Nền điện ảnh chắp vá

28/09/2013 - 20:44

PNO - PN - Phim “thảm họa” tràn ngập Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 18 đã phản ánh đúng thực tế chắp vá của điện ảnh Việt Nam những năm qua.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong bối cảnh điện ảnh nước nhà còn èo uột, mỗi năm sản xuất chưa tới 20 phim, lại chủ yếu là phim hài nhảm, thì chuyện LHP Việt Nam 18 (tại Quảng Ninh từ ngày 11-15/10 tới) buộc phải chấp nhận phim chất lượng kém là khó tránh.

Nen dien anh chap va
Cảnh phim Hello cô Ba

Thế nhưng mỗi năm, LHP Việt Nam đều đưa ra những tiêu chí rất cụ thể. Năm nay là Điện ảnh Việt Nam - dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập. Hẳn nhiên, khi đã có tiêu chí, thì cần căn cứ vào đó để lựa chọn phim dự giải sao cho phù hợp và có chất lượng nghệ thuật, chẳng nên ham số lượng phim tham dự, vì cuối cùng cũng chỉ có bốn-năm phim được lọt vào danh sách đề cử các giải thưởng chính tại LHP. Có lẽ, ban tổ chức LHP muốn tạo không khí hội hè, thân thiện, nên chưa bao giờ ra tay loại các phim “thảm họa” ngay từ vòng đăng ký. Vì thế, danh sách phim tranh giải tại LHP Việt Nam luôn là một “nồi lẩu thập cẩm”, nhìn vào, không ai có thể nhận ra đâu là giá trị nghệ thuật mà LHP này hướng tới.

Việc hàng loạt phim đến từ các hãng tư nhân yếu đến độ không được coi là một tác phẩm điện ảnh như Hello cô Ba, Ranh giới trắng đen, Nhà có năm nàng tiên, Hiệp sĩ guốc vông, Giấc mộng giàu sang, Săn đàn ông… vẫn đủ tư cách tranh giải Bông sen vàng đã gây không ít thất vọng cho công chúng.

Chẳng khá hơn mấy là các phim đến từ khu vực phim nhà nước. Cụ thể, đại diện được kỳ vọng nhất của điện ảnh nhà nước tại LHP Việt Nam 18, phim Những người viết huyền thoại, trong buổi công chiếu ra mắt tại sự kiện Tuần phim Việt Nam vừa diễn ra, dù được đánh giá khá cao, nhưng vẫn là một sản phẩm “chắp vá toàn diện”. Được nhà nước rót kinh phí 11 tỷ đồng nhưng thực tế ê-kíp làm Những người viết huyền thoại chỉ nhận được một khoản tiền thấp hơn nhiều, do phải trích ngân sách làm phim “nuôi” Hãng phim truyện Việt Nam. Đây là tồn tại nhức nhối đã lâu tại hãng này. hàng năm, kinh phí cấp cho hoạt động của hãng không đủ nên năm nào có phim đặt hàng, kinh phí làm phim sẽ bị “xé nát ra” để chi vào những khoản nhằm duy trì sự tồn tại của hãng. Hậu quả là tất cả những bộ phim của hãng làm ra đều là sản phẩm chắp vá. Thiếu tiền, các kỹ xảo trong phim đều được làm rất qua loa.

Phim tư nhân thì chạy theo thị hiếu, phim nhà nước lại làm chắp vá vì kinh phí bị “chia năm xẻ bảy”, trách sao diện mạo điện ảnh nước nhà cứ ngày càng như một “tấm áo vá”.

 M.I.N.H.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI