'Ném mình vào thực tế'

15/07/2015 - 09:09

PNO - PN - Không được xếp vào dòng văn học chính thống, nhưng những cuốn sách viết từ trải nghiệm bản thân, từ những cuộc “ném mình vào thực tế” của người viết trẻ luôn có một sức hút riêng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhà văn Dương Thụy thường nói, mỗi người viết có một không gian riêng mà người khác không có được, hãy cố gắng tận dụng nó. Và chị đã từng làm mê đắm độc giả bằng những tác phẩm viết từ không gian riêng, lồng ghép từ những chuyến đi, bối cảnh nước ngoài. Đã có nhiều người trẻ biết nắm lấy không gian đặc biệt của mình để trải lên trang viết. Đó không phải là những chuyến đi thực tế cho mục đích viết văn, nhưng những trải nghiệm có được từ nhiều sự tình cờ của cuộc sống, tai họa hay đổ vỡ đã cho người trẻ có được vốn liếng quý giá để bước vào hành trình chữ nghĩa. Họ viết bằng bản lĩnh tự nhiên và những trải nghiệm để làm nên những cuốn sách thu hút người đọc.

'Nem minh  vao thuc te'

Chia sẻ với độc giả về chuyến đi xuyên nước Mỹ từ bờ Đông đến bờ Tây, cây bút trẻ Đinh Hằng vẫn không khỏi bồi hồi gọi đó là chuyến đi kỳ diệu nhất trong đời cô. Chuyến đi của sự đổ vỡ, tìm quên và tuyệt vọng đến tận cùng, khi tình yêu tan vỡ. Nghỉ việc, trả nhà trọ, Đinh Hằng bắt đầu hành trình nước Mỹ bằng những bước độc hành, những đêm ngủ nhờ nhà của những người bạn kết nối trên diễn đàn du lịch bụi, Đinh Hằng đã có một trải nghiệm mà bất kỳ người viết nào cũng mơ ước. Cô gọi đó là một “tuổi trẻ lộng lẫy” mà nếu không viết lại có lẽ là điều thật đáng tiếc. Đinh Hằng đã không ngại trải lòng, viết cả về nỗi đau của bản thân trong Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ. Chính những suy ngẫm chân thực, có giá trị làm nền tảng cho lựa chọn sống của tuổi trẻ trong cuốn sách mới là sức thu hút lớn, nhận được sự đồng cảm của đông đảo độc giả.

Tương tự Huyền Chip, gương mặt trẻ Võ Mỹ Linh cũng nổi lên từ những chuyến đi, mà đỉnh điểm là cô đã vượt qua cơn bão tuyết kinh khủng để trở thành người duy nhất sống sót trở về trong chuyến leo núi Everest. Không chọn cách viết du ký-ký sự, Võ Mỹ Linh cho ra mắt cuốn sách đầu tay Bên kia đồi (Phương Nam Books và NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành) bằng cách hư cấu một nhân vật độc thoại, trải trên hành trình đi đến những miền đất mới.

'Nem minh  vao thuc te'

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần bày tỏ: “Mỗi thời đại phải chấp nhận văn chương có những dòng chảy riêng. Thời điểm này người trẻ viết như thế bởi vì cuộc sống và nhu cầu đọc của chính người trẻ cần như thế. Không ai có thể can thiệp vào dòng chảy văn chương và lựa chọn của người cầm bút”.

Văn chương là đường dài nhọc nhằn, là lựa chọn của mỗi người. Cây bút trẻ Anh Khang khởi đầu từ cách viết tản mạn, đúng nghĩa trải lòng sau đổ vỡ tình cảm như tác giả chia sẻ, đến giờ tác giả đã có bốn đầu sách, cuốn nào cũng bán chạy hàng chục ngàn bản. Nếu chỉ là những cảm xúc cá nhân vụn vặt có lẽ sách của Anh Khang không bán chạy đến vậy. Anh Khang ngày càng chứng tỏ được bút lực vững vàng và biết cách làm mới trang viết bằng những cuộc dấn thân trải nghiệm. Tác phẩm mới Đi đâu anh cũng nhớ Sài Gòn và... Em (Phương Nam Books, NXB Văn hóa - Văn Nghệ) ra mắt mới đây được chắt lọc cảm xúc từ những chuyến đi từ Đông sang Tây, Âu sang Á của Anh Khang, trong góc nhìn và tư duy đã mở rộng hơn.

'Nem minh  vao thuc te'

Các tác phẩm gần đây của người trẻ

Viết theo cách chia sẻ trải nghiệm, cảm xúc cá nhân có vẻ đang là một xu hướng của người trẻ. Có rất nhiều cuốn sách dạng này, đã và sẽ còn tiếp tục ra mắt. Có nhà văn định nghĩa vui, đó là những “tác phẩm văn chương ngoài luồng”, nghĩa là không bao giờ được xét giải một cách chính thống hoặc người viết được công nhận là “nhà văn”, nhưng cũng chính sự “ngoài luồng” đó đang mang đến làn gió mới trong cách thể hiện lẫn tiếp cận của người viết và bạn đọc trẻ.

Dường như những người trẻ đã thành công vì tạo được sự đồng điệu, giúp người đọc nhận diện những góc khuất cuộc sống và nhìn thấy thế hệ trẻ đang sống như thế nào trong xã hội hiện đại.

 TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI