Né cô em chồng hay "kể công"

06/10/2021 - 09:03

PNO - Em chồng cho mượn máy tính nhưng tôi không nhận, tránh để sau này "há miệng mắc quai" khi cô ấy coi thường, "kể công" với chúng tôi.

Công ty tôi đã khởi động lại, nhưng cho nhân viên làm việc ở nhà và tự sắm máy móc. Tôi thất nghiệp, không được trả lương đã 3 tháng nên việc sắm cái máy tính, dù hàng cũ đi nữa, cũng là khoản chi lớn, chưa biết lấy ở đâu ra.

Lúc này, cô em chồng nói cứ lấy cái máy tính của cô để dùng, do hiện cô chưa cần tới. Chồng tôi vui vẻ nhận, còn tôi không đồng ý. Lý do là người này từ lâu hay tỏ vẻ coi thường tôi, bản tính cô cũng rất ích kỷ, thích kể lể công sức khiến cả nhà nhức đầu. Tôi đang khó khăn, cần có máy móc để làm việc, nhưng không lẽ tôi lại rơi vào cái bẫy "há miệng mắc quai" để rồi sau này cô em chồng lại tiếp tục coi thường, nói không tốt về chúng tôi?

Chồng tôi thì nói, khi mình cần cứ nhận sự giúp đỡ, việc khác để ý làm gì.

Có nhiêu đó thôi mà vợ chồng tôi cãi nhau chị ạ. Giờ tôi nên làm gì?

Nga Du (KCN Vĩnh Lộc, Bình Chánh)

Nga Du mến,

Bạn đang gặp khó khăn, và cần một hướng giải quyết tùy theo nhu cầu cấp bách nhất với bạn. Nhu cầu cấp bách ban đầu là phải có một chiếc máy tính trong điều kiện không có khả năng tài chính để tự mua. Nhưng trong lúc có hướng giải quyết, thì lại xuất hiện một nhu cầu nữa, là "không muốn em chồng coi thường, kể công".

Mô hình làm việc từ xa khiến cái máy tính trở thành đầu mối của bao chuyện nhức đầu trong gia đình... - Hình minh họa - XFRAME
Mô hình làm việc từ xa khiến cái máy tính trở thành "đầu mối" của bao chuyện nhức đầu trong gia đình... - Hình minh họa - XFRAME

Trong bối cảnh này chồng bạn chọn giải quyết cái máy tính, và "mặc kệ" tính cách của em gái, còn bạn không muốn vướng vào "cái bẫy kể lể" kia. Nếu mỗi người cứ nói về lựa chọn của mình thì chắc chắn cãi nhau không có hồi kết.

Dù gì thì cái máy tính cũng là nhu cầu của riêng bạn. Bạn hãy suy nghĩ nghiêm túc xem có những cách nào để có được công cụ làm việc, và với từng cách đó, bạn phải đánh đổi những gì. Trường hợp xấu nhất, nếu không có máy tính, bạn không thể làm việc, thì chuyện gì sẽ xảy ra. Và bạn có sẵn sàng chấp nhận nguy cơ đó hay không. 

Cũng cần nhìn nhận lại về "bản tính ích kỷ" của em chồng. Sự "kể công, nói không tốt" có thực sự xuất phát từ sự ích kỷ, ghét bỏ, hay chỉ là một khuyết điểm trong tính cách của cô ấy? Hạnh Dung đặt câu hỏi này, vì sự "kể công" rất phổ biến, nhiều người rất tốt bụng, sẵn lòng giúp đỡ người khác nhưng lại hay gây mích lòng vì lời nói không được khéo léo.

Với những người như vậy, càng chấp nhất, ta chỉ càng mệt mỏi vô ích, việc ta chấp nhất/né tránh cũng không thể khiến họ khác đi. Hơn nữa, là người trong gia đình, nếu hành xử với nhau bằng cách chấp nhất khuyết điểm, thì sẽ luôn gặp vướng víu, khó xử. 

Câu chuyện bây giờ không chỉ dừng lại ở cái máy tính, mà còn là cách ta nhìn nhận và ứng xử với người thân. Chắc chắn em chồng bạn đã cho mượn máy tính vì tình cảm, và cũng rất có thể sau đó em ấy lại kể công vì tính cách vốn thế. Trong khi đó, nếu thực sự ích kỷ, cô ấy đã không tự nguyện cho mượn máy tính.  Và chuyện tương tự sẽ tiếp tục diễn ra sau này, khi cô ấy chìa tay với người thân vì tình cảm nhưng sau đó lại kể công vì... thói quen, tính cách.

Vậy, với một người như thế, bạn chọn ứng xử với họ theo tình cảm của họ, hay chỉ so đo, tự vệ? Hạnh Dung hiểu, bị kể công không mấy dễ chịu. Nhưng không nên để chút hiệt hại về cảm xúc phá vỡ kết nối tình cảm với người thân -  những người thật lòng thương nhau.

Chồng bạn chỉ có thể nói ngắn gọn về lựa chọn của anh ấy. Nhưng có lẽ câu nói đó mang hàm nghĩa như Hạnh Dung vừa nêu bên trên. Có lẽ bạn đã hiểu hơn về lựa chọn của chồng, và thấy chuyện "kể công" kia không ghê gớm đến mức ta phải suốt đời "giãn cách" với người em ấy...

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI