Nấu cho chồng con ăn, sao lại ngại mất công?

30/01/2018 - 14:05

PNO - Xem ra, việc thổi thương yêu vào món ăn phục vụ người thân ngày càng trở thành một thứ xa xỉ?

Có một status trên bacebook của một chị, đại ý như sau:

Một buổi sáng chị đi chợ nhỏ gần nhà, chưa trưa lắm nhưng chợ cũng gần tan. Trên miếng nylon của một cô gái mang từ quê ra thành phố còn lại một nhúm rau lang, dăm trái xoài, ít đậu ve, hành, chanh, ớt, tỏi và một trái gấc. Chị ghé mua trái xoài xanh dự định cho món cá chiên xoài bằm. Cô bán hàng mời chị trái gấc mua về nấu xôi. Chị nói nhà không có sẵn nếp, giờ mua trái gấc rồi phải chạy qua chợ khác mua nếp thì mất công quá!

Câu trả lời của cô bán hàng làm chị giật mình:

“Mua đi chị, mua gấc xong rồi đi mua nếp. Nấu cho chồng con ăn đừng ngại mất công!”

Theo ý chị, một cô bán hàng nhà quê, ít học mà nói được câu đó trong khi đó có  bao nhiêu phụ nữ bằng cấp dát đầy mình chưa chắc đã “quán triệt” được điều này, thương chồng, thương con thì không nề hà chuyện “mất công”, ngại nấu nướng.

Nau cho chong con an, sao lai ngai mat cong?
Ảnh minh họa

Có thể thấy một điều, các cô gái khi còn ở với cha mẹ rất lười vào bếp. Mẹ nấu gì ăn đó, không có mẹ, cô làm tô mì gói, không thì đi ra quán hay nhịn luôn. Thậm chí có cô còn lười đến nỗi, đùn việc nấu cơm cho ông bố. Vậy mà, khi cô có người yêu chẳng hạn, cô chẳng từ chối việc vào bếp  nếu người yêu cô yêu cầu làm cho anh món gì đấy, thậm chí có cô sẵn sàng làm món nhậu cho anh lai rai với bạn bè. Tuy vậy đây vẫn là một cô gái tuyệt vời, biết nấu món ăn cho người mình thương.

Như vậy, có thể thấy, việc nấu một bữa cơm hay môt bữa tiệc cho người mình yêu thương là chuyện bình thường. Ngoài việc nấu ăn phải là một nghệ thuật, tùy thuộc vào tay nghề, sự khéo léo thì người nấu còn thổi vào đó tình thương yêu, sự chăm chút thì món ăn mới có hồn. 

Điều đáng nói là hiện nay, người phụ nữ vừa việc công thêm việc tư. Công việc bên ngoài xã hội cuốn lấy các cô, đã vậy, ngoài giờ làm việc các cô còn đến các lớp học thêm, một bằng chưa xi-nhê phải hai, ba bằng mới nói chuyện. Vừa học vừa làm, đi từ sáng sớm đến 9, 10 giờ đêm mới về đến nhà, mệt ứ.  

Cơm mẹ nấu sẵn hay có thể đã ăn ngoài, về nhà tắm táp xong ôm ngay máy tính chat đến khuya, không có thời gian và sức lực để vào bếp. Thương con, các bà mẹ “cơm bưng, nước rót” nhiều khi đến tận phòng.

Xã hội bên ngoài còn chu đáo hơn nữa. Muốn gì có nấy, vào siêu thị ghé quầy thức ăn đầy đủ các thứ, từ cá kho tộ cho đến canh bắp cải cuốn thịt, cá thì chiên sẵn, thịt cũng kho luôn, sườn ướp thì từng miếng vuông vức…. Thậm chí trái ớt, quả chanh cũng bỏ trong bịch nylon đỏ, xanh tươi mơn mởn, mua về cho ngay vào tủ lạnh, chẳng cần phải chọn lựa từng trái ở ngoài chợ như mẹ các cô.

Nói chung giờ đây thứ gì phục vụ cho cái dạ dày cũng tiện nghi, chẳng phải mất nhiều công sức như ngày xưa, đi chợ phải chọn con cá mắt còn trong đen, lật cái mang phải đỏ tươi, về nhà lại cặm cụi đánh vảy, làm mang. Miếng thịt sờ vào phải dính tay…

Giờ mà nói chuyện làm cá thì còn… khuya nói chi đến việc cắt cổ gà. Thậm chí các bà mẹ cũng ngại những việc này, mua xong, người bán sẵn lòng làm hết!

Nau cho chong con an, sao lai ngai mat cong?
Ảnh minh họa

Chuyện xứ ta hay chuyện xứ người cũng vậy. Đọc thông tin trên mạng mới biết, hóa ra ở Hàn Quốc, một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy có đến 65% phụ  nữ không biết làm món kim chi. Quả là ngạc nhiên chưa!

Món kim chi là quốc hồn, quốc túy của người Hàn Quốc, ho có cả một Viện bảo tàng giới thiệu và vinh danh món kim chi. Trong tương lại họ còn tính đưa món kim chi lên cả … không gian nữa!

Người phụ trách tiếp thị cho một công ty sản xuất kim chi nổi tiếng, cho biết: “Phụ nữ Hàn Quốc giờ đây không lo học làm kim chi nữa vì họ biết rằng món ăn phổ biến này đã được nhiều công ty sản xuất rộng rãi, bán đầy trên thị trường, trong các hũ, chai, lọ... Ngoài ra, mua sẵn kim chi bán trên thị trường còn rẻ hơn là đi mua cải, muối, gia vị...để làm ở nhà và tốn thêm nhiều công sức (mà chưa chắc đã ngon hơn)”.

Nau cho chong con an, sao lai ngai mat cong?
Ảnh minh họa

Có phải chăng vì các lý do tổng hợp trên mà bếp ăn các gia đình trẻ ngày càng ít ấm? Các cô gái còn biện minh rằng, đó là phân công xã hội, mình phục vụ cách này, người khác phục vụ mình cách khác cũng là một trong những cách thúc đẩy sự phát triển.

Các bà mẹ và ông bố chỉ biết lắc đầu. Nếu nói thêm vài câu nữa về vấn đề an toàn thực phẩm, chắc chắc các cô sẽ còn nhiều phản biện nữa, mà một trong những cách đó là phải cố gắng học hành rồi làm việc sao cho có nhiều tiền để có thể chọn cho mình những dịch vụ tốt nhất!

Và như thế, trở lại vấn đề đầu bài, rõ ràng, một trái gấc không bao nhiêu, chạy qua chợ khác mua một ký nếp cũng chẳng mất công gì lắm, thế nhưng, liệu giờ đây có ai còn nấu nồi xôi gấc cho cả nhà ăn? Và chắc gì những đứa con đã háo hức nồi xôi của mẹ khi buổi sáng có bà bán xôi gấc đầu đường, miếng xôi vừa thơm mùi gấc, vừa dậy vị béo, vừa mềm chưa nhai đã muốn tan trong miệng. Thích thì ăn xôi, không thích thì phở, bánh mì, hủ tíu….

Và, các bà mẹ trẻ ngại chuyện bếp núc cũng vì thế, nấu ra có ai ăn đâu, ra siêu thị  loáng cái là có đủ thứ. Xem ra, việc thổi tình thương yêu vào món ăn phục vụ người mình yêu thương ngày càng trở thành một thứ xa xỉ?

Bạn nghĩ gì?

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI