Trước đây, khi tôi học cấp 2, ngoài môn Văn cần phải có sách vì có những tác phẩm (hoặc trích đoạn) cần đọc, học sinh không có thời gian để chép ra. Khổ nổi, mỗi thầy/cô dạy Văn đều có quyền chọn sách để dạy, nhà tôi có 2 anh em học khác năm nên phải 2 lần mua sách.
Ngày nay, học sinh phải mua sách giáo khoa mỗi đầu năm học. Chi phí mà các gia đình bỏ ra hàng năm để mua sách không nhỏ. Nhiều lần thay đổi chương trình, tuổi thọ sách không dài. Mà dù có dài thì gia đình bây giờ ít con, đa số cũng chỉ sử dụng trong một năm học rồi bỏ. Có những tổ chức thiện nguyện thu gom sách cũ để đưa đến những vùng khó khăn, nhưng sách không phải lúc nào cũng đủ bộ. Không khó để nhận thấy sách giáo khoa được sử dụng phung phí như thế nào.
Mới đây Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn Hà Nội và TPHCM thí điểm tổ chức cho mượn sách giáo khoa. Phó thủ tướng gợi mở TPHCM tiên phong trong việc dùng ngân sách mua khoảng 70% sách giáo khoa để học sinh sử dụng, giữ từ năm này sang năm khác.
Cho mượn sách không lạ, ngay năm học đầu tiên sau giải phóng đã làm rồi. Trải qua hàng chục năm, giờ đây cho mượn sách giáo khoa lại là chuyện mới. Thông thường cái mới xuất hiện sẽ gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Từ chuyện kinh phí mua sách, bổ sung sách hàng năm cho đến quy chế mượn, trả và xử lý những trường hợp làm hư hỏng sách. Phải tính đến từ chuyện hình thành cơ cấu bộ máy để hiện thực hóa chủ trương mới đến việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để tất cả học sinh Việt Nam đều có thể mượn sách giáo khoa.
Trao đổi vấn đề này, một số bạn học từng là giáo viên nói với tôi là nên cho thuê chứ không nên cho mượn (với ý nghĩa là mượn là không trả phí, còn thuê là phải trả phí sử dụng). Các bạn ấy nói, nếu dự kiến sách sử dụng trong 10 năm thì phí thuê nên là 20% giá sách. Trong đó 10% dành cho khấu hao và 10% chi phí dành cho bộ máy cho thuê hoạt động. Với 20% giá sách đó tôi nghĩ đã giảm đáng kể chi phí cho con đi học của phụ huynh.
Cũng cần nên quan tâm việc giảm bớt số lượng phát hành sách giáo khoa có thể ảnh hưởng đến sinh kế, quyền lợi của nhiều người, nhóm người trong khâu xuất bản, phát hành sách giáo khoa. Sắp xếp hài hòa trách nhiệm, quyền lợi của tất cả sẽ giúp việc cho mượn/thuê sách giáo khoa đạt hiệu quả.
Nhưng dù khó khăn, vướng mắc thế nào tôi tin rằng một chủ trương đúng đắn như vậy sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ. Mọi cấp, mọi người sẽ quyết tâm hiện thực hóa chủ trương cho mượn sách giáo khoa.
Đạt Nguyễn