Theo hãng tin Reuters, các thành viên của NATO đã đồng ý với kế hoạch đưa tàu chiến và máy bay tới Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường hệ thống phòng không của nước này tại biên giới với Syria, tránh gây thêm căng thẳng với Nga.
"Chúng tôi đã nhất trí về gói giải pháp nhằm bảo vệ cho NATO trong thời điểm tình hình trong khu vực đang bất ổn", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết. “Đây là một biện pháp tự vệ”.
|
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) gặp mặt Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ameh Davotuglu (trái). |
Do Thổ Nhĩ Kỳ đã có lực lượng không quân lớn mạnh, các nhà ngoại giao NATO và chuyên gia quân sự cho hay, sự tham gia của liên minh này chỉ là nhằm giải thiểu tới mức tối đa nguy cơ lặp lại một vụ bắn hạ máy bay Nga như vụ Su-24 vừa qua.
Gói giải pháp sẽ được triển khai vào tuần tới, bao gồm máy bay trinh sát AWACS, có khả năng thực hiện nhiệm vụ giám sát không phận trong vòng bán kính hơn 400 km và trao đổi thông tin thông qua các liên kết dữ liệu số, cùng các căn cứ chỉ huy trên không, trên biển và trên mặt đất.
Trong khi Đức và Đan Mạch cam kết sẽ gửi các tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha cũng đồng ý triển khai tên lửa đất đối không dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm bảo vệ nước này khỏi bất cứ loại tên lửa nào "lạc" tới đây do cuộc xung đột ở Syria.
Các nhà ngoại giao NATO đang lo lắng rằng Ankara quá hung hăng, và rồi sẽ có thêm những sự cố nữa xảy ra có thể làm căng thẳng thêm tình hình, nhất là sau khi Nga đưa hệ thống phòng không hiện đại S-400 tới Syria.
Trong khi đó, quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng trong thời gian gần đây đã khiến Nga xích lại gần Iran hơn. Cả Moscow và Tehran đều đang cho thấy dấu hiệu chấp thuận sự ra đi của Tổng thống Syria nếu thực sự đây là giải pháp chính trị có thể đem lại hòa bình cho quốc gia này.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tháng trước gặp mặt tại Tehran. |
Dù vẫn công khai thể hiện lập trường ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga gần đây bắt đầu đưa ra những biểu hiện cho thấy, họ không phản đối việc ông Assad rời văn phòng tổng thống nếu đó là một phần trong tiến trình hòa bình ở Syria, Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao cho biết.
Iran trong khi đó tuyên bố có "quan điểm thống nhất" với Nga đối với vấn đề Syria. Đây được xem như dấu hiệu cho thấy quan điểm kiên quyết phản đối việc Tổng thống Assad ra đi của nước này cũng đang dần được điều chỉnh theo chiều hướng bớt quyết liệt hơn trước.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin mới đây, Lãnh tụ Tối cao Iran Khamenei đã công khai lên tiếng chỉ trích Mỹ, lên án chính sách mà Washington thực thi ở Trung Đông không khác gì một mối đe dọa với cả Moscow và Tehran. Ông cũng kêu gọi Nga và Iran nỗ lực để làm khăng khít hơn mối quan hệ song phương.
Ngoài việc tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria, Nga và Iran cũng đang từng bước giải quyết những khúc mắc trong hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa S-300 trước đây.
|
Hệ thống phòng không S-300 của Nga. |
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin ngày 18/12 cho biết, Iran sẽ rút đơn kiện công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga, sau khi Tehran nhận được hệ thống tên lửa S-300 đầu tiên từ Moscow. Năm 2007, Nga và Iran đã ký hợp đồng cung cấp 5 hệ thống tên lửa S-300.
Tuy nhiên, sau đó vào tháng 9/2010, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã ký một sắc lệnh nhằm triển khai Nghị quyết số 1929 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Iran.
Hợp đồng trị giá hơn 800 triệu USD này bị hủy bỏ và các khoản thanh toán ứng trước đã được hoàn lại cho Tehran. Iran đã đệ đơn kiện Nga lên Tòa án Hòa giải và Trọng tài của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Geneva (Thụy Sĩ), vì phía Nga vi phạm hợp đồng.
Tháng 4/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 cho Tehran, sau khi cuộc đàm phán tại Geneva giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran.
Lam Anh (tổng hợp)