Nên bỏ Thông tư 30

25/05/2016 - 11:06

PNO - Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT được xem là có quan điểm tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặt được thì ít, còn hạn chế thì nhiều.

Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định về việc bỏ chấm điểm đối với học sinh (HS) tiểu học, thay bằng nhận xét của giáo viên được xem là có quan điểm tiến bộ, giảm áp lực cho HS cấp học này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặt được của thông tư thì ít, còn mặt hạn chế thì nhiều.

Thứ nhất, việc bỏ cho điểm khiến giáo viên và phụ huynh không có căn cứ để nắm được mức độ tiếp thu của HS. Việc bỏ chấm điểm này ít nhiều cũng giảm động lực học tập của HS.

Nen bo Thong tu 30
Một số nhận xét “vô hồn” của GV

Thứ hai, việc bỏ chấm điểm chuyển qua đánh giá làm tăng gánh nặng cho giáo viên. Trung bình mỗi giáo viên phải nhận xét hàng ngàn lượt HS/ tháng là một áp lực quá lớn. Giáo viên ghi nhận xét quá nhiều dẫn đến tình trạng trùng lặp, sáo mòn, mang tính chất đối phó là chính...

Có giáo viên thể dục tâm sự: “Tôi không biết phải nhận xét như thế nào cho phù hợp. Lời lẽ cũng chẳng biết viết ra sao khi phải nhận xét quá nhiều HS. Cho nên, cứ cách tháng, tôi lại nhận xét lặp lại. Biết như vậy là không nên nhưng chẳng còn cách nào hơn. Nhức đầu lắm! Tốn thời gian lắm!”. Viết nhận xét đã chiếm hết thời gian của giáo viên, nói gì đến việc “sáng tạo” câu chữ, và còn thời gian đâu mà quan sát từng HS để cho nhận xét? Bởi vậy, đánh giá chỉ mang tính hình thức.

Giáo viên đến trường để dạy chuyên môn chứ đâu phải để “ghi nhận xét”! Lại còn hàng chục thứ việc không tên khác đè lên giáo viên. Họ đầu tắt mặt tối cũng chỉ vì những việc không nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục mà còn làm cho nền giáo dục càng trở nên tụt hậu. Thay vì làm những việc thiết thực để nâng chất lượng giáo dục thì từ bộ xuống sở, phòng, rồi hiệu trưởng lại “đẻ” ra những việc mang nặng bệnh hoành tráng, bệnh hình thức, bệnh thành tích làm khổ giáo viên.

Hãy cởi trói cho giáo viên, những con người ngày đêm tâm huyết trong sự nghiệp trồng người với đồng lương chưa tương xứng. Riêng với thông tư 30, những hạn chế đã thấy rất rõ. Nên chăng bỏ thông tư này?

Thái Hoàng (giáo viên Trường THPT Thành Nhân, Q.Tân Phú , TP.HCM)

Chưa giảm được áp lực học hành 

Tôi có hai con, một đang học lớp 9 và một đang học lớp 4. Khi cháu lớn học tiểu học, việc theo dõi chuyện học hành của cháu dễ dàng hơn, do có điểm số; còn với cháu nhỏ hiện đang học tiểu học, tôi không biết căn cứ vào đâu để nắm kết quả học hành của cháu.

Tôi thấy thông tư 30 cũng ít nhiều giúp các cháu ở lứa tuổi còn nhỏ giảm được áp lực bài vở, nhưng việc “giảm” này không đáng kể, bởi giữa kỳ, cuối kỳ, cuối cấp, các cháu vẫn phải thi; rồi lên cấp II, thầy cô lại chấm điểm, lại vẫn thi cử. Áp lực học hành không giảm còn vì chương trình học nặng nề, với quá nhiều môn phải học. Dù rằng một trong những mục đích của thông tư 30 là loại bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm, nhưng ở lớp cháu, học sinh vẫn đến nhà cô học thêm, vì nghe cháu bảo một số bạn thường xuyên bị cô chê bai trước lớp. Lương giáo viên thấp thì họ phải nghĩ cách để kiếm thêm thu nhập.

Nen bo Thong tu 30
Các nhận xét mẫu trên mạng dành cho GV tiểu học

Thực tế thì lớp 4 của con tôi vẫn đông (gần 50 cháu) nên cô giáo cũng chỉ ghi nhận xét chiếu lệ, kiểu “có tiến bộ, cần cố gắng hơn”. Nói chung, lời nhận xét của cô giáo chưa cụ thể, chưa hỗ trợ được về mặt định hướng cho HS và phụ huynh.Theo tôi, nên bỏ thông tư 30 hoặc phải thay đổi nếu muốn duy trì thông tư này, ví dụ giảm chương trình học, giảm sĩ số lớp học.

Huỳnh Thị Hoa (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Ghi nhận xét không xuể

Tôi dạy lớp 5 trên 10 năm rồi. Năm nay, sĩ số lớp là 49 HS. Đặc điểm của giáo viên chủ nhiệm tiểu học là phải dạy nhiều môn, từ tiếng Việt, toán cho đến lịch sử, địa lý, đạo đức… cho nên, mỗi ngày, phải ghi hàng trăm nhận xét. Nói thật là chỉ ghi đại khái còn không xuể, đừng nói ghi cho sát với từng em, từng bài. Chúng tôi tốn quá nhiều thời gian để ghi nhận xét, nên việc đầu tư cho bài giảng cũng bị ảnh hưởng. Tiểu học là cấp dạy cho các em kiến thức nền tảng. Nếu kiến thức này bị “hổng”, sẽ ảnh hưởng đến các em trên đường học tập. Bỏ chấm điểm là bỏ mất sự lượng định kết quả học tập của các em, gây khó cho cả giáo viên lẫn phụ huynh. Tôi ủng hộ việc bỏ thông tư 30.

Lan Hương (Q.10, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI