Nên lấy đàn ông biết yêu quý mẹ

11/11/2016 - 06:30

PNO - Chồng tôi rất yêu quý mẹ, đến mức nhiều người đã khuyến cáo trước khi chúng tôi cưới nhau: “Coi chừng lấy phải ông chồng bám váy mẹ!”.

Cưới nhau được hai tháng, khi hai vợ chồng tính chuyển lên Sài Gòn, tôi hỏi anh ấy: “Liệu mẹ anh có buồn về chuyện này không?”. Chúng tôi ngồi bên nhau trong căn phòng nhỏ của nhà gia đình chồng ở Bến Tre. Anh ấy trả lời: “Chắc chắn mẹ sẽ buồn, nhưng em đừng lo lắng quá”. Tôi hỏi vậy vì biết chồng mình rất yêu quý mẹ, đến mức nhiều người đã khuyến cáo trước khi chúng tôi cưới nhau: “Coi chừng lấy phải ông chồng bám váy mẹ!”.

Chúng tôi dọn đến nhà mới được hai tuần thì mẹ chồng đến thăm. Bà là người nghiêm nghị và rất quyết đoán, ngược với cái tên “Thắm” rất nữ tính. Trong những ngày ở chơi với vợ chồng tôi, bà khăng khăng không chịu để chúng tôi chăm sóc mà ngược lại, đòi phụ làm các việc trong nhà.

Bà làm món bún thịt nướng theo kiểu quê nhà Nam bộ, chế biến món bánh tráng nướng trộn gỏi khoái khẩu của chồng tôi - món mà tôi vẫn làm chưa được “chuẩn” cho lắm. Bà kể về chuyện nhà cửa dưới quê, về gia đình, kể về Sơn - chồng tôi. Bà nói và nói, gần như không ngưng nghỉ. “Giai thoại” của chồng tôi được kể từ lúc bà mang thai, về những lo lắng của bà vì các lần sẩy thai trước đó.

Nen lay dan ong biet yeu quy me

Bà kể về những đêm không ngủ, về việc cho ăn, tắm rửa, những thói quen của chồng tôi, cả những tật xấu, những vết sẹo, và về nụ cười “thiên thần” của anh ấy. Tôi có cảm giác như bà đang tìm cách truyền lại cho tôi những hiểu biết của một người mẹ về người đàn ông mà tôi chung sống từ nay.

Đây cũng là dịp tôi được chứng kiến cách mà chồng tôi đối đãi với mẹ mình. Không mấy khi tôi thấy anh, một người vốn ghét lễ nghi lại lịch thiệp đến vậy. Không chỉ là cách anh liên tục sử dụng những từ “dạ”, “vâng”, mà trong giọng nói còn tràn đầy sự kính trọng. Những cử chỉ hàng ngày cũng cho thấy anh khiêm nhường và cẩn trọng hơn mọi khi, như thể muốn cho mẹ mình thấy một cách sống hoàn hảo.

Trong khoảnh khắc, tôi bỗng dưng cảm thấy lo ngại về những lời khuyến cáo trước đó, khi chứng kiến chồng “tôn thờ” mẹ mình đến vậy. Nhưng tôi lại nhận ra rằng đó cũng chính là cách mà anh thường nói chuyện với tôi, chỉ thêm phần đùa cợt và âu yếm hơn.

Ngày nọ, tôi và mẹ chồng đi mua sắm. Trên xe taxi, bà nhắc đến việc bà và cha chồng tôi rất phiền lòng khi đứa con trai duy nhất của họ phải sống xa nhà. Bà than phiền việc Sơn không ở lại quê nhà gần gũi họ hàng, chăm sóc cha mẹ. Cha mẹ chồng tôi vẫn giữ quan niệm cũ, tôi cũng không trách nhưng cảm giác ông bà muốn đổ lỗi cho mình. Bỗng dưng có một khoảng cách hình thành giữa tôi và mẹ chồng. Từ lúc bắt đầu bàn chuyện cưới nhau, tôi đã từng lo lắng nhà chồng sẽ không thích mình, và có lẽ đây là lúc nó thành sự thật.

Chúng tôi dành cả buổi sáng mua sắm. Ngắm nghía các quầy bán đồ mỹ phẩm, mẹ Thắm thử một màu phấn mắt. “Nhìn hợp với mẹ đấy ạ!” - tôi bảo. Bà thẹn thùng cười và gật đầu. Về đến nhà, chúng tôi đón cha chồng vừa mới lên chơi. Tôi hỏi mẹ Thắm: “Ba có nhận ra phấn mắt mới không hả mẹ?”, bà lắc đầu cười. Tôi cũng bật cười: “Anh Sơn cũng dở nhận ra mấy cái này lắm”. Mẹ con cùng cười, không khí giữa chúng tôi trở nên dễ chịu hơn.

Đến chiều tối, chúng tôi cùng nấu nướng và bàn chuyện khi cánh đàn ông (họ hàng và bạn bè) đang nhậu ở phòng khách. Mấy chú thím đòi kéo chúng tôi ra uống bia, nhưng tôi và mẹ chồng nằng nặc từ chối vì đều ghét rượu bia.

Trong khi tôi quay xuống bếp cùng mẹ chồng làm thêm đồ ăn, một người bác lên tiếng: “Sao mẹ mày và vợ dở thế, uống cùng mới vui chứ!”. Tiếng cười của anh Sơn và bố chồng cùng ngừng lại, không khí trên phòng khách chùng xuống. Mãi một lúc, tiếng bố chồng tôi văng vẳng: “Thôi, uống tiếp đi!” và không khí nhậu nhẹt lại tiếp tục. Liếc sang mẹ chồng đang làm đồ ăn bên cạnh, tôi thấy bà mỉm cười.

Một năm sau, mẹ Thắm lại lên Sài Gòn để phụ giúp tôi chăm cháu nội mới sinh, trong khi nhà tôi phải đi công tác xa. Mẹ tôi và chị gái cũng đến tham gia, làm không khí cả nhà chộn rộn và vui hẳn lên. Những người mẹ, người bà quây quần bên nhau, trò chuyện, chăm sóc con trẻ, nấu nướng.

Nhưng đến ngày chồng tôi công tác trở về, một người cảnh sát và nhân viên y tế gõ cửa, báo chiếc xe chở anh Sơn gặp tai nạn trên đường. Tôi ngã gục trong đau đớn, còn mẹ Thắm vừa chống chọi với nỗi đau vừa lo đám tang, chăm con dâu, cháu nội và mọi thứ khác.

Tôi nhớ hình ảnh của mẹ Thắm, gương mặt đau khổ của bà như già đi rất nhanh, nhưng vẫn giữ vẻ nghiêm nghị và điềm tĩnh. Dù đối với mẹ Thắm, Sơn có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều so với tôi, anh là đứa con duy nhất của bà, nhưng mẹ Thắm không để nỗi đau quật ngã, bà chống chọi với nó, sống với nó trong một thời gian dài, và chấp nhận nó. Nhìn lại, tôi cho rằng đó là cách đúng đắn để đối phó với nỗi đau.

Trong những tháng năm sau đó, chúng tôi - người đàn bà mất chồng và người mẹ mất con, cùng tìm cách chịu đựng nỗi buồn và chấp nhận khoảng trống Sơn để lại. Tình yêu mà chúng tôi dành cho Sơn, và tình yêu mà anh đem đến cho chúng tôi đã làm cầu nối giữ tôi và mẹ Thắm lại bên nhau, xóa bỏ mọi hiềm khích và đem chúng tôi đến gần nhau hơn bao giờ hết. Nhiều người bảo “đừng lấy đàn ông quá yêu mẹ”, tôi nghĩ ngược lại, những người đàn ông biết yêu và trân trọng mẹ mình sẽ luôn là người chồng, người cha tốt.

Minh Lâm (theo lời kể của chị Lâm Vy, Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI