Vàng thỏi là vàng trôi nổi
Thỏi vàng được khoe trên diễn đàn nói trên có hình dạng thô như vàng nguyên liệu nhưng trên hóa đơn lại ghi tên sản phẩm là nhẫn trơn. Người mua cho rằng, vàng là tài sản có tính thanh khoản cao nên việc mua vàng dạng thô vừa không tốn tiền công chế tác, vừa không lo bị chênh lệch giá quá cao so với giá vàng thế giới. Người này lập luận: “Trường hợp công ty này phá sản, tôi sẽ bán vàng dạng nguyên liệu này cho công ty khác hoặc đem sang các nước lân cận để bán”.
|
Người dân mua vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC vào đầu tháng 1/2024 |
Nhiều người tham gia các diễn đàn vàng cũng chia sẻ việc mình đang đầu tư vàng dạng nguyên liệu thay vì vàng chế tác có thương hiệu, tiếng lóng chỉ loại vàng này là “vàng hạt đậu bỏ ống heo”. Trên các trang, nhóm mua bán vàng trực tuyến, nhiều người rao bán vàng dạng thô hoặc kết nối người mua tới các điểm bán vàng dạng này.
Qua mạng xã hội Facebook, một người tên Phước cam kết sẽ giới thiệu với chúng tôi nơi bán vàng giá gốc, tức là vàng nguyên chất 9999, giá thấp hơn giá thị trường. Như trong ngày 3/1, vàng 999 có giá 62,1 triệu đồng/lượng, vàng 9999 có giá 62,25 triệu đồng/lượng, cả 2 loại đều thấp hơn khoảng 750.000 đồng/lượng so với giá vàng 999 và 9999 được các công ty vàng uy tín niêm yết. Phước cho biết: “Đầu tư vàng dạng này em mới có lời, chứ mua vàng đã chế tác thì rất khó lời. Nếu em đồng ý, anh sẽ mời em tham gia một nhóm kín để mỗi ngày cập nhật giá vàng hoặc giao dịch cho tiện”.
Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam - cho rằng, ở Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào tinh luyện được vàng 9999 mà chủ yếu là vàng 99. Vàng nguyên liệu 9999 (độ tinh khiết 99,99%) là vàng nhập khẩu. Hiện nay, chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên loại vàng nguyên liệu 9999 mà người dân đang giao dịch, mua bán trên mạng là vàng nguyên liệu nhập lậu.
Ông nói: “Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012 về độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, thị trường rất “khát” loại vàng này, dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng nguyên liệu và giao dịch vàng lậu tăng cao”.
Đã đến lúc bỏ độc quyền
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, do không có vàng nguyên liệu để sản xuất nên các công ty vàng phải mua vàng cũ, vàng trôi nổi trên thị trường để chế tác. Nhưng do việc mua bán này có thể đem lại rủi ro nên không ít công ty có quy mô nhỏ phải đóng cửa, còn công ty lớn có quy mô vài trăm đến 1.000 thợ kim hoàn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, chờ xem Chính phủ có điều chỉnh Nghị định 24/2012 theo hướng cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu hay không. Hiện cả nước chỉ còn khoảng 10 doanh nghiệp vàng có quy mô lớn, giảm hơn 60% so với trước. Chỉ khi có vàng nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp vàng mới tính đến chuyện mở rộng quy mô.
|
Một nhà đầu tư khoe đã mua vàng dạng thô chưa chế tác - Ảnh chụp màn hình |
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, hơn 10 năm qua, việc tiêu thụ vàng miếng SJC không nhiều, không còn ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ hay tình trạng “vàng hóa”. Quan điểm của VGTA là nên bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC, cho phép nhiều doanh nghiệp cùng tham gia để có tính cạnh tranh; nên cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp lớn như SJC, PNJ, DOJI để có nguồn nguyên liệu sản xuất.
Ông nhận định: “Có như vậy, giá vàng miếng SJC mới tiệm cận với giá vàng thế giới, hạn chế tình trạng nhập lậu, hạn chế thiệt thòi cho người tiêu dùng, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp tăng tỉ lệ xuất khẩu. Mỗi năm, các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia xuất khẩu vàng khoảng 10 tỉ USD, đem về nguồn ngoại tệ không nhỏ trong khi tay nghề thợ kim hoàn các nước này thua xa thợ Việt Nam. Nếu có vàng nguyên liệu để sản xuất, tỉ lệ xuất khẩu vàng của Việt Nam sẽ vượt xa các nước lân cận”.
Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - cho rằng, cần xem xét lại khái niệm “thương hiệu vàng quốc gia SJC”. Trước năm 2012, Việt Nam có nhiều thương hiệu vàng miếng như SJC, PNJ, DOJI, Sacombank, ACB, trong đó thương hiệu vàng SJC là mạnh nhất. Nhưng do có nhiều đơn vị cùng tham gia nên thị trường vàng giàu tính cạnh tranh, nhu cầu ổn định, không làm cho giá vàng miếng tăng quá cao so với giá vàng thế giới. Tuy nhiên kể từ khi có nghị định về độc quyền sản xuất vàng miếng, phong thương hiệu SJC là vàng quốc gia thì chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng thế giới ngày càng cao, có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng.
Ông cho rằng, vàng chỉ có thể gây tác động rất mạnh, làm rối loạn hệ thống tài chính quốc gia khi người dân không còn tin tưởng vào tiền đồng. Nhưng hiện nay, Chính phủ đã điều hành chính sách tiền tệ rất tốt. Dù bất động sản đang suy thoái như năm 2012 nhưng Chính phủ không đổi lạm phát lấy tăng trưởng kinh tế nên giá trị tiền đồng vẫn ổn định.
“Trong thời gian dài vừa qua, gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh đầu tư thu hút dòng vốn lớn và an toàn do giá trị tiền đồng ổn định. Sắp tới đây, với sự ổn định về tỉ lệ lạm phát, sự kiểm soát tiền tệ của Chính phủ thì kênh gửi tiết kiệm vẫn là kênh tốt nhất, sẽ không có khả năng người dân chuyển đầu tư sang vàng giống như trước. Do đó, đã đến lúc Chính phủ nên bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia SJC” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển đề xuất.
Ông Huỳnh Trung Khánh thông tin, trong tháng 1/2024 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo tổng kết 10 năm thực thi Nghị định 24/2012, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý vàng. |
Thanh Hoa