Né dịch - nhiều bệnh nhân "cạch" bệnh viện

14/03/2020 - 08:38

PNO - Trước tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp và số ca nhiễm COVID-19 đang tăng lên, nhiều người lo sợ bỏ tái khám, không dám đi khám bệnh. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày đã giảm 1.000-2.000 lượt khám.

Bác sĩ (BS) Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, cho biết: “Bình thường, BV khám 5.000-6.000 lượt/ngày, thì nay còn khoảng 4.000”. BS Việt cũng cho hay, bệnh nhân bỏ tái khám sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp. Vì bệnh có thể biến chứng nặng và không thể phục hồi, thậm chí có nguy cơ tử vong khi bị đột quỵ hay đường huyết tăng cao không kiểm soát…

Bỏ tái khám, nhân toa thuốc cũ

Những ngày này, bệnh viện vốn quá tải như Chợ Rẫy cũng vắng vẻ
Những ngày này, bệnh viện vốn quá tải như Chợ Rẫy cũng vắng vẻ

Lẽ ra, thứ Hai ngày 9/3, chị Nguyễn Thị H. (ở tỉnh Tiền Giang) đến ngày tái khám tại BV Chợ Rẫy. Trước đó, chị H. khám ở Khoa Nội thần kinh của BV và được chẩn đoán “chóng mặt kịch phát lành tính”. BS cho thuốc uống hai tuần và dặn hết thuốc đi tái khám. Thế nhưng, dù đã hết thuốc mấy ngày và thỉnh thoảng chóng mặt, nhưng chị H. vẫn không đi tái khám vì “sợ lây bệnh lắm, ở nhà cho lành”. Để trị cơn xây xẩm, chị lấy toa thuốc cũ đi mua uống tiếp.
Tương tự, bà Lê Thùy C. (ở tỉnh Long An) bị đái tháo đường týp 2, hiện có biến chứng tê bàn chân. Hầu như tháng nào bà cũng đến BV Đại học Y Dược TP.HCM kiểm tra đường huyết, tổn thương bàn chân nhằm tránh biến chứng phải đoạn chi. Nhưng đã qua đợt tái khám 20 ngày, bà vẫn “cố thủ” ở nhà. Trong khi đó, bàn chân bà đã có vết loét và đó là dấu hiệu mà BS căn dặn phải tái khám ngay. Thế nhưng, một phần sợ dịch bệnh, một phần chủ quan nên bà H. ở nhà tự mua thuốc uống.

Ngoài những người bỏ tái khám, có những người dù xuất hiện dấu hiệu bất thường cũng cố chịu đựng chứ không đi khám bệnh. Ông Nguyễn Quốc D. (ở H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) bị những cơn đau bao tử hành hạ suốt 12 ngày qua, ăn vào là ói ra, nhưng vẫn không chịu lên BV Chợ Rẫy, nơi ông thường đi khám mỗi lần sức khỏe có vấn đề. Bảy năm trước, ông D. bị loét hang vị, và nhiễm HP, phải điều trị mấy tháng ở BV Chợ Rẫy. Giờ, ông nghi bệnh cũ tái phát nhưng quá lo lắng về dịch COVID-19 nên ông ráng chịu đựng những cơn đau, nhất quyết không đi BV.

Thậm chí, có người có chỉ dấu ung thư, BS khuyến cáo vào BV khám cũng chần chừ chưa chịu đi. Chị Dương Ngọc Tr. (ở Q.Bình Tân, TP.HCM) là nhân viên một công ty in ấn. Đầu tháng 12/2019, chị khám sức khỏe định kỳ và được cảnh báo: tầm soát gan và ung thư cổ tử cung, vì men gan tăng cao và có chỉ dấu ung thư cổ tử cung. Chị Tr. lo lắng gửi các kết quả siêu âm bụng, nội soi cổ tử cung, xét nghiệm máu… cho BS quen. BS nói: “CA125 tăng, có chỉ dấu ung thư, qua tết đi kiểm tra lại”. Nhưng ăn tết xong, dịch bùng phát nên chị cứ ôm mối lo, suốt ngày hỏi “BS Google”, với các bà mẹ trong diễn đàn về phụ nữ, chứ không chịu đến BV tầm soát.

Cẩn trọng nhưng đừng quá hoảng sợ

BS Phạm Thanh Việt cho biết, bệnh nhân khi đến khám bệnh ở BV Chợ Rẫy, ngay ở quầy tiếp nhận đã có khu sàng lọc bệnh. Theo đó, những bệnh nhân đến khám có dấu hiệu của COVID-19 như ho, sốt sẽ được tách ra khám riêng ở phòng khám cách ly. Bằng chứng là khi bệnh nhân Li Ding, người nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam, vừa vào BV Chợ Rẫy khám đã được cách ly để điều trị bệnh sau khi biết ông đi từ vùng dịch Vũ Hán. 

Tương tự, tại BV Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã có những biện pháp đảm bảo an toàn cho người đến khám và điều trị. BS Âu Thanh Tùng, Trưởng khoa Khám bệnh của BV, cho biết: “BV tổ chức sàng lọc tất cả đối tượng đến BV để phát hiện những ca nghi nhiễm hoặc có thể mắc COVID-19. Ngay từ cổng BV, người đến khám bệnh, người thăm bệnh... đều được nhân viên y tế thực hiện phiếu sàng lọc dịch tễ, kiểm tra thân nhiệt, dán nhãn (sticker) đối với các trường hợp đã kiểm tra sàng lọc, đeo vòng tay với người nuôi bệnh... Nếu người bệnh có yếu tố dịch tễ thì được tiếp tục sàng lọc phiếu thứ hai, đi vào chi tiết từng vùng dịch tễ, triệu chứng viêm đường hô hấp cấp. Trong trường hợp nghi ngờ thì được nhân viên y tế hướng dẫn qua phòng khám cách ly…”.

Ngoài ra, tại các cơ sở y tế cũng thường xuyên phun thuốc khử trùng, trang bị nước rửa tay sát khuẩn khắp khuôn viên. Bên cạnh đó, các BV đều thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phòng tránh lây nhiễm chéo, nhiễm trùng BV… BS Việt cho biết thêm: “BV Chợ Rẫy vẫn đón tiếp bệnh nhân nước ngoài đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên chúng tôi rất lưu ý những bệnh nhân này. Họ cũng được sàng lọc chặt chẽ và nếu có dấu hiệu liên quan đến viêm đường hô hấp cấp thì được tách qua phòng khám cách ly ngay để không ảnh hưởng đến bệnh nhân khác”. 

Đồng thời, BS Việt khuyến cáo: BV đã và đang thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh, người đến khám bệnh. Do vậy, khi người dân có bệnh không nên cố chịu đựng mà nên đến cơ sở y tế khám và tái khám đầy đủ. Dĩ nhiên, khi đến BV hay chỗ đông người cần thực hiện các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay sát khuẩn thường xuyên… 

“Vì không tái khám kịp thời, nhất là với nhóm bệnh mạn tính có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như huyết áp cao dẫn đến đột quỵ, đường huyết cao dẫn đến hôn mê, tử vong... Bên cạnh đó, người bệnh tuyệt đối không được “nhân” toa thuốc cũ, tự ý mua thuốc uống. Điều này rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”. 

Thùy Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Mongthuha 14-03-2020 13:09:05

    Tại sao không lập 1 trạm kiểm tra thân nhiệt, 1 phòng khử trùng ( bao gồm rửa tay sát khuẩn )ngay tại cổng vào bệnh viện để rà soát cơ bản trước khi cho bệnh nhân và mọi người đến bệnh viện? ?? 1 điều cơ bản nhất để bệnh viện không bị ảnh hưởng lan nhiễm mần bệnh, và củng cố lòng tin của bệnh nhân và mọi người.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI