Nền giáo dục kiểu... tự sướng

27/05/2019 - 07:32

PNO - Một lớp học khối 6 Trường THCS Nguyễn Thái Bình (P.10, TP.Vũng Tàu) có 42/43 học sinh đạt loại giỏi khiến dư luận bàng hoàng mấy ngày qua.

Dù chống chế kiểu nào thì hiện tượng “mưa” điểm giỏi này cũng khó chấp nhận. Đáng buồn là hiện tượng “phóng tay” cho điểm không hiếm trong giáo dục hiện nay.  

Học sinh hay người ngoài hành tinh?

Khi các bậc cha mẹ lần lượt họp phụ huynh cuối năm, biết điểm con mình và “con nhà người ta” rồi “khoe” lên thì hỡi ôi, mỗi lớp đều có ít nhất 2/3 học sinh (HS) giỏi, số còn lại là tiên tiến; hiếm lớp nào có HS trung bình, yếu kém. Nhiều người hoảng hốt: do HS quá giỏi hay là “siêu nhân” khi chương trình phổ thông được đánh giá là khó, nặng và cực kỳ hàn lâm. 

Nen giao duc  kieu... tu suong

Thông tin về lớp học có 42/43 học sinh đạt loại giỏi. Ảnh phụ huynh cung cấp

Lê Đức N., HS một trường THPT tại H.Củ Chi, TP.HCM, vừa kết thúc năm học lớp Mười với điểm tổng kết 8,6 nhưng xếp vị trí thứ 28 trong lớp. Theo quy chế xếp loại học lực, HS phải có điểm trung bình cả năm trên 8,0; các môn đạt trên 6,5 (môn thể dục xếp loại đạt) và một trong hai môn toán hoặc ngữ văn phải trên 8,0 mới được xếp loại giỏi. N. xếp học lực khá do môn toán và ngữ văn đều chỉ đạt 7,9. Người đứng đầu lớp có điểm trung bình là 9,4. Tổng kết cuối năm, cả lớp N. 43 HS đều được nhận giấy khen với 24 HS giỏi và 19 tiên tiến. Dĩ nhiên không có HS trung bình hay yếu kém. 

Một tiến sĩ kinh tế là phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Q.3 kể: “Đứa con lớn của tôi khi học xong lớp Năm với sáu điểm 10 tuyệt đối thì gia đình rất mừng. Nhưng hỏi ra thì có hơn chục em đồng hạng nhất như thế. Đứa con nhỏ cũng có ba điểm 10 tuyệt đối vì chỉ chấm có ba môn. Lớp con tôi có đến 49/50 HS giỏi”. Bản thân vị tiến sĩ thấy sai sai vì mở trang cuối, phần các học trò viết về thầy cô cuối năm thì chỉ một đoạn rất ngắn mà đến mấy lỗi chính tả, tên cô cũng không viết hoa… “Vậy mà lại được điểm 10 môn văn (tập viết, tập đọc). Suy ra các điểm 10 này phải giảm cỡ 20 - 30% mới đúng”, vị phụ huynh băn khoăn. 

Anh Giang Thanh, phụ huynh lớp Một Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú), cho biết: “Ngày 25/5, tôi họp phụ huynh cho con. Cô giáo ngại ngần khi báo kết quả con tôi là một trong hai HS có điểm thi toán thấp nhất lớp. Nghe đến đây, tôi hơi lo sợ, nhưng hóa ra thấp nhất lớp là… tám điểm”.

Một lớp học khối 6 của Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP.Vũng Tàu) có 42/43 HS được xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt. Kết quả này khiến nhiều người ngỡ ngàng. Anh Trần Huỳnh, một phụ huynh cảm thán: “Đánh giá kiểu gì mà HS nào cũng 10 điểm, những HS đạt điểm 8 bị coi là kém. Người ta đang làm giáo dục kiểu tự sướng?”.  

Căn bệnh mang tên tham vọng của người lớn 

Kết quả của những con điểm trên trời, HS giỏi tràn lan… chính là biểu hiện của tham vọng thành tích? Có ai tin rằng đó là thành quả của giáo dục hay chỉ là biểu hiện của một lối giáo dục nặng tính “tự sướng”? 

Cô P.N.H., giáo viên văn tại TP.HCM, thừa nhận vấn đề HS giỏi tràn lan, điểm tổng kết “trên trời” đã không còn quá xa lạ bởi thầy cô chịu áp lực thành tích từ nhiều phía. Các thầy cô buộc phải cho HS khá, giỏi để dễ ăn nói. Hơn nữa, bản thân giáo viên cũng phải suy nghĩ đến thi đua, xếp hạng, ngạch nâng lương... của mình. Trong năm, HS nghỉ học nhiều, giáo viên cũng bị ảnh hưởng xếp loại thi đua. Ngay từ đầu năm học, giáo viên phải đăng ký các danh hiệu thi đua, chỉ tiêu học tập - phong trào cho lớp. Ở cấp trường, cuộc chạy đua cạnh tranh giữa các trường nào có kém gì. 

Cô Nguyễn Thị Huyền, Trường đại học Tôn Đức Thắng, băn khoăn: “Tôi tưởng chuyện xếp hạng đã được đưa vào… viện bảo tàng. Thông tư 58 về hướng dẫn đánh giá HS trung học cũng không có mục xếp hạng, vậy mà các trường vẫn dùng. Còn là bảng điểm, thứ hạng công khai. Một HS có điểm trung bình trên 7 cũng rất đáng để tự hào bởi đó là công sức học tập, biểu hiện cho năng lực của em ấy. Nhưng khi bị công khai xếp hạng cuối lớp thì chắc chắn em ấy và gia đình sẽ chạnh lòng. Tôi cho rằng các trường không nên công khai điểm số, không đánh giá thứ hạng”. Cô Huyền cho biết, ở nhiều nước, họ có cách báo kết quả học tập rất văn minh, điểm của ai người ấy biết, vấn đề giáo dục của mỗi cá thể là riêng biệt. Công khai điểm số, đánh giá, xếp hạng chỉ gieo vào đầu HS và phụ huynh suy nghĩ so bì, hơn thua, từ đó dẫn đến áp lực thành tích.

Nhiều giáo viên cho biết họ gặp áp lực thành tích từ nhiều phía, trong đó có kỳ vọng rất lớn của phụ huynh - một áp lực vô hình nhưng rất nặng nề. Con học không giỏi, cha mẹ luôn nghĩ do thầy cô không dạy tận tâm. Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, HS bị điểm thấp, giờ học bị đánh giá không đạt, thầy cô chủ nhiệm “rất mệt”. Phụ huynh tìm đến tận trường để chất vấn vì sao điểm con họ thấp, trong khi các cấp học trước luôn giỏi? Vì sao cô cho đề khó?... Giáo viên chủ nhiệm lớp Một ở Q.7 kể: “Tôi chủ nhiệm lớp Một tiếng Anh tích hợp. Mới kết thúc học kỳ I, dịp nghỉ tết, có vị phụ huynh đưa con đi du lịch nước ngoài. Sau đó, vị phụ huynh điện thoại “mắng vốn” rằng con họ học tiếng Anh với người nước ngoài, chương trình của Anh mà khi ra nước ngoài không thể nói được các vấn đề về đặt phòng với lễ tân khách sạn. Tôi phải giải thích rằng: bé mới tiếp xúc trong một học kỳ thì không thể rành hết mặt chữ ở cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, vốn từ chưa đủ để giao tiếp như thế. Tôi rất thông cảm với phụ huynh có kỳ vọng lớn vào con em mình và chẳng ai chịu tin rằng con mình không giỏi, không bằng bạn bè”. 

Anh Phạm Thái Sơn, giảng viên đại học, thừa nhận: “Quan điểm giáo dục con là “cuộc chiến” trong nhà tôi. Tôi quan niệm con cần nhiều thứ khác hơn sách vở, điểm số. Nhưng vợ tôi là thái cực ngược lại, sẽ lo lắng mỗi khi con điểm thấp, luôn sợ con học chưa đủ nên cho con đi học thêm nhiều nơi. Gần tới kỳ thi là nhà tôi lại rối tinh cả lên. Mẹ con cãi nhau chí chóe vì chuyện học thi như thế nào…”.

Chạy theo thành tích… ảo, chính thầy cô và cha mẹ đã dạy con trẻ không trung thực. Các con ở lâu trong sự không trung thực sẽ tin điều đó là sự thật, sẽ ngộ nhận năng lực bản thân, triệt tiêu sự cố gắng và bước ra đời với niềm tin vào những tờ giấy khen chói lọi. Hành trang vào đời không có kỹ năng gì ngoài “gia tài” đồ sộ về những điểm số. Những vụ việc gian lận điểm thi, biến HS dốt thành thủ khoa đại học như vừa qua là hệ lụy của thành tích ảo đó.

Phần Lan:  Cạnh tranh điểm số không phải là  lý do  duy nhất để đi học

Trẻ em luôn tò mò về thế giới xung quanh một cách rất tự nhiên. Vì vậy, cách của Phần Lan là giúp người học phát triển động lực học tập từ bên trong thông qua việc khám phá niềm vui học tập.

Chương trình giảng dạy tại Phần Lan không nằm ngoài mục đích khai thác đặc tính tự nhiên đó của trẻ trong các hoạt động vui chơi, học hỏi, hợp tác và giao tiếp để học các kỹ năng, kiến thức mà chúng sẽ cần khi trưởng thành. Đi học là một quyền lợi, không phải là nghĩa vụ và hầu hết trẻ em đều thích khám phá những điều mới khi đến trường. 

Các hệ thống giáo dục vận dụng áp lực, cạnh tranh và sự trừng phạt sẽ giết chết niềm vui học tập của HS. Khi ấy, trường học sẽ trở thành một nghĩa vụ và HS chẳng khác gì robot, chúng không thể tự suy nghĩ mà chỉ chờ lệnh tiếp theo. Người thầy cần tạo ra những người sáng tạo, đổi mới và sẵn sàng hợp tác với những người khác để cùng tạo ra những kiến thức mới. Cạnh tranh cũng rất quan trọng, nhưng nó không phải là lý do duy nhất để học.

Tại Phần Lan, họ làm giáo dục theo quan niệm tôn trọng từng cá thể và chấp nhận mặt mạnh - yếu của người học. Họ có rất nhiều hỗ trợ dành cho HS có học lực yếu hơn. Sự hỗ trợ có thể đến từ bên trong trường (nhu cầu giảng dạy đặc biệt, ngôn ngữ, đội ngũ tư vấn viên chuyên biệt về sức khỏe, tâm lý…) hoặc từ bên ngoài nhà trường (ngôn ngữ trị liệu, dịch vụ gia đình, dịch vụ y tế). 

Cô Seija Elina Nyholm, thành viên Hội đồng chuyên môn Trường phổ thông quốc tế Việt Nam - Phần Lan

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI