Ném tiền vào kiệu thánh, văn hóa gì thế này?

20/02/2019 - 08:02

PNO - Nếu tin rằng những nghi lễ, những tờ giấy được in dấu ấn ở đền Trần là linh thiêng thì động tác ném tiền vào bát hương thờ Phật hoàng là sự phỉ nhổ vào tiền nhân, thể hiện văn hóa tệ hại.

Rạng sáng 19/2, lễ hội Khai ấn đền Trần đã diễn ra tại Khu di tích đền Trần (P.Lộc Vượng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định). Cảnh chen chúc tranh cướp lộc lại tái diễn trước sự bất lực của lực lượng an ninh, bất chấp tiếng loa kêu gọi của ban tổ chức.

Nem tien vao kieu thanh, van hoa gi the nay?

Xô đẩy, chen lấn nhau vào khu vực cung cấm dâng hương

 

Theo ghi nhận của báo chí, để vào được đền Trần, các đại biểu có thẻ (nghĩa là chỉ một số người được chọn lọc mới được vào) phải đi qua bốn chốt kiểm soát, được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng, các đại biểu ấy đã hành xử như thế nào? Khi chiếc kiệu Ngọc Lộ - kiệu đặt bát hương thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông - được đoàn rước đưa vào bên trong đền, các đại biểu được chọn ấy đã gấp những tờ tiền lẻ mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng, thậm chí tờ 100.000 đồng và ném như mưa vào kiệu, ném cho đến khi nào trúng chiếc kiệu mới thôi.

Nếu tin rằng những nghi lễ, những tờ giấy được in dấu ấn ở đền Trần là linh thiêng thì động tác ném tiền vào bát hương thờ Phật hoàng nêu trên là sự phỉ nhổ vào tiền nhân, thể hiện văn hóa tệ hại của các vị “đại biểu”. Bên trong đền thờ, khi phần lễ vừa kết thúc, các gian thờ nhanh chóng ken đặc người và đồ lễ đã bị cướp một cách chớp nhoáng. Có tổ tiên nào lại đi ban phước, ban lộc cho đám hậu sinh ngang nhiên ăn cướp đồ lễ trên bàn của mình, khi nhang vẫn chưa tàn và khi cái tâm của những kẻ cướp ấy chỉ là cầu may mắn, lợi lộc cho bản thân?

Nếu các vua nhà Trần có thể bị "mua chuộc" bằng dăm ba đồng bạc lẻ, nhà Trần đã không thịnh vượng được như thế. Bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn cũng chẳng liên quan gì đến việc thăng quan tiến chức hay lợi danh mà chỉ ban, dạy cho con cháu giữ đạo đức, chăm làm việc phúc thiện. Nhưng dường như người ta không hiểu hoặc không buồn tìm hiểu về các nghi lễ, về ý nghĩa của chúng. Kết quả là, thay vì tích phúc, họ đi sờ chuông, bẻ cây, vặt lá, hủy hoại môi trường, tranh nhau mua chuộc thánh thần bằng cách leo rào, nhét tiền vào đền, bỏ vài mươi ngàn đồng vào thùng “công đức” để lấy giấy có in ấn.

Nem tien vao kieu thanh, van hoa gi the nay?

Nhiều người xoa tiền lẻ lên ban thờ lấy may trong năm mới bất chấp lực lượng chức năng ngăn cản

Chốn linh thiêng trăm năm nay trở thành nơi đổi chác, tranh đoạt của những tâm hồn nát vụn mọi giá trị văn hóa - đến với ông cha mà không hề hiếu kính hay học được chút gì từ những điều cao đẹp của cha ông. Thật, nếu 14 vị vua nhà Trần và các công thần, danh tướng có mặt ở đền vào đêm 18 rạng sáng 19/2, đám hậu sinh ô hợp hẳn đã bị lôi ra chém vì tội khi quân, phạm thượng.

Nhìn từ bất kỳ góc độ nào, tâm linh hay đời sống, việc ném tiền ở đền Trần chỉ cho thấy một sự mục ruỗng về niềm tin, tri thức, giá trị sống của một bộ phận dân Việt hiện đại mà nếu càng kéo dài, nguy cơ diệt vong càng cao. Khi ấy, dù có bao nhiêu vua Trần, vua Lê, vua Lý… cũng chẳng thể cứu nổi đám cháu con đã lạc mất tâm hồn.

Nhân Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI