Nấu ăn cho chồng con bằng tình yêu và hạnh phúc

21/12/2015 - 08:04

PNO - Hãy lấy việc chăm sóc bữa ăn cho gia đình là niềm hạnh phúc, đừng nấu cục tức, cục giận cho cả nhà ăn.

Mỗi lần nghe mẹ kể lại chuyện ngày xưa ba mẹ yêu nhau như thế nào, các con của nhà thơ, chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh và ông Nguyễn Quảng Nha lại bảo: "Cứ như nghe chuyện cổ tích".

Nau an cho chong con bang tinh yeu va hanh phuc
Ông bà Nguyễn Quảng Nha - Hồ Đắc Thiếu Anh luôn hạnh phúc bên nhau

Lãng mạn như cổ tích

Trong câu chuyện tình yêu ấy có người con gái Huế tên Thiếu Anh, theo gia đình vào Nha Trang sinh sống. Chàng trai Nguyễn Quảng Nha được bạn thân dẫn đến chơi nhà cô em gái nhỏ Thiếu Anh liền “trúng” luôn cú sét ái tình mãnh liệt.

Chạm được ngõ nhà nàng rồi nhưng bước thêm bước nữa thì không dám, chiều chiều chàng trai lảng vảng trước ngõ, nghe nàng thổi sáo trên hiên nhà. Rồi bất ngờ một tuần liền chàng không nghe tiếng sáo. Lòng bồn chồn, chàng đánh liều chặn cậu em của nàng lại, hỏi: “Chị Thiếu Anh sao không thổi sáo?”. Cậu bé chỉ kịp nói một câu: “Chị ốm” rồi ù té chạy.

Đi mua cam tới thăm nàng, vào đến nhà, chàng bàng hoàng khi thấy bàn thờ nhỏ có bình hoa che một phần cái tên chỉ còn lại ba chữ “Hồ Đắc” và “Anh”. May mà mẹ nàng ra hỏi và bảo chàng ngồi chờ để bà kêu em ra tiếp. Hóa ra, đó là bàn thờ người cô của nàng, được lập vào những ngày giỗ cô. Mãi sau này chàng mới kể lại với nàng cảm giác bay thẳng từ địa ngục lên tới thiên đàng khi biết ý trung nhân của mình vẫn bình an.

Tình yêu của họ diễn ra dưới vòng kiểm soát của mẹ nàng: ngày nào chàng cũng tới chơi nhà, đàn và hát trong phòng khách. Mẹ nàng bắc ghế ngồi uống trà ngoài hiên. Uống hết bình trà này tới bình kia mà chàng vẫn chẳng chịu ra về.

Mưa dầm thấm đất, tình yêu nảy nở trong cô gái Thiếu Anh lúc nào không biết. Tình yêu của họ êm đềm, ngập tràn những kỷ niệm nên thơ. Giờ đây, mỗi khi nhớ lại, người phụ nữ đã qua tuổi 65 ấy vẫn còn hồng má, thắm môi với nụ cười hết sức hạnh phúc, dịu dàng.

Bà Thiếu Anh kể, có lần tiễn ông vào Sài Gòn học, chia tay nhau ở quán cà phê buổi sáng, buổi chiều nhớ ông quá, bà lại ra quán ngồi. Nhìn thấy dáng người yêu, bà không tin vào mắt mình; hóa ra là ông thật, ra tới Phan Thiết, ông quay trở lại vì “đi lâu sợ mất em”.

Quen nhau hai năm, họ nên vợ nên chồng. Người ta bảo sự lãng mạn chỉ có trong tình yêu và sẽ bị giết chết trong đời sống vợ chồng. Nhưng với vợ chồng bà Thiếu Anh, đến giờ, sau 41 năm hôn nhân, họ vẫn giữ được hạnh phúc ngọt ngào của mình, bởi ông bà luôn là hai con người lãng mạn, tin vào những điều đẹp đẽ của tình yêu trong tình vợ chồng, luôn giữ cho mình được đẹp trong mắt nhau.

Cùng nhau vượt qua gian khó

Cưới nhau năm 1974, năm 1975 vợ chồng bà Thiếu Anh sinh bé Xíu, hai năm sau sinh thêm cu Tý. Đó cũng là những năm tháng khó khăn nhất của đất nước. Bà về làm dâu một gia đình gốc Huế trong những điều kiện sống vô cùng chật vật.

Bữa cơm chỉ có bo bo nhưng người này cứ nhường người kia. Vợ chồng bà phải xoay đủ cách mới có thể sống nổi. “Cái khó ló cái khôn”, con gái Huế giỏi nữ công gia chánh, may vá thêu thùa, nấu ăn… bà đã được mẹ dạy dỗ kỹ lưỡng từ ngày còn bé. Bà nhanh nhẹn mang những kiến thức và khả năng ấy ra kiếm tiền, cùng chồng chống chọi với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn.

Thấy gia cảnh khó khăn của gia đình bà, một người bạn chỉ cho cách ép áo mưa. Hì hụi quạt lò cả đêm có khi chỉ được một - hai ngàn đồng. Vốn giỏi nghề may, bà nghĩ ra việc cắt may những chiếc áo mưa dạng áo khoác dài, đính những hạt khuy to và bán cho bạn bè, đồng nghiệp trong cơ quan. Rồi những món ăn chơi như cốm cũng được bà làm bán để cải thiện kinh tế gia đình. Cốm của bà làm thơm ngon, bỏ khắp các chợ Sài Gòn, mang lại nguồn thu nhập lớn.

Với nhiều người, những ngày tháng ăn độn bo bo, làm đủ mọi việc để kiếm thêm tiền cho cuộc sống gia đình luôn nhuốm màu sắc u ám, buồn thảm. Còn trong con mắt người phụ nữ Huế làm thơ ấy, kỷ niệm xưa được vui vẻ kể lại, nhẹ nhàng, thanh thản, như đó là những bước tất yếu phải trải qua trong đời sống gia đình.

Bởi điều quan trọng nhất với Thiếu Anh là những việc bà làm luôn được chồng ủng hộ, góp sức. Sáng kiến, kế hoạch là của bà, khi bắt tay vào, việc nào nặng ông cũng giành làm hết. Hễ làm cốm thì bà xào, ông cán.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI