Nên đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

22/11/2023 - 06:04

PNO - Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Cần quản lý dạy thêm ngoài nhà trường  

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD-ĐT đã có rất nhiều văn bản quy định, đặc biệt có Thông tư 17 quy định việc kiểm soát dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường. Những quy định về đạo đức của nhà giáo, trong quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường, thi hành công vụ của nhà giáo… cũng đã rất đầy đủ đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường. Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường thì còn đang thiếu cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý.

Các nhà giáo dục cho rằng giảm tải áp lực học hành sẽ giảm được học thêm.  Trong ảnh: Học sinh học thêm ở một trung tâm luyện thi tại Hà Nội - ẢNH: ĐẠI MINH
Các nhà giáo dục cho rằng giảm tải áp lực học hành sẽ giảm được học thêm. Trong ảnh: Học sinh học thêm ở một trung tâm luyện thi tại Hà Nội - Ảnh: Đại Minh

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết trong quá trình sửa Luật Đầu tư, bộ đã từng gửi văn bản cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng vào năm 2020, đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, không rõ lý do tại sao trong quá trình từ năm 2020-2021, đề xuất này đã không được chấp thuận. 

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng việc cho con học thêm rất nhiều hiện nay một phần xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Có người đem con đến gửi cô, nài nỉ cô vừa dạy vừa trông giúp, có trường hợp cha mẹ thấy con đi học 1 ca chưa yên tâm, nghe đâu có thầy tốt là đưa con đến học thêm. Điều này làm tăng sự căng thẳng của việc học đối với trẻ em.

Không ít phụ huynh đồng ý với nhận định này. Chị Trần Ngọc Dung - một phụ huynh có con đang học lớp Chín tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - cho biết hiện con chị học thêm đến mức chị thấy “chóng mặt”. Mỗi tuần ngoài giờ lên lớp 2 buổi/ngày, con chị học thêm 3 buổi văn, 2 buổi toán, 4 buổi tiếng Anh. “Cứ học trên lớp về là con lại chuẩn bị đi học thêm. Các buổi tối trong tuần đều kín lịch, thứ Bảy, Chủ nhật là ngày nghỉ nhưng lại càng bận. Cuộc cạnh tranh vào lớp Mười rất quyết liệt nên không thể lơ là. Biết là con rất mệt nhưng nhỡ trượt công lập thì khổ hơn nhiều nên vẫn phải cố”- chị Dung chia sẻ.

Nhu cầu có thật

Đánh giá về quyết định cấm dạy thêm học thêm của nhiều địa phương, thầy Đinh Đức Hiền - Trưởng khối THPT, Trường phổ thông FPT - cho rằng: dạy thêm, học thêm nếu trên nhu cầu thực tế và tự nguyện thì không xấu. Phụ huynh chỉ đang bức xúc với việc dạy thêm trong nhà trường không đúng mong muốn của phụ huynh, học sinh, hoặc giáo viên bớt kiến thức trên lớp để đưa vào các lớp dạy thêm của mình.

“Tuy nhiên, nhu cầu học thêm đối với nhiều người là có thật. Thi cử nặng nề, tính cạnh tranh cao khiến các phụ huynh phải cho con đi học thêm là một thực tế” - thầy Đinh Đức Hiền nói. Theo ông, chính vì nhu cầu là có thật nên thay vì cấm dạy thêm học thêm như nhiều địa phương đã làm, thì cần quản lý hoạt động này chặt chẽ, từ cấp bộ xuống cấp sở đến các trường. 

Một giảng viên của Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng không nên cấm các giáo viên dạy thêm, vì ai cũng có quyền được làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập. Giáo viên dạy thêm không xấu, chỉ xấu khi giáo viên cắt xén chương trình trên lớp nhằm để ép học sinh học thêm. Thực tế, học sinh có nhu cầu nâng cao kiến thức thì vẫn nên có người phụ đạo.

“Đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ đáp ứng được quy luật cung cầu của xã hội. Tôi cho rằng cần có một quy định đầy đủ, rõ ràng về việc dạy thêm và học thêm. Việc phải chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng sẽ giúp các giáo viên hoạt động trong khuôn khổ, hạn chế những mặt tiêu cực” - giảng viên này nói. 

Hiệu trưởng một trường THPT có tiếng tại TPHCM cho rằng: vấn đề không phải là cấm hay không cấm việc dạy thêm, học thêm mà là giảm tải áp lực học hành, giảm bớt áp lực cho học sinh, qua đó giảm áp lực cho phụ huynh và toàn xã hội. Bộ GD-ĐT phải làm sao để nội dung chương trình phù hợp với năng lực của học sinh chứ đừng quá cao, quá khó, khiến học sinh buộc phải đi học thêm mới có thể được điểm cao.

Dung Nhi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI