Ông Lê Đại Hải - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư pháp) - cho rằng, theo quy định tại khoản 1, điều 2 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới cũng được xem là thuốc lá. Do đó, thuốc lá điện tử cần được cho phép lưu hành nhưng phải quản lý chặt chẽ giống như thuốc lá truyền thống để hạn chế tình trạng nhập khẩu và sử dụng tràn lan.
|
Đa số người dùng thuốc lá điện tử là thanh thiếu niên, thậm chí có cả trẻ em - Ảnh: Bảo Hân |
Qua khảo sát ở 34 tỉnh, thành, người dùng thuốc lá điện tử chiếm khoảng 3,6% tổng số người có dùng thuốc lá nhưng toàn bộ thuốc lá điện tử đều không rõ nguồn gốc do các sản phẩm chính hãng chưa được phép tham gia thị trường.
Một số người ủng hộ việc quản lý thuốc lá điện tử cho rằng, đây là sản phẩm đáp ứng nhu cầu của một số người, trong đó có những người chưa bỏ được thuốc lá truyền thống; việc công nhận và cho phép lưu hành thuốc lá điện tử sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm soát của quản lý thị trường, giúp tăng thu ngân sách, ổn định an ninh, trật tự xã hội, giúp ngăn người dưới 18 tuổi sử dụng.
Thế nhưng, là người trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) - nhiều lần kiến nghị cấm thuốc lá điện tử. Theo ông, hầu hết người bị ngộ độc khi dùng thuốc lá điện tử là học sinh, sinh viên, người trẻ tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê, tính mạng nguy kịch.
|
Một bệnh nhân tổn thương não, suy đa tạng vì ngộ độc thuốc lá điện tử đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh do bệnh viện cung cấp |
Theo ông, rất nhiều người nhận thức sai về thuốc lá điện tử, như thuốc lá này không có nicotine gây nghiện nên có thể dùng để thay thế thuốc lá truyền thống, ít tác động tới sức khỏe. Ông khẳng định: “Thuốc lá điện tử rất nguy hại cho sức khỏe. Hút thuốc lá điện tử thực chất là dùng các thiết bị điện nung nóng để các hỗn hợp nguyên liệu chứa nhiều hóa chất nhân tạo bên trong bốc hơi lên, từ đó hít vào, phà ra. Trong thuốc lá điện tử, có các thành phần gây hại cho sức khỏe, gồm nicotine, hương liệu nhân tạo, thậm chí có cả ma túy”.
Ông cũng cho biết thêm, nicotine là loại hóa chất cực độc, đã từng bị cấm sử dụng trong sản xuất thuốc trừ sâu, nên việc cho phép đưa nicotine vào cơ thể theo đường hút hít là quá nguy hiểm, xem thường tính mạng con người. Sử dụng nicotine nhiều có thể gây ra hàng loạt biến chứng về tim mạch như xơ vữa mạch máu, hẹp lòng mạch, co thắt mạch máu, gây nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp. Bệnh nhân cũng có thể gặp các vấn đề về hô hấp, giảm trí nhớ, giảm tập trung, giảm khả năng tiếp thu, sớm thoái hóa thần kinh thị giác, tổn thương cầu thận, hẹp mạch thận, suy thận, ảnh hưởng tới các cơ quan sinh sản, gây chậm phát triển trí tuệ ở thai nhi…
“Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nicotine là một loại ma túy. Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh rằng, thuốc lá điện tử làm trầm trọng thêm tình trạng sử dụng thuốc lá thông thường. Trung tâm Chống độc khẩn thiết đề nghị Quốc hội mau chóng cấm sản xuất và lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam trước khi quá muộn” - tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Bà Đoàn Thu Huyền - Giám đốc quốc gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (CTFK) tại Việt Nam - cho rằng, nhiều quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử do những tác động khôn lường của sản phẩm này. Ít nhất có 24 quốc gia cấm hoàn toàn sản phẩm này dưới mọi hình thức, từ sản xuất tới nhập khẩu, mua bán, sử dụng, trong đó có Singapore, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ…
|
Một bệnh nhân tổn thương não, suy đa tạng vì ngộ độc thuốc lá điện tử đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh do bệnh viện cung cấp |
Theo bà Đoàn Thu Huyền, tỉ lệ thanh thiếu niên sử dụng và nghiện nicotine tăng cao ở các quốc gia khác có quy định yếu hoặc trì hoãn việc cấm thuốc lá điện tử. Cụ thể, ở Mỹ, tỉ lệ học sinh trung học sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27,5% vào năm 2019. Ở Canada, thuốc lá điện tử từng bị cấm nhưng vào năm 2018 lại cho phép bán, khiến số thanh thiếu niên sử dụng tăng gấp đôi dù đã có các quy định hạn chế tiếp thị.
Hiện nay, Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới và trong khu vực ASEAN. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, 38,9% nam giới trên 15 tuổi ở Việt Nam hút thuốc. “Việt Nam đã phải mất hàng chục năm để phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Nếu cho phép mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, Việt Nam sẽ phải đối mặt với gánh nặng kép, mất rất nhiều thời gian và nguồn lực để giải quyết vấn đề này” - bà Đoàn Thu Huyền phân tích. Bà khẳng định, trong thuốc lá điện tử, có chất gây nghiện nicotine, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thanh thiếu niên, tạo ra một thế hệ mới những người nghiện thuốc lá.
Do đó, CTFK tại Việt Nam đề xuất nên cấm thuốc lá điện tử càng sớm càng tốt, không “đánh cược sức khỏe của người dân và trẻ em”, đồng thời đề nghị tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ về bản chất và mức độ nguy hiểm của thuốc lá điện tử.
Thiếu chế tài liên quan đến thuốc lá điện tử Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), các sản phẩm thuốc lá điện tử chưa được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật, gây khó khăn trong việc xác định loại mặt hàng để xử lý. Cụ thể, luật trên chỉ nêu khái niệm về thuốc lá và chế tài xử lý các vi phạm liên quan đến thuốc lá, chưa có chế tài cụ thể liên quan đến thuốc lá điện tử nên không có cơ sở để coi đây là mặt hàng cấm hoặc bị hạn chế kinh doanh. Do không có quy định nên cơ quan chức năng phải vận dụng cơ sở pháp lý khác để xử phạt, với mức phạt không đủ sức răn đe. Cụ thể, theo ông, việc xử phạt liên quan đến thuốc lá điện tử lâu nay thường dựa vào Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ “quy định xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc”. Được biết, từ đầu năm 2022 đến tháng 10/2023, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra, xử lý 90 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử với tổng tiền phạt hơn 1,4 tỉ đồng, buộc tiêu hủy 15.271 sản phẩm, phụ kiện, tinh dầu với tổng trị giá hơn 2,8 tỉ đồng, chủ yếu về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Hoàng Lâm |
Học sinh chiếm 30% số ca ngộ độc thuốc lá điện tử Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2023, có hơn 120 ca nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, có 16 trường hợp cho kết quả dương tính với ma túy (chiếm 13,3%), 101 mẫu âm tính hoặc không có mẫu (chiếm 84,2%). Qua phân tích, các chất ma túy có thành phần gồm ADB-Butinaca, MDMD-butinaca, ADB-4en-pinaca, MDMB-4e-pinaca, EDMB-4e-pinaca, THC, PB-22… Trong 120 ca nhập viện trên, độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 22, nam giới chiếm 87%, học sinh chiếm 30%, người sống ở khu vực thành thị chiếm 78%. Huyền Anh |
Thông tin về thuốc lá điện tử tràn ngập mạng xã hội CTFK tại Việt Nam cảnh báo, thông tin quảng cáo, bán thuốc lá điện tử trên mạng xã hội Facebook, TikTok… xuất hiện dưới nhiều hình thức như đăng bài mang tính cá nhân, đăng hình ảnh cá nhân lồng ghép sản phẩm, chèn từ khóa (hashtag) “vape”… Do đó, thanh thiếu niên bị in trí rằng đây là sản phẩm trào lưu, thời thượng. Khi vào Instagram, chỉ cần gõ từ khóa như “thuốc lá điện tử”, “IQOS”, “vape”, sẽ hiện lên rất nhiều kết quả để tìm kiếm, bao gồm sản phẩm, địa chỉ mua. Minh Quang |
Trẻ em đang bị dụ hút thuốc lá điện tử WHO vừa kêu gọi các quốc gia cấm thuốc lá điện tử có hương vị. WHO phản đối quan điểm của một số nhà nghiên cứu, nhà vận động và chính phủ coi thuốc lá điện tử là công cụ chính để giảm tử vong và bệnh tật do hút thuốc lá. Theo WHO, việc hút thuốc lá điện tử có thể gây nghiện nicotine cho những người vốn không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Báo cáo của WHO nêu, trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn người lớn ở tất cả các khu vực mà WHO theo dõi. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - lo ngại: “Trẻ em đang bị nhắm mục tiêu và cài bẫy để sử dụng thuốc lá điện tử và có thể bị nghiện nicotine”. WHO kêu gọi các nước cấm tất cả các chất tạo hương vị và áp dụng các biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử như đánh thuế cao, cấm sử dụng ở những nơi công cộng… WHO cho biết, mặc dù chưa thể hiểu hết những rủi ro sức khỏe lâu dài của thuốc lá điện tử nhưng chắc chắn sản phẩm này tạo ra một số chất có thể gây ung thư, gây ảnh hưởng xấu tới tim, phổi và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở người trẻ tuổi. Huyền Anh |
Huyền Anh