Những ngày xưa thương nhớ
Sài Gòn những chiều mưa tầm tã kéo theo nỗi nhớ quê da diết. Cảm giác cuộn mình trong chiếc mền cũ kỹ, lăn qua lăn lại trên chõng tre rồi nhìn mưa nhỏ từng hạt nơi mái hiên, mưa đổ từng cơn trắng xóa trên những ngọn tre già oằn mình trong gió thật thú vị. Trên bếp lửa hồng nổ tí tách, cha tôi sẽ nấu một nồi đầy ắp những củ khoai lang ngọt bùi, có khi là vài trái bắp đầu mùa dẻo thơm, đôi lúc lại là một rổ ấu đượm mùi sông nước…
Sống ở Sài Gòn ngót nghét chục năm, nơi tôi, thói quen tìm trái bắp, củ khoai trong những ngày mưa lạnh chưa bao giờ thay đổi. Nhưng đó không phải là chuyện no bụng thường tình mà tôi muốn tìm hơi ấm của ngày xưa.
Tôi từng ghét cay ghét đắng củ ấu vì hình thù xấu xí của nó cộng với lớp vỏ cứng chẳng hợp mấy với “hàng tiền đạo” của mấy đứa trẻ lên năm, lên sáu. Đôi lần, tôi cũng cố thử nhưng không nuốt nổi vì ngẫm ra loại củ này chẳng có gì thú vị.
Dẫu vậy, ấu vẫn là một phần tuổi thơ không thể thiếu của lũ trẻ ngày đó. Đầu tháng Bảy âm lịch trở đi, đồng ruộng bắt đầu ngập nước trắng xóa, báo hiệu một mùa lũ nữa lại về. Người lớn thì lo đến sốt ruột chứ con nít lại hớn hở vô cùng bởi niềm vui của chúng dường như cũng lênh đênh theo từng con nước đỏ ngầu.
Ngày đó chưa có đê bao nên lũ về tràn vào ngập cả nhà cửa. Cả đám xúm xít bày đủ trò, nào kết bè chuối, bắt cá, và cả vớt ấu… Cứ mỗi chiều, chúng tôi sẽ hẹn nhau nơi chiếc cầu ván nối liền hai bờ sông, đứa cầm gậy, đứa thì sào tre để “chặn đường” những bè ấu đang bị cuốn theo con nước cuồn cuộn, rồi cùng hò reo nghĩ mình như anh hùng thắng trận khi vớt được những chùm ấu to, chi chít củ.
Cảm giác được ngắt từng củ ấu mập ú ra khỏi bộ rễ sướng tay làm sao! Lá ấu mọc thành từng tầng, đan vào nhau trông như một đóa hoa xanh ngắt.
Những nhánh ấu non, cả bọn chia nhau mang về nuôi trong ao nhỏ phía sau nhà. Nghe người lớn bảo ấu này là từ vùng thượng hoặc xứ cồn do lũ về, tràn ra bên ngoài.
Có lần, trời mưa lớn, nước lại chảy xiết khiến thằng Hữu trượt chân, may được cứu kịp. Cả đám hú hồn, dĩ nhiên kèm sau đó là một trận đòn no nê. Nhưng chỉ vắng vài hôm, tiếng cười đùa lại rộn rã trên chiếc cầu ván, lẫn vào trong buổi chiều tà đang dần khuất dạng nơi mấy rặng trâm bầu soi bóng xuống mặt sông.
Vị ngọt bùi của phù sa
Mãi đến khi sống ở Sài Gòn, cảm giác nhớ quê mới khiến những điều bình dị trở nên ý nghĩa hơn, trong đó có cả mớ ký ức về củ ấu xù xì. Vị ngọt bùi của ấu thấm đượm nơi đầu lưỡi nhưng không mấy dịp được thưởng thức. Cũng từ đó, tôi mới ngộ ra thứ củ xấu xí này có thể cho ra đời rất nhiều món ngon.
Để thưởng thức trọn vẹn vị của ấu, đơn giản nhất vẫn là luộc. Cho ấu đã rửa sạch vào nồi nước và ít muối, đun lửa to khoảng 30 phút ấu sẽ chín. Từ màu đỏ tím, ấu sẽ chuyển sang màu đen, trông như một cặp sừng trâu.
Ấu non thì giòn nhưng không bùi. Ấu già thì nhiều bột và hơi khô. Việc chọn được ấu vừa chín tới để thu hoạch cũng cần nhiều kinh nghiệm. Bên trong lớp vỏ xấu xí ấy là mớ thịt trắng ngần, béo và ngọt nhẹ. Cũng chính sự tương phản thú vị ấy, từ xa xưa ông bà mình đã đưa hình ảnh củ ấu vào trong những câu hò ngọt lịm: “Thân em như củ ấu gai/ Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen/ Ai ơi nếm thử mà xem/ Nếm xong mới biết rằng em ngọt bùi”. Củ ấu cũng đi vào những lời răn dạy của ông bà, cha mẹ, rằng: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”.
Chè ấu cũng là một món ngon dễ khiến người ta nhớ thương. Lấy mớ ấu sống tách vỏ, rửa sạch rồi nấu mềm. Một số được tán đều để tạo độ sánh cho chè. Mớ hạt sen hái vội ngoài đồng cũng tách sạch vỏ, bỏ nhụy cho cùng nắm đậu xanh từ mùa trước vào nấu chung. Đến khi tất cả chín đều thì cho đường phèn vào nêm nếm vừa ăn, để thêm lá dứa cho chè dậy mùi thơm.
Nhắc đến chè miền Tây ắt không thể thiếu chén nước cốt dừa béo ngậy. Vị bùi của ấu hòa với mùi thơm của sen, sự mát lành của đậu cùng vị béo của dừa, chút đậu phộng rang khiến vị giác bị đánh thức. Chè nóng ăn vào một chiều mưa rả rích là đúng bài, còn trưa hè oi ả chỉ cần thêm chút đá lạnh. Đặc biệt, tụi con nít luôn dễ dàng bị mê hoặc bởi những món ngọt bình dị này.
Người miền quê có thói quen trước cúng, sau ăn nên chỉ dăm ba chén chè cũng phải bày lên bàn thờ để mời ông bà trước. Thói quen này dần đi vào tiềm thức của bao thế hệ lớn lên trên mảnh đất chở nặng phù sa này.
Ấu cũng được chế biến thành món mặn để dùng trong bữa cơm hằng ngày hoặc những dịp giỗ chạp. Trong đó, món vịt nấu củ ấu khiến người ta phải bới từ chén cơm này sang chén cơm khác. Nguyên liệu cũng khá đơn giản: con vịt chạy đồng chắc thịt làm sạch, củ cải đỏ, sa tế, sả, nước dừa và không thể thiếu một mớ ấu đã được làm sạch.
Thịt vịt ướp sa tế và gia vị thấm đều, sau đó cho vào đảo đều trên chảo nóng để săn lại. Tiếp tục cho nước dừa tươi vào cùng với ít cọng sả để tạo mùi thơm. Củ cải đỏ và ấu được cho vào cùng lúc, đến khi tất cả chín đều thì nêm nếm lại lần nữa cho vừa miệng.
Nếu dùng với cơm nóng, món này sẽ được nấu hơi sệt lại và mặn, còn khi dùng chung với bún sẽ nấu lỏng hơn, vị thanh hơn. Thịt vịt kết hợp với mùi sa tế thơm phức cùng vị ngọt bùi của ấu khiến người ta phải gắp lấy gắp để.
Vì có tính chất tương tự một số loại khoai nên ấu cũng được dùng thay thế cho khoai lang, khoai mì trong món cà ri của người Nam bộ. Hoặc ấu cũng được dùng để hầm với giò heo, xương ống ăn rất ngọt và bùi.
Không chỉ để ăn, ấu còn được lên đời khi trở thành một loại thức uống chứa nhiều dinh dưỡng với tên gọi sữa ấu. Cách thức làm sữa ấu cũng không khác sữa hạt sen hay các loại đậu là bao, chỉ cần xay nhuyễn với nước rồi lọc lấy nước cốt đem nấu, gia giảm đường tùy khẩu vị. Để hương vị thêm hấp dẫn, sữa ấu được trộn với hạt sen hoặc gạo lứt. Một ngụm sữa ấu mát lạnh có thể khiến cơn khát giữa những ngày nóng nực được làm dịu đi hoặc cũng trở thành một bữa lót dạ vừa vặn.
Đổi đời nhờ ấu
Dọc quốc lộ 80 qua địa phận H.Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), những hàng ấu luộc nối tiếp nhau mời gọi khách phương xa. Gần như ai đi ngang cũng mua vài ký về làm quà cho người thân, bạn bè. Bên trên là những cuộc mặc cả sôi nổi thì bên dưới là tiếng cười nói của các bà, các chị đang nhanh tay thu hoạch ấu giữa cánh đồng bao la, đến hút tầm mắt.
Vùng Lấp Vò nổi tiếng với ấu mấy chục năm qua. Nhưng ngày trước, ấu chỉ được trồng một vụ để kiếm kế sinh nhai mùa nước nổi, rễ ấu lại giữ phù sa giúp đất màu mỡ cho vụ lúa tiếp theo. Nhưng nay ấu có mặt quanh năm trên vùng đất này, vì hiệu quả kinh tế cao, trong khi công chăm sóc, thu hoạch giảm từ 30-40% so với trồng lúa.
Từ chỗ loại củ ăn chơi, ấu đã giúp nhiều cuộc đời được bước sang trang mới. Chúng theo những chuyến xe hàng ngược xuôi để vào siêu thị, rồi đi nhiều tỉnh, thành khác, chở theo ước mơ của những con người nơi đây.
Thành Lâm