Khó khăn nhiều, thách thức lớn
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính - cho rằng, khó khăn trong năm 2023 chủ yếu đến từ bên ngoài chứ không đến từ nội tại của Việt Nam. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì xuất khẩu và tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ chững lại. Nguyên nhân do tình trạng lạm phát xảy ra ở nhiều nước, sự suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chính (Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc), sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng theo dự báo của WB, trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam sẽ đi xuống và sẽ đi ngang trong năm 2024 (khoảng trên 6% và dưới 7%).
|
Các chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ phát triển khả quan (trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú) - Ảnh: Linh Linh |
Nhưng cũng theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, từ tháng 9/2022 đến nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính đã từng bước kiểm soát được lãi suất để không gây ra những cú sốc lãi suất cho vay như giai đoạn 2011-2012. Những vấn đề gây lo lắng về hệ thống ngân hàng, trái phiếu từng bước được kiềm chế và năm sau sẽ được gỡ. Một điểm sáng khác là Việt Nam đang thu hút sự chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách ổn định.
Ông dẫn chứng, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) mới đầu tư vào tỉnh Bình Dương 2 tỉ USD với tầm nhìn 10-20 năm. Trong 3 năm qua, từ 2018-2021, sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tăng lên từ 10 - 14%. FDI vào Việt Nam không chỉ giúp tiêu dùng nội địa tăng, tạo việc làm mà còn gián tiếp giúp doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ, bất động sản, tạo ra nhiều hoạt động khác.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển dự đoán: “Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I và II/2023, sẽ phục hồi và tăng vào quý III. Nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực vào quý III với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - dẫn các nghiên cứu quốc tế và dự báo, trong năm 2023, nền kinh tế thế giới có thể đi vào trì trệ và suy thoái, mức tăng trưởng kinh tế chung chỉ khoảng 2,3 - 2,5%, lạm phát vẫn ở mức 6,5 - 6,8%. Trong năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới có 340 lần tăng lãi suất. Hiện mức lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là 4,5%. Trong năm 2023, các ngân hàng trung ương lớn sẽ vẫn duy trì lãi suất cao. Vì vậy, chi phí vốn sản xuất tăng lên, nhu cầu về nguyên liệu sản xuất cũng như nhập khẩu sẽ giảm. Với một nước có độ mở lớn về xuất nhập khẩu như Việt Nam, việc nhập khẩu lạm phát (giá nhập khẩu và tỉ giá cùng tăng hoặc 1 trong 2 yếu tố tăng mạnh) sẽ xảy ra.
Theo ông, trong năm 2022, thị trường chứng khoán ở Việt Nam giảm điểm, thị trường trái phiếu đứng lại từ tháng 10/2022 đến nay. Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau một số vụ việc nhưng quá trình áp dụng lại có nhiều vướng mắc, tạo áp lực lên hoạt động của các doanh nghiệp trong việc huy động vốn từ trái phiếu, dẫn đến việc huy động vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ông Đinh Trọng Thịnh nói: “Ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất tăng sẽ làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và doanh nghiệp). Trong khi đó, nền kinh tế vẫn phục hồi chậm sẽ tạo nguy cơ với thị trường tài chính tiền tệ”.
Hiện chỉ số VN Index đang ở trong khoảng trên dưới 1.000 điểm, có khá nhiều cổ phiếu của công ty sản xuất, kinh doanh có thị trường, có người tiêu dùng, giá từ 7.000-10.000 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể bắt đầu mua cổ phiếu của các công ty này từ bây giờ cho đến hết quý I/2023. Đến quý II/2023, giá cổ phiếu sẽ tăng từ từ, nếu đã mua mức thấp thì tốt nhất nên bán ở quý III/2023. Không nên mua cổ phiếu của những công ty bất động sản. Danh mục đầu tư nên phân tán ở nhiều lĩnh vực. Nếu có tài sản nhiều thì danh mục tài sản nên có 10% là USD, vàng vì khi cần, có thể chuyển thành tiền mặt nhanh, bảo vệ được tài sản. Với những người ít tiền thì vàng không phải là kênh đầu tư tốt. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển |
Nên đầu tư vào lĩnh vực nào?
Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện lãi suất huy động tăng cao nên người dân có thể gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ được huy động với lãi suất tối đa 9,5%/năm và sang năm, lãi suất có thể sẽ giảm.
Lĩnh vực bất động sản đang trong tình trạng thiếu nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực và dư thừa nhà ở cao cấp. Lĩnh vực này vẫn còn nằm trong quá trình tái cấu trúc. Do đó, nếu muốn đầu tư vào lĩnh vực này, nhà đầu tư nên chờ đợi thời điểm phù hợp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường lao dốc nhanh nhất, nhiều nhất và có độ phục hồi chậm hơn so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có thể trông cậy để đầu tư vào năm 2023 do nền kinh tế đang tăng trưởng tốt.
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu theo hướng tốt hơn, dễ dàng hơn, đảm bảo sự minh bạch, công khai trong hoạt động phát hành nên đây cũng là một kênh rất hứa hẹn.
Xu thế chung trong năm 2023 là các đồng tiền chững lại hoặc xuống giá. Nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc thì giá vàng sẽ tăng. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường rủi ro, nhất là khi giá vàng trong nước không còn liên thông với giá vàng thế giới. “Trong năm 2023, công nghệ số sẽ tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ. Nếu các bạn trẻ kết nối được công nghệ số, internet với các hoạt động đầu tư, kinh doanh thì đây là kênh có thể đem lại lợi ích lớn” - ông Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trong tháng 1 và 2/2023, thị trường chứng khoán sẽ còn “xập xình” nhưng đây vẫn là kênh để nhà đầu tư có thể chọn lướt sóng trong 6-12 tháng tới. Dù vậy, nhà đầu tư phải chọn các doanh nghiệp có sản phẩm, doanh thu, giá cổ phiếu đang bị ảnh hưởng ở mức thấp. Về kênh tiết kiệm, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023 nên từ bây giờ, nhà đầu tư có thể mạnh dạn gửi tiết kiệm với thời hạn 2 năm để có lãi suất tốt.
Ở lĩnh vực bất động sản, cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm soát và giải quyết gốc rễ việc cung ứng vốn dưới chuẩn và sự đầu cơ, từng bước đưa thị trường này vào ổn định. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên chờ thêm 1 năm nữa, nhất là từ quý IV/2023 trở đi. Riêng với nhà đầu tư có tiền, tìm hiểu kỹ, có sản phẩm giá tốt thì có thể “xuống tiền” bởi đây là giai đoạn bất động sản đang bị “ngộp”. Không nên đầu tư vàng, trái phiếu doanh nghiệp trong quý I và II/2023 mà phải chờ thêm.
Bất động sản có cơ hội phục hồi vào cuối năm Chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - cho rằng, 3 yếu tố vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến khả năng đảo chiều của thị trường bất động sản gồm: tăng trưởng tín dụng, lãi suất, chính sách điều hành của Chính phủ. Trong đó, tăng trưởng tín dụng và chính sách sẽ là 2 yếu tố mang lại tác động tích cực và đẩy nhanh tiến trình xoay chiều cho thị trường nhà đất. Theo đó, nếu đầu năm 2023 tăng trưởng tín dụng nới lỏng, thị trường bất động sản sẽ có đà phục hồi nhanh. Vừa qua, Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác gỡ khó cho bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi đang được trình Quốc hội thông qua. “Thông qua bức tranh tích cực về tăng trưởng tín dụng và chính sách, bất động sản có thể kỳ vọng thời gian đảo chiều và phục hồi sớm hơn, dự kiến vào khoảng cuối năm 2023” - ông Nguyễn Quốc Anh nhận định. Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam - nhận định, dòng tiền đầu tư trong năm 2023 sẽ hướng về các sản phẩm có thể khai thác cho thuê như: căn hộ, nhà phố và nhà xưởng cho thuê. Với nhóm bất động sản để ở, phân khúc căn hộ giá vừa túi tiền (trên dưới 50 triệu đồng/m2) luôn ghi nhận nhu cầu mua cao, dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng và phù hợp tài chính số đông sẽ thu hút dòng tiền. “Tuy nhiên 2023 sẽ là năm khó khăn của đầu tư lướt sóng, mua đi bán lại kiếm lời, thay vào đó, sản phẩm có giá trị khai thác thương mại dài hạn, đạt tỉ suất lợi nhuận từ 4,9 - 5% trở lên sẽ được ưu tiên” - ông Đinh Minh Tuấn phân tích. Bích Trần |
Thanh Hoa