Nền kinh tế phải có năng lực chống chọi

09/11/2020 - 06:40

PNO - Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, có độ mở nền kinh tế lớn, cán cân thương mại phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và thị trường xuất khẩu. Do đó, khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế luôn chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động bên ngoài.

Nâng cao năng lực phát triển của nền kinh tế trong nước đồng nghĩa với phải tạo được tính chủ động, chống chịu; trong đó, việc tăng khả năng dự báo cho nền kinh tế là một trong những chỉ tiêu quan trọng được các chuyên gia chỉ ra trong lộ trình phát triển kinh tế tới đây (nhằm đảm bảo dự kiến GDP bình quân 6,5-7%/năm cho giai đoạn 2021-2025). Báo Phụ Nữ TPHCM đã nhận được những chia sẻ xung quanh nội dung này từ các chuyên gia và người trong cuộc.

Phóng viên: Việc triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 của Chính phủ, của TPHCM được xem là kịp thời, song dường như cũng chỉ là giải pháp tình thế trước nguy cơ các doanh nghiệp phá sản?

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Mức độ tác động của COVID-19 đối với doanh nghiệp vô cùng lớn. Sự nghiêm trọng từ tác động này khiến Chính phủ, chính quyền các cấp và toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc, với sự đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua nhiều chính sách và giải pháp rất cụ thể. Tuy nhiên, để tiếp cận các gói hỗ trợ, doanh nghiệp lại gặp khó trong thủ tục cũng như thỏa mãn điều kiện.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM

* Từ bối cảnh ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, Chính phủ, chính quyền TPHCM cần làm gì để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, thưa ông?

- Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là một chủ trương xuyên suốt trong mọi chỉ đạo. Những năm qua, TPHCM luôn tập trung mọi giải pháp để thực hiện điều này. Chủ tịch UBND TPHCM đã thành lập tổ công tác giải quyết nhanh các dự án đầu tư, thành lập hội đồng phát triển doanh nghiệp theo các ngành kinh tế, ban hành nhiều chính sách riêng đặc thù nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kích cầu đầu tư… Song song đó, gắn cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chương trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. 

Chính vì vậy, thành phố luôn thuộc nhóm dẫn đầu trong số các chỉ số thành phần liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương (CPI). Năm năm qua, số lượng doanh nghiệp đóng tại thành phố tăng cả về quy mô và số lượng cũng như vai trò đóng góp ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thủ tục hành chính mà doanh nghiệp vẫn mong muốn tập trung khắc phục, cải tiến để thuận lợi hơn. Đó là những thủ tục liên quan đến quyết định cấp phép đầu tư, đặc biệt liên quan đến các dự án; liên quan đến xét duyệt, thẩm định thực hiện chính sách theo chương trình kích cầu đầu tư cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các thủ tục tiếp cận vốn vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM mong muốn thành phố xem xét cải tiến các thủ tục hành chính liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cần đơn giản hơn, chỉ xét duyệt một lần sau đó quản lý theo mục tiêu, kết quả và hậu kiểm. Không nên quản lý như đầu tư công hay đầu tư từ ngân sách. 

Đặc biệt, Hiệp định EVFTA tạo rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng. Thành phố cần đẩy mạnh các hoạt động phổ biến các nội dung của Hiệp định EVFTA và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại…  

* Trong tình hình biến động chung của thế giới, như đại dịch COVID-19, không ai ngờ sự tác động làm gãy đổ, phá sản nhiều chỉ tiêu kinh tế. Vậy, chúng ta không thể xem nhẹ công tác dự báo và phải đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế tới đây, để có những quyết sách phù hợp, chủ động? 

- Công tác dự báo rất quan trọng, đóng góp vào việc xây dựng các định hướng chiến lược phát triển, các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đối với doanh nghiệp, khả năng dự báo quyết định định hướng chiến lược và kế hoạch đầu tư, phát triển cũng như sự thành, bại của mình. Tuy nhiên, thế giới ngày nay luôn biến động khó lường trên mọi lĩnh vực, quan hệ giữa các nước cũng như tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai… Do đó, công tác dự báo gặp thách thức rất lớn, đặc biệt là dự báo dài hạn. Các dự báo ngày nay thường chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, từng tổ chức ở quy mô và tầm ảnh hưởng khác nhau phải chủ động, quyết định chính sách phù hợp cho mình. 

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mỗi năm, Chính phủ đều ban hành một nghị quyết liên quan riêng. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 6,8 ngàn trong tổng số trên 9,9 ngàn dòng hàng kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa trên 50% điều kiện kinh doanh. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng rất nhanh. Theo đó, đã tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp 67/141 nền kinh tế. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 88/183 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Chính phủ cũng liên tục xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, nhất là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thị trường cũng như những giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao cả về số lượng và vốn đăng ký. 

Nên trao đổi với doanh nghiệp về các gói hỗ trợ

Chính phủ rất có thiện chí và quan tâm đến vấn đề giúp đỡ doanh nghiệp duy trì hoạt động và tăng trưởng. Gói hỗ trợ đầu tiên có các điều kiện quá khắt khe nên giải ngân bị chậm, không phát huy được hiệu quả như mong muốn và gần đây mới điều chỉnh. Đây là chuyện phải rút kinh nghiệm.

Khi thực hiện một gói hỗ trợ như vậy, tốt nhất nên gặp và trao đổi với doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp để biết họ cần gì thì mới phát huy được hiệu quả. Đến nay, với sự điều chỉnh thủ tục, điều kiện, các gói hỗ trợ đã bắt đầu giải ngân được, giúp phát huy tác động ở mức độ nhất định trong giúp đỡ doanh nghiệp, tuy vẫn chưa được như mong muốn. 

Ông Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Kinh tế tư nhân vốn là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong quá trình kinh doanh, họ vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, giảm các thủ tục rườm rà, phiền hà, các chi phí không cần thiết để khu vực kinh tế này có thể phát triển và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo công ăn việc làm.

Tôi muốn nhấn mạnh trong tác dụng tạo công ăn việc làm của khu vực kinh tế tư nhân, bởi đây là một trong các điều kiện quan trọng tạo chuyển biến tích cực về mặt xã hội. Khi giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, sức ép về xã hội sẽ giảm bớt rất nhiều. Bên cạnh đó, một trong các đòn bẩy rất quan trọng của Việt Nam là phải chuyển sang kinh tế số, chính phủ điện tử. Phải khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang số hóa, tham gia vào kinh tế số, thương mại điện tử. Tôi nghĩ đó là điều hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay.

Khả năng hồi phục kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới tùy thuộc rất nhiều vào tình hình và nền kinh tế thế giới, do kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu, mà tổng số trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam, lên đến hơn 200% GDP. Do đó, tính dự báo rất quan trọng và liên quan đến năng lực chống chọi của nền kinh tế. Nền kinh tế nhất định cần phải có năng lực chống chọi và có sự linh hoạt. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào Chính phủ thông qua xây dựng chiến lược và quy hoạch.

Về quyết sách, có thể bao gồm sự chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế. Đơn cử, trong sự biến động kinh tế vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch, trụ đỡ rất quan trọng cho cả nền kinh tế chính là nông nghiệp. Do đó, Chính phủ cần tập trung tạo mọi điều kiện để giúp đỡ nông dân, nông nghiệp phát triển. Về mặt này, tôi nghĩ Chính phủ cũng đã có các gói tín dụng, hỗ trợ; tạo điều kiện để nông dân và nông sản Việt Nam tiếp cận được với các hiệp định thương mại tự do.


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương

Tuyết Dân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI