồn trống rỗng và ích kỷ thì không lịch thiệp được đâu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI