Nên cấm dạy thêm học thêm

01/09/2016 - 10:52

PNO - Tôi không đồng tình với phản ứng của các giáo viên và một số người đại diện cho ngành giáo dục khi cho rằng việc cấm DTHT sẽ chạm đến lòng tự trọng hay ảnh hưởng đến… thu nhập của GV.

Theo dõi thông tin về việc Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM yêu cầu chấm dứt việc dạy thêm học thêm (DTHT) trong trường học ở TP.HCM, tôi nhận thấy, hóa ra trước giờ nhiều phụ huynh (PH) đóng tiền cho con HT chỉ là bất đắc dĩ, vì sợ con thua kém bạn bè, sợ con bị “đì” nếu không HT nên khi nghe có lệnh cấm, họ rần rần ủng hộ.

Tôi không đồng tình với phản ứng của các giáo viên (GV) và một số người đại diện cho ngành giáo dục khi cho rằng việc cấm DTHT sẽ chạm đến lòng tự trọng hay ảnh hưởng đến… thu nhập của GV. Tôi thật không hiểu từ đâu, vì cớ gì các cháu học sinh (HS) phải gánh thêm trách nhiệm “cải thiện” thu nhập của GV, trong khi các em đang quá tải với chương trình học nặng nề, với tuổi thơ ngày càng bị nhiều áp lực; còn cha mẹ các em thì phải đau đầu với nhiều khoản chi từ học phí, đồng phục, sách vở, đóng quỹ này quỹ khác đến tiền HT. Xin đừng đổ cho phía gia đình HS có nhu cầu thì GV mới DT.

Nếu cho rằng DTHT có thể giải quyết được việc PH không thể đưa đón con vào giờ tan học, không biết cho con làm gì vào thời gian rảnh để con không hư hoặc không có người chăm sóc khi cha mẹ bận rộn, sao ngành giáo dục không tập trung vào các khóa học liên quan đến năng khiếu như đàn, múa, hát, hội họa hoặc các môn thể thao như võ thuật, bơi lội hay các lớp kỹ năng sống, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng ứng phó với thiên tai chẳng hạn… thay vì bắt trẻ nhồi nhét thêm mớ lý thuyết khô khan? Bằng cách này, HS khi trưởng thành không chỉ là những chú gà công nghiệp mà còn không có khả năng ứng phó linh hoạt với vô vàn tình huống trong cuộc sống.

Nen cam day them hoc them
Khi không học thêm, thực lực của học sinh mới được đánh giá một cách trung thực và khách quan - Ảnh: Minh Nhật

Việc khăng khăng bảo lưu quan điểm duy trì việc DTHT không khỏi khiến người ta nghi ngờ việc nhà trường đã dạy những gì, dạy thế nào mà để các em thiếu hụt kiến thức đến mức phải đổ xô đi HT, gây mất thiện cảm trong cách nhìn nhận về một nghề cao quý như nghề giáo cũng như trong mối quan hệ giữa các bên liên quan (GV-HS-PH) khi giáo dục dính líu đến chuyện tiền bạc.

Việc DTHT có thực sự cần thiết khi những gia đình khá giả đã chọn cho con hình thức giáo-dục-không-dạy thêm bằng cách học trường quốc tế hoặc đi du học? Nếu như đã cấm thì phải cấm triệt để, cấm DTHT trong trường thì cũng nghiêm cấm cả mọi hình thức DTHT bên ngoài trường học để đảm bảo công bằng cho GV cũng như chất lượng giáo dục cho HS. Ngoài ra, còn phải xem xét vấn đề từ gốc, cụ thể là thu nhập, đãi ngộ của GV cần cải thiện để họ có thể tập trung giảng dạy mà không bị phân tâm bởi chuyện DT; chương trình cũng cần được biên soạn hợp lý hơn để HS không quá tải.

Từng là một đứa trẻ nghèo, tôi hiểu cảm giác thế nào khi bị bạn bè phân biệt, sự ác cảm của GV dành cho mình khi không có tiền đi HT cũng như sự chới với khi không theo kịp những bạn có HT (thực chất là “học trước” chương trình). Thế nên, cấm DTHT không chỉ trả lại sự thanh cao cho nghề giáo, mà còn trả lại sự công bằng trước hết là cho các GV môn phụ, vốn không thể kiếm thêm thu nhập từ việc DT; đồng thời tránh được tình trạng xã hội chỉ trọng những môn học “chính”, thí sinh chỉ thi vào sư phạm để ra làm thầy những bộ môn “chính”. Và cuối cùng, HS mới chính là đối tượng cần được hưởng sự “công bằng”, bởi khi không HT, thực lực của HS mới được đánh giá một cách trung thực và khách quan.

Khang Duy (Q.9, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI