Nấu ăn bị vợ chê, buồn năm phút!

06/10/2021 - 05:55

PNO - Mỗi khi chuẩn bị nấu món và ráng sao cho thật ngon, tôi luôn nghĩ khi mình làm xong sẽ nhận được lời khen tặng của bà xã và mấy đứa nhỏ, sẽ nhận được điểm 10; nào ngờ bị vợ chê, vợ nhăn hoài, cũng buồn… năm phút.

Là đấng mày râu, tôi ít khi vào bếp, nếu được làm anh nuôi cũng chỉ là tình thế bất đắc dĩ để có cơm có canh rau bỏ bụng cho mấy đứa nhỏ chống đói qua ngày. Nhiều lúc bà xã vắng nhà, tôi lười khui thực phẩm rã đông ra xào nấu nên ba cha con lang thang trên phố, tìm đến các quán ăn rồi mỗi người chọn một món cho nhanh gọn.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, tôi được các thành viên trong gia đình bầu chức bếp trưởng vì bà xã bận làm việc online.

Chuyện bếp núc, củi lửa, chiên xào không phải là chuyên môn nhưng tôi không còn cách nào để thoái thác, khi mà tỷ lệ biểu quyết, trúng cử quá cao: 3/4. Trước đây khi bà xã vào bếp, tôi chỉ là vai phụ (phụ gọt, cắt rau củ quả hay canh chừng vớt bọt nồi hầm xương), còn nêm nếm gia vị đều do bà xã đảm nhận.

Bây giờ, để sớm trở thành “đầu bếp giỏi” tôi vào các trang mạng tìm bí quyết. Bữa sáng đầu tiên là món bò kho, với phụ liệu “dã chiến” sẵn có. Khi pha chế, tôi vừa làm vừa mở điện thoại xem từng bước, rồi cũng đến công đoạn lên lửa phi tỏi hành xào thịt cho dậy mùi thơm khắp nhà, kích thích sự thèm ăn của các thành viên nhỏ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi khoái chí khi nghe cậu bé nhất nhà vừa khen vừa hỏi: “Ba làm món gì mà thơm quá?”. Chỉ vậy thôi cũng khiến động tác tay của tôi đang làm nhanh nhẹn, rộn rã hơn. Nhưng tôi đổi chiến thuật, phải học cách Trạng Quỳnh nấu món “mầm đá” dâng chúa.

Khi món ăn đã chín cũng là lúc tụi nhỏ đói meo, cơn thèm lên đỉnh điểm, chưa kịp ăn mà đã không ngừng khen ba làm ngon.

Mỗi ngày, khi nghe đồng hồ báo giờ là tôi lục đục mở nắp tủ đông, tủ mát để lấy thực phẩm rồi lên mạng tìm hiểu cách chế biến để đổi món, vừa gọn vừa ngon lại tiết kiệm, bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng giúp gia đình tăng sức đề kháng chống chọi lại vi-rút nếu không may vướng phải.

Giờ đây, cả hai đứa con đã vào năm học mới và học online, tôi phải thức dậy sớm hơn để lo bữa sáng. Để việc nấu nướng nhanh gọn, tối hôm trước tôi đã phải chuẩn bị thực phẩm. 

Nấu ăn chẳng nặng nhọc gì, nhưng chế biến hay nêm gia vị phải hợp với mọi người trong gia đình, do đó người làm bếp cũng là người hiểu ý các thành viên. Mâm cơm trong mùa dịch gọn gàng, tiết kiệm, đủ dinh dưỡng và đáp ứng mẫu số chung, không thể làm nhiều món theo sở thích và ý muốn của từng người. 

Có lần tôi đang chế biến một món xào hơi nhiều dầu, bà xã đến gần, đứng phía sau, không động viên tinh thần mà ngược lại còn cằn nhằn: “Anh làm ít dầu thôi, ăn dầu mỡ nhiều không tốt. Anh làm vậy ai mà ăn cho nổi”.

Hôm sau, tôi làm nước mắm tỏi chấm cá chiên cuộn rau thơm, bà xã chưa ăn đã lên tiếng: “Anh làm nước mắm sao nhiều đường quá. Ăn như vầy chắc cả nhà sớm bị bệnh tiểu đường còn mệt hơn bị COVID”… 

Mỗi khi chuẩn bị nấu món và ráng sao cho thật ngon, tôi luôn nghĩ khi mình làm xong sẽ nhận được lời khen tặng của bà xã và mấy đứa nhỏ, sẽ nhận được điểm 10; nào ngờ bị vợ chê, vợ nhăn hoài, cũng buồn… năm phút.

Dẫu sao cũng là lời góp ý chân tình của bà xã, bởi vì phụ nữ thường xuyên vào bếp nên có nhiều kinh nghiệm. Hy vọng sợi dây kinh nghiệm rút riết thế nào cũng tới ngày tôi được giám khảo khó tính - bà xã - gật gù trao giải vô địch trong cuộc thi chỉ có… một thí sinh. 

Nguyễn Thắng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI